Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Minh Hiền và chuyến tác nghiệp ở “thánh địa ma túy” (18/07/2019-18:20)
    Nhà báo Minh Hiền - Ban Thời sự nghiệp vụ, Báo Công an nhân dân là nữ phóng viên duy nhất được theo chân Ban chuyên án có mặt tại thánh địa ma túy - bản Tà Dê, xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi xảy ra vụ án tiêu diệt những tên trùm ma túy sừng sỏ.
Nhà báo Minh Hiền tác nghiệp tại bản Tà Dê.
 

Trong câu chuyện cởi mở của chị, chúng tôi có thể thấy một điều rằng với số lượng vụ buôn bán ma túy tăng lên, số nhà báo theo đuổi mặt trận này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa, báo chí chống ma túy cũng trở nên hiểm nguy không kém. Nhà báo Minh Hiền chia sẻ:

1. Ký ức trong trận đấu súng kinh hoàng vào ngày 29/6/2018 giữa hai tên trùm ma túy khét tiếng cùng lực lượng chức năng phòng chống tội phạm ma túy lại vẹn nguyên như từng cơn gió buốt sắc lẹm đang ùa về. Dẫu đã không ít lần đến đây nhưng đôi lúc tôi vẫn giật mình thảng thốt. Tà Dê từ lâu đã được mệnh danh là “thánh địa ma túy”, nơi mà những đối tượng truy nã nguy hiểm, hung hăng nhất đã tụ lại với nhau, sẵn sàng cầm vũ khí đe dọa cả người dân lẫn cán bộ và thậm chí đã nã súng làm náo loạn núi rừng. E dè, ái ngại luôn là nỗi lo thường trực. Trước ngày xảy ra cuộc vây ráp trên của lực lượng chức năng khoảng 3 tháng trước, tôi cùng một nam đồng nghiệp đã có ý định xâm nhập vào bản Lũng Xá - thủ phủ của Tà Dê. 5h sáng ngày 28/6, đang ngủ thì tôi choàng tỉnh giấc bởi điện thoại thông báo của một nguồn rất thân: 300 cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Sơn La phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã bao vây, đánh bắt tại ngôi nhà của 2 trùm ma túy. Điện thoại cho sếp thông báo tình hình và lập tức nhận lệnh cùng đồng nghiệp lên đường vào điểm “nóng” Tà Dê. Trên một chặng hành trình cùng lực lượng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tôi đã được cảnh báo về nơi được ví như một trong những “boong ke” kiên cố nhất của tội phạm ma túy ở vùng Tây Bắc này. Suốt dọc đường đi, các trinh sát của Cục nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, khi vào bản Tà Dê tuyệt đối không mặc váy, không quay phim, chụp ảnh, không dừng lại quá lâu, không được có những biểu hiện lạ như ngó nghiêng... Vi phạm một trong những nguyên tắc ấy, cái giá phải trả là khôn lường.

Sau khi vượt khoảng 180km, nhóm phóng viên đã lên tới Công an huyện Vân Hồ. Chúng tôi gặp được Đại tá Phạm Văn Trực - Trưởng Công an huyện Vân Hồ khi đồng chí mới họp xong. Ngay sau khi biết ý định “đột nhập” vào Tà Dê của tôi, Đại tá Phạm Văn Trực lập tức khuyên quay về Hà Nội. Lý do là “Trong đó hiện rất nguy hiểm, người ngoài không vào được”. Đấy cũng là lúc tôi biết rằng, hiện nhiều tổ công tác đang chốt chặn khắp nơi để chuẩn bị “cất mẻ lưới” đối với 2 tên trùm ma túy.

Không những thế, chúng tôi rẽ vào trụ sở Công an xã Loóng Luông, gặp ngay đồng chí Sồng A Thào - nguyên Trưởng Công an xã Loóng Luông. Thấy chúng tôi có ý định muốn vào bản Tà Dê, đồng chí Thào cũng y như Đại tá Phạm Văn Trực. Đồng chí Thào chia sẻ: “Trước kia tôi 2 lần cùng với đoàn cán bộ vào bản kiểm tra tạm trú, tạm vắng và an toàn thực phẩm ở một số quán ăn trong bản. Lần nào đệ tử của Tuân cũng đi ô tô, cầm súng ra đe dọa, yêu cầu ra khỏi bản, đồng thời tại nhà Tuân lúc bấy giờ liên tiếp có tiếng súng nổ chát chúa dội vào vách núi...  Có không ít cán bộ của mình khi đến đây, ra về đều nhận được những dòng nhắn sởn da gà kiểu như: Mày có muốn chết không? Cũng có lần xuất hiện cuộc gọi từ số lạ, khi nghe thì cũng chỉ có mỗi một câu y như vậy rồi cúp máy”. Câu chuyện của nguyên Trưởng Công an xã Tà Dê khiến chúng tôi nổi da gà, chợt nghĩ nếu mình vào đấy, bị bắt giữ làm con tin thì sẽ ra sao? Cứ thế suốt dọc đường về Hà Nội, tôi đã bị ám ảnh.

Nhiều hiểm nguy là vậy nhưng “máu nghề nghiệp” như ăn sâu bám rễ vào quyết tâm của mình rồi nên tôi lại càng muốn lăn xả vào để có được những bài viết sắc bén, nóng bỏng nhất. Khi cuộc vây ráp diễn ra, do bị ngăn lại ở vòng ngoài, tâm trạng vừa sốt ruột, vừa lo lắng, đôi lúc chỉ muốn được vào ngay hiện trường, muốn cập nhật ngay thông tin nóng hổi để gửi về tòa soạn. Nhưng rồi, tiếng lựu đạn nổ, tiếng súng chát chúa vọng từ xa, đồng chí chỉ huy giao nhiệm vụ: Mỗi người phải nhìn lên một quả núi đề phòng đệ tử của Tuân nấp từ trên núi bắn xuống. “Lúc này đây, tôi đã run thật sự. Mình đứng ở giữa đường, không có gì che chắn, nói dại mồm nếu một đàn em của Tuân từ một trong các quả núi kia bỗng nã súng xuống thì sao? Trong khoảnh khắc sợ hãi có thật ấy, thậm chí tôi thoáng nghĩ đến cái chết. Rồi tôi lại nghĩ đến 2 con tôi. Chồng tôi công tác ở Vĩnh Phúc. Mẹ tôi mất cách đây 12 năm, bố tôi đã già. Bố mẹ chồng tôi cũng người già người mất... nên toàn bộ việc chăm sóc 2 đứa trẻ đều do một mình tôi lo liệu. Nếu chẳng may, tôi trúng đạn và không thể về nhà với chúng thì sẽ ra sao?”...

Ban chuyên án đang làm nhiệm vụ.
Ban chuyên án đang làm nhiệm vụ.

2. Để có được những bài báo chân thật, không ít những cây bút đã phải lăn xả và dấn thân. Những chuyến đi vào chốn hiểm nguy, phải đối mặt với tội phạm như thế, tôi hiểu rằng sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhưng trước khi “nhập cuộc”, cái khó lớn nhất của phóng viên khi tác nghiệp ở lĩnh vực này đó là phải xác định được nguồn tin về chuyên án, bên cạnh đó cần tiếp cận được hiện trường vụ việc. Những chuyên án về ma túy, đặc biệt là những chuyên án lớn các lực lượng tham gia đều đòi hỏi sự bảo mật thông tin rất cao. Vì vậy với những phóng viên báo chí cả đưa tin ở hiện trường lẫn thông tin về chuyên án cần phải có sự chuẩn bị kỹ để vừa có được thông tin nhanh nhạy, độc quyền, vừa giữ bí mật cho chuyên án thành công. Việc trực tiếp đi cùng các trinh sát ma túy đánh án rất hiếm, đếm trên đầu ngón tay và để được đi, chúng tôi phải nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật, theo đúng mệnh lệnh của ban chuyên án, không được phép tự do tác nghiệp khi chưa được sự đồng ý vì như thế không chỉ nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ tham gia bắt giữ đối tượng mà ngay cả bản thân chúng tôi và người dân.

Trên  thực tế, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vất vả và vô cùng nguy hiểm. Đối tượng phạm tội rất manh động, nhiều đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV, từng có tiền án, tiền sự sẵn sàng chống trả quyết liệt, gây thương tích, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, chiến sĩ khi bị phát hiện, bắt giữ... Công việc của tôi có gian nan nhưng so nhiệm vụ nặng nề mà các chiến sĩ đấu tranh trực tiếp với tội phạm ma túy ngày ngày đối diện thì không thấm vào đâu cả. Tôi thấm thía mãi lời lãnh đạo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy rằng: “Công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến sinh tồn, 1 mất 1 còn. Thực tế đã có 24 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy giữa thời bình”.

"Thánh địa ma túy" với nhiều hiểm nguy.

Rõ ràng, cuộc chiến chống ma túy, dù ở đâu, cũng ngày càng trở nên khốc liệt. Cùng với các cơ quan chức năng, liên ngành, những người làm công tác báo chí phải có nhiệm vụ tuyên truyền mạnh về tác hại của các loại ma túy, qua đó tạo dư luận xã hội và định hướng cho công chúng có cái nhìn đúng, đủ về tác hại và hậu quả của ma túy. Để ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này cần phải có những biện pháp từ nhiều ban, ngành liên quan. Và báo chí, truyền thông có những vai trò nhất định, góp sức vào cuộc đấu tranh chung đó. “Tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp chỉ mong muốn có thể đóng góp thêm những tiếng nói của mình, góp phần nào đó nâng cao nhận thức của người dân về những hiểm họa, những tác hại, những hệ quả mà ma túy đem lại”.

Trọng Diễn (Ghi)/Báo Nhà báo và Công luận 

 

Các tin khác:
  • Logic - Sức mạnh của phản biện (11/07/2019-14:33)
  • "Luôn đặt đích đến cho mình là đi tìm sự thật" (10/07/2019-19:37)
  • Cạnh tranh thông tin thời @ (02/07/2019-8:16)
  • Giá trị cốt lõi của báo chí và truyền thông xã hội ở giai đoạn mới (02/07/2019-8:14)
  • Dấn thân đi tìm và phơi bày sự thật ra ánh sáng (02/07/2019-8:12)
  • Vấn đề sử dụng thông tin mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí (02/07/2019-8:10)
  • Được gì sau những chuyến đi (01/07/2019-9:13)
  • Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo (01/07/2019-9:08)
  • Hơn nửa tháng đến các “thành lũy thép” trên biển (01/07/2019-8:55)
  • “Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“ (27/06/2019-22:54)