Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Việc làm nhỏ, suy nghĩ lớn (06/08/2019-11:30)
    (NLBTH) - Một cán bộ mà tôi biết cứ dứt khoát bắt đứa trẻ đi cùng mình phải đến khu vực ghế Vip phía trên để lấy chai nước ban tổ chức bố trì dành cho lãnh đạo cấp trên trong một trận bóng đá diễn ra tại Sân vận động tỉnh, kệ nhiều ánh mắt nhìn.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Lý lẽ mà anh đưa ra hối thúc đứa trẻ là cứ lấy đi, rồi ban tổ chức sẽ bố trí chai nước khác. Có để đấy cũng không ai uống hết đâu mà.

Đúng là chai nước có thể sẽ được bù vào khi bị lấy đi, nhưng khoảng trống ý thức của vị cán bộ này thì ai sẽ bù vào?

Đứa trẻ có thể vì ngại ngùng bởi những ánh mắt nhìn hoặc vì nhận thức được rằng chai nước đó không dành cho nó, nên tìm lý do để trì hoãn.

Bất lực trong việc hối thúc đứa trẻ, vị cán bộ này bực tức buông lời mắng mỏ. Và để khẳng định ý chí của mình, anh đứng dậy bước đến cầm liền mấy chai nước, mở nắp uống ngay trên đường đi. Những chai còn lại anh đưa cho đứa trẻ.

Không biết có phải vì tự trọng hay không mà đứa trẻ nhất quyết không uống. Đến khi bị ép mạnh, nó miễn cưỡng cầm chai nước trên tay chờ người tiếp nước đi qua để trả lại. Tôi quan sát thái độ của nó có ít nhiều sự bối rối.

Một đứa trẻ nhưng lại thể hiện được nhận thức hơn hẳn người lớn. Đáng nói, người lớn ấy lại là một cán bộ.

Lòng tự trọng, nhân cách sống ở mỗi người phần nhiều do giáo dục mà nên. Thay cho phải định hướng, xây dựng lòng trung thực, sự nhường nhịn, vị tha cho con trẻ, lại có những người đang đem lối sống tùy tiện của mình áp đặt, nhồi nhét vào đầu con trẻ, nuôi dưỡng thói hư cho chúng sau này.

Những việc làm tương tự như thế bây giờ không hiếm.

Trong một số sự kiện mà tôi tham dự, và chứng kiến ngay đến cả khu vực dành riêng cho đại biểu có biển báo trên bàn, nhưng rồi vẫn bị một số người chiếm chỗ. Đồ dùng mà ban tổ chức bày trên bàn cũng bị giành mất.

Tình trạng ngồi nhầm vị trí, sử dụng sai đồ dùng của người khác ở nhiều sự kiện đang có nguy cơ trở thành bệnh, khiến cho hình ảnh con người trong đó trở nên xấu xí hơn.

Hãy nhân lên những hành động đẹp làm đối trọng để dẹp đi cái xấu trong đời sống văn hóa ở nơi cộng cộng. Chứng kiến việc làm của vị cán bộ và một đứa trẻ ở Sân vận động tỉnh mới đây, nhiều người dù không nói ra, nhưng cảm nhận họ hài lòng bao nhiêu với ứng xử của đứa trẻ, thì lại lên án bấy nhiêu với xử sự của vị cán bộ kia.

An Nhiên


 

 

Các tin khác:
  • Truyền thông thay đổi nhận thức (05/08/2019-10:16)
  • Khi lòng tự trọng lên tiếng (30/07/2019-10:00)
  • Tư tưởng chủ quan và khoảng trống ý thức (29/07/2019-9:14)
  • “Lên dây cót” cho người đứng đầu (25/07/2019-22:42)
  • Đặc quyền xấu xí (23/07/2019-13:30)
  • “Đánh cắp” tính mạng (21/07/2019-22:56)
  • Ban hành quy định gắn với nâng cao nhận thức (19/07/2019-7:04)
  • Tạo môi trường phấn đấu bình đẳng (16/07/2019-9:40)
  • Chờ đợi sự ứng phó cần thiết (15/07/2019-8:20)
  • Doanh nghiệp và nỗi lo tăng trưởng “nóng” (12/07/2019-8:22)