Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tăng giá phải gắn với tăng chất lượng dịch vụ (16/08/2019-10:54)
    (NLBTH) - Nhiều ý kiến đang bày tỏ lo lắng về giá dịch vụ y tế sẽ tăng trong vài ngày tới.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet


Theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT, ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 20/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT, giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh theo thay đổi của mức lương cơ sở. Theo đó, giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Đối với người cận nghèo với tỷ lệ đồng chi trả là 5%, mức độ tác động không đáng kể, chỉ tăng 0,22% đối với ngày giường và các dịch vụ khác là 0,05%.

Các đối tượng có thẻ BHYT đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác sẽ là 0,2%.

Mức tăng này cho thấy về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến đối tượng bệnh nhân BHYT. Với bệnh nhân tự nguyện cũng không phải là sự thay đổi quá lớn.

Thay cho sự lo lắng phải chi phí thêm tiền cho việc khám, chữa bệnh, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến việc cùng với tăng giá dịch vụ, cơ sở y tế có tăng cường trách nhiệm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hay không?

Đây là điều khá quan trọng bởi thời gian gần đây giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế điều chỉnh tăng một số lần, nhưng về cơ bản chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ ở một số cơ sở y tế theo phản ánh của người bệnh thì chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Thông qua báo chí họ thường phàn nàn bệnh viện chưa có sự kịp thời trong cấp cứu hoặc thiếu phác đồ điều trị tích cực cho người bệnh. Có bệnh viện lại cố giữ bệnh nhân nặng để điều trị, chỉ đến khi không thể đáp ứng được mới cho chuyển viện, và như thế đã là quá muộn.

Tình trạng này dẫn đến không ít bệnh nhân thuộc diện khám, chữa bệnh BHYT đã phải tìm đủ cách để được chuyển tuyến hoặc chấp nhận tự túc kinh phí để khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên hoặc trái tuyến.

Vẫn biết phân tuyến bệnh nhân nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nhưng sự phục vụ cũng như chất lượng khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện tuyến dưới cũng phải phù hợp. Không nên vì những quy định nặng tính máy móc dẫn đến sự bức xúc, hiểu nhầm của người bệnh và thân nhân của họ.

Thông qua việc Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, thay cho lo lắng về chi phí, hãy cũng nhau đề xuất, kiến nghị cơ sở y tế lắng nghe nhiều hơn tâm tư người bệnh để điều chỉnh thái độ phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ.

Cơ sở y tế không thể mãi bảo lưu quan điểm có tính máy móc của mình để người bệnh không yên tâm điều trị. Và khi người bệnh bỏ ra đồng tiền, họ có quyền yêu cầu về thái độ phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ.


Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Xây dựng nguồn nhân lực toàn diện cho tương lai (13/08/2019-7:53)
  • Trong hương khói vu lan (12/08/2019-8:16)
  • Tiếng vọng nhân tâm (09/08/2019-9:00)
  • Việc làm nhỏ, suy nghĩ lớn (06/08/2019-11:30)
  • Truyền thông thay đổi nhận thức (05/08/2019-10:16)
  • Khi lòng tự trọng lên tiếng (30/07/2019-10:00)
  • Tư tưởng chủ quan và khoảng trống ý thức (29/07/2019-9:14)
  • “Lên dây cót” cho người đứng đầu (25/07/2019-22:42)
  • Đặc quyền xấu xí (23/07/2019-13:30)
  • “Đánh cắp” tính mạng (21/07/2019-22:56)