Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Dấn thân đi tìm và phơi bày sự thật ra ánh sáng (02/07/2019-8:12)
    Từng tham gia thực hiện nhiều tuyến bài điều tra có tiếng vang trong dư luận, trong đó đặc biệt là phóng sự “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 trao Giải C, nhưng khi gặp tác giả Phạm Đông- phóng viên Báo Lao động, tôi thực sự bất ngờ vì bạn còn khá trẻ, mới chỉ bắt đầu đến công việc làm báo được hơn 2 năm.
Phóng viên Phạm Đông nhận Giải C- Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng sáng tạo

Qua trò chuyện tôi đã phần nào cảm nhận được khát khao cháy bỏng làm nghề trong người thanh niên sinh năm 1994 này. Khi được hỏi về cách thức thực hiện một phóng sự điều tra, Phạm Đông không ngần ngại chia sẻ: Trong thời buổi hiện nay, để thực hiện được một phóng sự điều tra đòi hỏi người làm báo phải có trình độ hiểu biết nhất định để thu thập thông tin và viết bài một cách khách quan, chính xác. Phóng sự điều tra là phản ánh mặt trái của xã hội nên việc viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn sự quan tâm của độc giả lại càng khó. Nó đòi hỏi phải có tâm, có năng lực, trình độ và luôn đặt ra cho bản thân sự rèn luyện không ngừng bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng sáng tạo.

“Cái đích của phóng sự điều tra chính là đi tìm sự thật. Cái khó của người viết điều tra chính là làm thế nào để tiếp cận được sự thật thông qua các nguồn tin chính xác, nhận rõ bản chất vấn đề và cuối cùng là thể hiện bài viết sao cho có phong cách, mới mẻ, hấp dẫn”, Phạm Đông chia sẻ.

Chính vì thế mà theo Phạm Đông thì bản thân phóng viên phải luôn rèn luyện có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Phóng sự điều tra thường đụng chạm đến cá nhân, tập thể nên là phóng viên điều tra có thể phải đối mặt với những sự đe dọa, trả thù, đối xử bất công. Những phóng sự điều tra cần phải phản ánh sự việc một cách trung thực, khách quan và chính xác… cho nên đồng nghĩa với việc chấp nhận gian nan, vất vả đến tận nơi bản làng xa xôi, heo hút và vào sâu trong cánh rừng với không ít hiểm nguy.

Có lẽ vì luôn vạch ra những kế hoạch, định hướng rõ ràng cho mình mà trong vòng hơn 2 năm làm báo chuyên nghiệp, Phạm Đông đã có một số bài điều tra tương đối thành công và cùng tác nghiệp với đồng nghiệp, đã tạo được dư luận xã hội và lòng tin của người dân vào cơ quan báo chí, như loạt bài: “Lạc giữa ma trận làm luật trên sông”, “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng” hay loạt bài “Bát nháo thị trường thuốc Đông y”… Và để có được những phóng sự điều tra này, theo Phạm Đông thì một phần là vì đã may mắn học được cách viết, cách tác nghiệp và sự chỉ dạy của các đồng nghiệp đi trước.

Chấp nhận khó khăn, hiểm nguy

Phóng viên Phạm Đông (Ảnh: NVCC)

Đáng chú ý nhất, tác phẩm“Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa- nhận tại Hải quan Hải Phòng” do Phạm Đông và các đồng nghiệp thực hiện đã được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 đánh giá cao. Đây là phóng sự mà nhóm phóng viên đã nắm bắt nguồn tin từ hai nguồn. Thứ nhất là từ chính một phóng viên trong nhóm trong quá trình đi tác nghiệp vô tình thấy những nhân viên chạy lệnh (người khai thuê Hải quan) thường xuyên phải gấp tiền vào trong một tờ giấy và ghim lại, cũng như để tiền trong bộ hồ sơ để nộp lệ phí Hải quan và tiếp nhận Hải quan. Thứ hai là sau đó nhóm nhận được nguồn tin từ bạn đọc, nói về những tiêu cực xảy ra tại đây.

Khi xắn tay vào điều tra, nhóm đã tìm hiểu và thực hiện đề tài nhưng không thể hiểu được hết bản chất của vấn đề và không thể tiếp cận được. Sau đó, nhóm đã phải chuyển hướng bằng cách nhập vai khác đó là nộp hồ sơ xin làm chính nhân viên chạy lệnh. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản khi những hồ sơ nhóm nộp vào các công ty chạy lệnh liên tục thất bại, không được xét tuyển và nhận vào làm việc. Tưởng chừng mọi việc rơi vào bế tắc nhưng rất may mắn khi nhóm được nhận vào làm việc tại một công ty trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng). Tại đây nhóm đã mất rất nhiều thời gian để học việc của những người đi trước.

Để bài báo được khách quan, trung thực nhóm không thể trực tiếp thực hiện được việc kẹp tiền trong hồ sơ và đưa vào. Tại Chi cục Hải quan nhóm chỉ là người đi theo, quan sát và quay chụp những nhân viên chạy lệnh khác. Trên thực tế việc tác nghiệp cũng rất khó khăn khi không phải lúc nào công ty cũng có mối, có hàng để có thể thường xuyên đến Chi cục Hải quan để tác nghiệp. Cũng có khi hàng về thường xuyên để làm việc nhưng cũng có khi cả tháng mới về được một vài chuyến hàng để nhận hồ sơ.

Một khó khăn khác mà Phạm Đông cùng đồng nghiệp phải đối mặt đó là bàn làm việc tại Chi cục Hải quan rất cao, rất khó cho việc quay chụp khi nhân viên chạy lệnh đưa hồ sơ vào. Để quay được đủ một quy trình lặp đi lặp lại việc gấp tiền -> ghim tiền vào giấy -> kẹp tiền vào bộ hồ sơ -> đưa vào bên trong… là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, cán bộ hải quan cũng quan sát rất kỹ trong phòng làm việc, để ý những nhân viên chạy lệnh thì mới nhận hồ sơ.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên những hồ sơ không có tiền nộp vào đều bị trả lại và được cán bộ hải quan nhắc nhở, gợi ý về vấn đề lệ phí đi kèm. Tuy nhiên, việc thu tiền lại không có hóa đơn, chứng từ là điều rất phổ biến tại đây.

Một khó khăn khác mà nhóm phải đối mặt đó là ngoài việc nhập vai điều tra, họ vẫn phải thực hiện những công việc khác, những đề tài thời sự hằng ngày do tòa soạn phân công. Điều này khiến nhóm phải nỗ lực hơn nữa trong từng công việc, phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện.

Thế nhưng, rất may mắn là khi bài viết được đăng tải, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và sau đó là Văn phòng Chính phủ đã có văn bản phản hồi yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vấn đề mà Báo Lao động nêu. Ngoài ra, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng. Đáng chú ý, sau đó rất nhiều cán bộ hải quan đã bị kỷ luật, điều chuyển công việc và đặc biệt là tình trạng nhận tiền bôi trơn đã không còn xuất hiện tại đây nữa. Tập thể nhóm phóng sự đã có 11 bài phản ánh xung quanh vấn đề này.

Là phóng viên trẻ, Phạm Đông cho biết mình chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm để thực hiện cho ra những bài viết trung thực, khách quan nhất đến với bạn đọc. Từ đó phơi bày những sự việc tiêu cực, những mặt trái của xã hội và sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ đến với người dân. Từ đó cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh, xử lý những cá nhân vi phạm. Điều này là sự động viên tinh thần không hề nhỏ, niềm an ủi, khích lệ của xã hội đối với sự đóng góp lớn lao của phóng viên và nhấn mạnh sức mạnh của báo chí điều tra. Qua đó, khuyến khích Phạm Đông và các đồng nghiệp tiếp tục đấu tranh cống hiến nhiều hơn, cho ra những sản phẩm báo chí có chất lượng ngày càng cao./.

Theo Đức Huy/Cổng TTTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Vấn đề sử dụng thông tin mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí (02/07/2019-8:10)
  • Được gì sau những chuyến đi (01/07/2019-9:13)
  • Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo (01/07/2019-9:08)
  • Hơn nửa tháng đến các “thành lũy thép” trên biển (01/07/2019-8:55)
  • “Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“ (27/06/2019-22:54)
  • Cứ viết bằng cảm xúc - đơn giản nhưng là chân thật nhất (27/06/2019-22:49)
  • Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS (25/06/2019-22:47)
  • Một số xu hướng nghiệp vụ, nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (22/06/2019-22:02)
  • "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi" (22/06/2019-21:58)
  • Trao niềm tin, nhận yêu thương (19/06/2019-20:50)