Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Gia đình - nơi ai cũng muốn quay về (27/08/2019-15:22)
    Loạt bài “Thương hiệu Việt Nam” của nhóm tác giả, trong đó có nhà báo Phan Thanh Phong thuộc Liên Chi hội Nhà báo báo Nhân Dân, đã giành được giải A Báo chí Quốc gia lần thứ XIII. Là Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng, nhà báo Phan Thanh Phong không những đảm đương, hoàn thành tốt các trách nhiệm của mình, mà còn luôn tận tâm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Chị chia sẻ về mái ấm gia đình của mình:

“Tôi sinh ra trong gia đình công chức nghèo ở một tỉnh nghèo miền Trung, mảnh đất mà mọi người thường định danh là xứ “chảo lửa túi mưa” với vô cùng nhiều những số phận khó khăn, bất hạnh. Từ nhỏ, nơi làng quê nghèo, tôi đã sống cùng họ, tận mắt, trải lòng với bao cảnh đời ấy nên lòng trắc ẩn về những số phận con người khổ hạnh luôn có trong chúng tôi. Cha tôi là một nhà báo - nhà thơ, ông sống tình cảm, nhân hậu. Hồi nhỏ, sáng nào tôi cũng thấy cha tôi gọi một người ăn xin bị tật nguyền vào cho chút tiền nhỏ, rồi thành lệ, sáng nào người đàn ông đáng thương ấy cũng chờ sẵn cha tôi ở cửa nhà. Ngày lễ tết chúng tôi có miếng ngon, đồ mặc đẹp thì người ăn xin ấy cũng có phần.

Nhưng rồi, một sáng nọ, mở cửa, cha tôi không thấy người ăn mày ấy đâu, ông lo lắng, thắc thỏm chờ... Rồi 2,3,4,5... ngày sau đó nữa, người ăn mày cũng không còn tìm đến. Cha tôi dò hỏi thì biết người tật nguyền xấu số ấy đã lâm bệnh và mất. Cha buồn đến độ đã viết nên những câu thơ trắc ẩn sâu sắc về kiếp người...

Trong gia đình tôi, những chuyện đại loại như thế rất nhiều. Có lẽ, những điều đó, những hành xử của cha mẹ, của người thân về cách sống, cách chia sớt, cảm thông với những số phận con người đã được bồi đắp trong chúng tôi từ nhỏ. Và trong suốt hành trình sống, chị em chúng tôi hễ gặp trên đường những cảnh đời cần chia sớt, trong điều kiện có thể chúng tôi luôn vui lòng, tự nguyện, dù là chút tấm lòng nhỏ.

Từ nhỏ, cha mẹ chúng tôi khá nghiêm khắc, không nuông chiều con cái, đặc biệt là chú trọng sự đàng hoàng, công chính, từ những việc nhỏ. Em trai tôi hồi nhỏ nghịch ngợm chọc trái cây trộm của nhà hàng xóm cho bạn bè ăn, về nhà cha nhìn thấy đã đánh cho một trận nên thân, bắt sang nhà người ta xin lỗi. Trong nhà không có sự phân biệt bất kỳ đứa con nào, kỷ luật được đưa ra là đều phải lao động và học hành tự giác, học giỏi cũng phải lao động bình thường chứ không được ưu ái, giảm việc nhà. Cha mẹ bắt các chị em phải tự quản lý nhau bằng cách chị rèn em và phải làm gương. Cha mẹ tôi hay nói câu “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, “làm ả thì ngả mặt lên”, cha mẹ đi vắng thì anh chị có trách nhiệm rèn cặp, chỉ bảo các em, nếu em mắc lỗi thì anh chị phải chịu trách nhiệm. Có lần, em út tôi đánh vỡ chiếc phích nước (khi ấy nó như một tài sản có giá trong nhà), cha tôi về hỏi tội xong thì đánh tôi một trận roi. Đứa em út tôi xanh mặt, vừa sợ vừa thương chị bị đánh. Có lẽ kiểu dạy như thế khiến chúng tôi cũng tự lập nề nếp kỷ luật trong nhà đâu ra đấy từ nhỏ.

Cuộc đời có ai là chỉ có thành công? Tôi cũng từng thất bại vài việc, thất bại lớn nhất là hôn nhân, cũng là điều làm cha mẹ tôi buồn nhất. Với các thất bại khác của cuộc sống, tôi không bao giờ chia sẻ với cha mẹ, vì tôi chả bao giờ muốn cha mẹ phải bận lòng khi mình đã trưởng thành, nhưng với chuyện hôn nhân thì có lẽ khó có thể chia sẻ với ai ngoài cha mẹ, và tôi thấy luôn có sự ấm áp của người thân.

Tôi may mắn được sống cùng cha tôi trong môi trường báo chí và thi ca rất sớm, nên tôi ảnh hưởng lớn từ người cha. Ông là người thầy chữ nghĩa đầu tiên của tôi. Hằng năm, ngày truyền thống Báo chí, người đầu tiên tôi thường gửi lời tri ân là cha tôi! Ông hài lòng về sự lựa chọn nghề của tôi. Thỉnh thoảng tôi được nhận giải thưởng báo chí, ông rất vui, coi như một sự báo hiếu, “mưa đền cây”. Điều ông không hài lòng nhất về tôi đó là tôi không cố gắng trong sáng tác thơ ca, điều mà ông kỳ vọng ở tôi từ nhỏ.

Người ta thường có một người để khi vui nhất và buồn nhất nghĩ tới. Còn tôi có hẳn cả một ngôi nhà - ngôi nhà lớn: đó là gia đình, là cha mẹ, anh chị em ruột của tôi. Giờ gia đình lớn của chúng tôi đã chia thành những gia đình nhỏ, nhưng anh chị em chúng tôi có một quy ước là chuyện vui buồn đều xắn tay cùng nhau. Kỷ luật gia đình lớn được chuyển giao, tiếp nối sang các gia đình nhỏ. Các cháu con của chúng tôi hiện nay cũng theo nếp nhà như trước đây.

Tuỳ theo độ tuổi, hồi nhỏ tôi dạy con tính trung thực phải cao nhất. Không được dối trá! Nó phải trở thành ý thức và dần là tính cách, nhân cách. Hồi cháu học lớp 3, một lần đi học về, cháu ngồi vào bàn ăn rất uể oải, chỉ ăn một chút rồi vào đi nằm, tôi thấy lạ bèn vào phòng, thấy mặt cháu căng thẳng. Tưởng con ốm, tôi liền áp mặt vào thái dương con kiểm tra xem có sốt không. Cháu liền ôm chầm lấy mẹ khóc và nói: “Con có lỗi, hôm nay đi học con đã cấu nhau với bạn khiến bạn chảy máu ở má, bị cô giáo mắng. Con định giấu mẹ nhưng con không chịu được nữa”... Hoá ra cháu căng thẳng vì phải giấu một việc có lỗi. Đại khái từ những việc nhỏ, tôi tin con đã hình thành ý thức, phản xạ không biết nói dối, không làm việc xấu. Khi con lớn tôi dạy cháu sự tự lập, lòng tự trọng và nhân hậu.

Tôi nghĩ và tôi xem đó là những điều cần thiết, cần thiết hơn cả những chuyện to tát khác. Tôi không tạo áp lực nào cho con cả, kể cả trong học hành lẫn cuộc sống nói chung. Đối với con cũng vậy, tôi chăm sóc rất chu đáo nhưng cũng nghiêm khắc trong kỷ luật sống. Con tôi hiểu tính cách này của mẹ nên cũng sống lựa nhau. Tuy nhiên chúng tôi khá dân chủ. Con được quyền tranh luận và cũng có quyền phản bác. Nhưng tôi giống cha tôi, không chấp nhận, dung túng cái sai, cái xấu. Còn với chuyện va vấp thì đương nhiên không phải tôi mà hầu hết cha mẹ nào cũng đủ độ lượng và sự chia sẻ với con khi con không may có vấp váp.

Tôi là người năng nổ công việc xã hội nhưng đặc biệt lại thích chăm sóc cuộc sống gia đình, thích nội trợ, nấu nướng, săn sóc thẩm mỹ không gian mình sống.

Muốn gia đình trở thành nơi luôn cần tới và chỗ nương tựa cho các con thì hãy tạo cho nó là nơi có đủ hơi ấm và sự thoải mái, yêu thương. Để lúc nào cũng muốn về nhà khi mệt mỏi. Tôi có thói quen trước khi ra khỏi nhà là thường dọn dẹp, trang trí từng góc nhà đẹp đẽ sạch sẽ tinh tươm, ngắm ưng mắt rồi mới khép cửa đi làm. Bởi tôi muốn cảm giác khi về nhà mở cửa phòng ra thì thật khoan khoái. Tôi nghĩ cả ngày đi làm mệt nhoài ra rồi thì bản thân mình và con cái chỉ muốn nhanh chóng về nhà, nơi có một không gian êm ái, bữa cơm ngon và tinh thần thật sự thư giãn.

Nếu ai đó, cuối ngày, cuối con đường mệt mỏi mà không muốn trở về nhà thì quả là bất hạnh”.

Theo Việt Quỳnh - Huyền Trang/Báo Đại đoàn kết

 

Các tin khác:
  • Đằng sau giải thưởng của chúng tôi là cả tập thể lặng thầm cống hiến (24/08/2019-9:22)
  • Nhớ mãi những chuyến đi xa... (19/08/2019-20:22)
  • Quản lý hoạt động của phóng viên tại Đài PT&TH vùng Đông Bắc hiện nay (16/08/2019-18:26)
  • Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui bắt đầu từ 1 bài báo (16/08/2019-18:20)
  • Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng khi đưa thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước (16/08/2019-18:17)
  • Năng lực cạnh tranh của quảng cáo truyền hình trong kỷ nguyên số (15/08/2019-7:30)
  • Trường Sa qua góc nhìn của nhà báo Nguyễn Tri Thức/ (15/08/2019-7:26)
  • Giá trị thời đại từ các tác phẩm chính luận báo chí của nhà báo Hoàng Tùng (02/08/2019-11:06)
  • “Vũ khí cảm xúc” trong cuộc đua niềm tin (31/07/2019-15:33)
  • Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí (30/07/2019-9:34)