Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hơn nửa tháng đến các “thành lũy thép” trên biển (01/07/2019-8:55)
    Đầu năm 2019, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã điều 2 tàu hải quân Trường Sa 08 và Trường Sa 19 để đưa các đoàn ra thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới các chiến sĩ đang công tác trên hệ thống Nhà giàn DK1. Phóng viên Báo Thanh Hóa cùng hơn 100 phóng viên của các cơ quan báo chí trong cả nước đã may mắn được tạo điều kiện đi cùng các đoàn.

  Tác giả (áo trắng, đầu tiên từ phải qua trái) tác nghiệp tại vùng biển DK1

Sự háo hức của các phóng viên hiển hiện lên từng khuôn mặt rạng rỡ trước giờ lên đường. Cảng của Lữ đoàn 171 Hải quân ở TP Vũng Tàu cũng trở nên nhộn nhịp hơn bởi công tác chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày tới hệ thống Nhà giàn DK1, tàu trực canh trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc chuyến đi bình an của những người lần đầu tiên gặp mặt khiến những thành viên hải đoàn chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thương. Những chiến sĩ hải quân hối hả chuyển hàng hóa, quà tặng lên hai con tàu 1.000 tấn đang nổ máy chờ giờ rẽ sóng. Sau 2 hồi còi rú vang chào cảng, hai con tàu thẳng tiến về phía bình minh, sau vài giờ thì đi theo 2 hướng khác nhau theo hải trình đã định.

Không phải lần đầu đến với biển đảo quê hương, song tâm trạng tôi vẫn lâng lâng khó tả. Đến với biển đảo xa xôi, nhưng ai cũng cảm thấy không hề xa lạ, mà cảm giác thân thương, linh thiêng và gần gũi. Những con sóng liên hồi vỗ ràn rạt vào mạn khiến con tàu dài gần 80 m, rộng gần 15 m nặng cả trăm tấn vẫn phải chòng chành. Cảm giác nôn nao của những ngày say sóng đầu tiên cũng dần bị đẩy lùi bởi niềm hứng khởi sắp được gặp các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên biển, được trải nghiệm tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhà giàn DK1/15 hiên ngang giữa biển
Như mang theo cả tình cảm chân thành từ đất liền, đích đến lần này của 2 chuyến tàu Trường Sa 08 và Trường Sa 19 chính là hệ thống 15 nhà giàn và các tàu trực canh trên khắp vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, vùng biển Bãi cạn Cà Mau giáp lãnh hải các nước Malaixia, Indonesia và khu vực Vịnh Thái Lan. Suốt những ngày lênh đênh trên biển, những bài hát về biển đảo được cánh phóng viên và cán bộ, chiến sỹ trên tàu ca vang. Đồng hành đến vùng biển linh thiêng của Tổ quốc, những thành viên trên tàu nhanh chóng thân nhau, chia sẻ những khó khăn phát sinh bằng tinh thần đồng cảm. Các cán bộ trong đoàn công tác luôn động viên, khích lệ, tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Gần 2 ngày rẽ qua ngàn trùng con sóng, chúng tôi đã tiếp cận được Nhà giàn DK 1/15 thuộc vùng bãi cạn Phúc Nguyên. Trước sóng to, gió lớn của vùng biển chỉ cách đảo Trường Sa lớn khoảng 40 hải lý này, khu nhà giàn thực sự là “thành lũy thép” nơi trùng khơi. Từ xa hàng trăm mét, những chiến sỹ trên nhà giàn đã xếp hàng vẫy chào đoàn bằng cả tấm chân tình bởi hằng ngày, xung quanh họ chỉ có sóng nước, những cơn gió lạnh mà thiếu bóng người. Những tiếng hò reo, vẫy tay chào lại từ phía tàu khiến nhiều phóng viên phải rưng rưng nước mắt. Tiếc thay, những đợt sóng lớn khiến các xuồng không thể tiếp cận nhà giàn. Quà tặng được chuyển gián tiếp đến các anh. Các phóng viên cùng thành viên của tàu chúc sức khỏe, tâm sự với các chiến sỹ nhà giàn qua bộ đàm. Không nỡ rời xa, con tàu chúng tôi còn tìm mọi cách tiến gần, đậu lại nửa ngày để các chiến sỹ thấy ấm lòng khi không gặp gỡ trực tiếp được những vị khách từ đất liền.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi xuôi dần về phía Nam và Tây nam của vùng biển Việt Nam để đến với các nhà giàn còn lại theo lịch trình đã định. Thế rồi, thử thách của thiên nhiên cũng không khất phục được ý chí con người. Không tiếp cận được xuồng vào chân các nhà giàn vì sóng quá lớn, từng phóng viên được kéo dây đưa lên nhà giàn qua hệ thống ròng rọc kéo tay. Về với các nhà giàn trên biển, ai ai cũng thấy ấm áp như về nhà mình. Những cái ôm thật chặt với các chiến sỹ sao bỗng thấy yêu thương và cảm động đến lạ thường. Sinh hoạt cùng các chiến sỹ trên những “tòa nhà” 2 tầng bằng sắt cheo leo giữa biển, mới thấy hết được sự hi sinh thầm lặng của các anh để biển đảo quê hương và cả đất liền được bình yên. Có khó khăn, thiếu thốn, song các anh vẫn giữ chắc tay súng, theo dõi và nắm bắt mọi tình hình biển đảo.

Chiến sỹ Nhà giàn DK1/10 tại vùng biển Cà Mau, gần giáp lãnh hải Indonexia và Malaixia trong ca làm nhiệm vụ.


Được biết, từ năm 1987 đến đầu năm 1988, tình hình khu vực biển Đông phức tạp. Tháng 10 -1988, Lữ đoàn 171 Hải quân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trực tiếp giao nhiệm vụ cùng với Hải đoàn 129 bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để Nhà nước xây dựng hệ thống các nhà giàn để xác lập chủ quyền trên biển. Ngày 5–7–1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đã ra Chỉ thị 180/CT về việc xây dựng các cụm nhà giàn. Một ban chỉ đạo xây dựng được thành lập, gọi tắt là DK1, trực thuộc Chính phủ, đã tiến hành các bước khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng các nhà giàn. Từ năm 1989 đến nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc cũng như thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển, lần lượt có 20 nhà giàn được xây dựng tại vùng thềm lục địa phía Đông Nam và phía Nam. Các nhà giàn nằm rải rác đã xác lập vùng biển DK1 rộng lớn hơn 200.000 km2, có phía Đông và Đông Bắc giáp Quần đảo Trường Sa, phía Nam là vùng biển của Việt Nam giáp với lãnh hải các nước Indonesia và Malaisia, phía Tây là khu vực biển Côn Đảo. Phần lớn những nhà giàn của vùng biển DK1 đều nằm trong vùng mà gần đây, phía Trung Quốc tự tuyên bố đường “lưỡi bò” phi lý nhằm độc chiếm biển Đông. Sự hiện diện của các nhà giàn có lính gác là những “cột mốc sống”, lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên vùng biển DK1 chạy dài hàng nghìn cây số trên biển đã được xác lập chủ quyền.

Suốt hải trình kéo dài hơn nửa tháng, chúng tôi đã đến được hệ thống các nhà giàn khắp vùng biển phía Nam của Tổ quốc, được hòa mình, được trải nghiệm cùng sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của “những người canh gác biển”.


 Lê Đồng

 

Các tin khác:
  • “Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“ (27/06/2019-22:54)
  • Cứ viết bằng cảm xúc - đơn giản nhưng là chân thật nhất (27/06/2019-22:49)
  • Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS (25/06/2019-22:47)
  • Một số xu hướng nghiệp vụ, nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (22/06/2019-22:02)
  • "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi" (22/06/2019-21:58)
  • Trao niềm tin, nhận yêu thương (19/06/2019-20:50)
  • Chuyện tác nghiệp nơi vạn dặm biển khơi (19/06/2019-22:47)
  • Bức tranh' sống động về đất nước (19/06/2019-13:01)
  • Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và văn hóa (19/06/2019-12:58)
  • Nhà báo đi tìm câu trả lời về chính sách giảm nghèo (11/06/2019-15:05)