Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Áp đặt ước mơ (27/08/2019-7:47)
    (NLBTH) - Không chỉ ở trường học mà trong nhiều sự kiện chúng ta vẫn thường chứng kiến nghi thức thả bóng bay lên trời.

Tại hội khóa kỷ niệm ngày ra trường của chúng tôi mới đây một bạn học cũ hiện là Hiệu trưởng một trường học nhất quyết rằng phải có phần thả bóng bay mới phù hợp. Bạn bảo như thế sẽ gửi đi được ước mơ.

Thả bóng bay lên trời chẳng biết có từ khi nào, nhưng nó luôn được mặc định rằng là việc làm nhằm thể hiện ước mơ. Một sự ước mơ có phần nặng về ý chí, cũng chính là cách gửi tiền bạc vào hư vô.

Khai giảng năm học mới năm nào lũ trẻ nhà tôi cũng đòi mua cờ và bóng bay nếu không thì sẽ bị giáo viên chủ nhiệm phạt.

Một quả bóng bay giá 10.000 đồng, lá cờ bằn giấy giá 5.000 đồng, nếu tính trên phạm vi cả nước thì chi phí mua bóng bay và cờ sẽ vô cùng lớn .

Những quả bóng bay sau khi thả chẳng biết có thật là đem theo được ước mơ hay không, nhưng hậu quả để lại thì chắc chắn.

Tôi rùng mình nhớ lại thông tin báo chí đưa về chùm bóng bay mắc ở dây điện đã gây cháy nổ ở một trường học khiến học sinh phải nháo nhác sơ tán ngay trong ngày khai giảng cách đây vài năm học.

Mới đây Nguyệt Linh - một học sinh lớp 6 ở Hà Nội đã viết thư điện tử gửi đến hơn 40 trường học đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới.

Bức tâm thư có đoạn viết rằng: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.

Theo em, khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc động vật khác khi nuốt vào có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống biển thì những chú rùa và sinh vật biển khác sẽ nhầm lẫn là sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết…

Tôi đem bức thư kể cho bạn học cũ, nhưng bạn lại đón nhận điều đó bằng mặc định của một người quản lý trường học quen tổ chức nhiều lễ khai giảng năm học hơn là bằng cái nhìn mang thiên hướng các vấn đề xã hội thời sự.

Rác thải nhựa đang ngày càng trở nên nóng hơn bởi tác hại của nó đối với môi trường, là vấn đề truyền thông số một hiện nay, trong đó xác bóng bay là một trong những loại rác thải nhựa nguy hiểm nhất.

Thả ước mơ kiểu ấy liệu có lãng phí và đắt đỏ quá không?

Xin đừng quá ý chí rằng cái gì đã là thói quen thì không nên bỏ, và càng không nên nghĩ đề nghị của con trẻ thì người lớn không nhất thiết phải lắng nghe.

Mong rằng thông điệp của Nguyệt Linh sẽ được nhiều nhà trường đón nhận để những quả bóng bay không còn gây rắc rối cho lễ khai giảng năm học này.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Không nhìn nhận phiến diện (25/08/2019-20:23)
  • Không cổ xúy rượu, bia (23/08/2019-8:59)
  • Chọn lựa thông minh (19/08/2019-8:45)
  • Tăng giá phải gắn với tăng chất lượng dịch vụ (16/08/2019-10:54)
  • Xây dựng nguồn nhân lực toàn diện cho tương lai (13/08/2019-7:53)
  • Trong hương khói vu lan (12/08/2019-8:16)
  • Tiếng vọng nhân tâm (09/08/2019-9:00)
  • Việc làm nhỏ, suy nghĩ lớn (06/08/2019-11:30)
  • Truyền thông thay đổi nhận thức (05/08/2019-10:16)
  • Khi lòng tự trọng lên tiếng (30/07/2019-10:00)