Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Điều chỉnh lòng tự trọng (03/09/2019-9:32)
    (NLBTH) - Trong tiệc chiêu đãi tại một hội thảo mới đây tôi gặp lại một bạn học cũ người Lào. Đó là một người luôn sẵn lòng với các cuộc vui bất cứ giờ nào, được xếp vào hàng không có đối thủ uống rượu ở khu ký túc xá lưu sinh viên trước kia.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Đến chúc rượu, tôi bất ngờ khi anh đề nghị thay rượu bằng nước khoáng với lý do còn phải di chuyển trên đường ngay sau đó.

Dù vậy nhưng tôi không nghĩ tửu lượng của anh đi xuống, mà là ý thức của anh tăng lên. Sau lần ấy tôi không cầm lái nữa sau khi đã uống rượu, bia. Tôi thấy lòng tự trọng của mình được đánh thức từ cảm hứng hành vi của anh bạn học cũ mà tôi chưa bao giờ xem trọng.

Mỗi lần qua quán bia ồn ào tiếng dô, ô tô, xe máy xếp dài bên ngoài, tôi lại vẫn vơ mong có điều tương tự sẽ đến với những người đang nâng ly trong đó.

Tôi nghĩ không gì bằng lòng tự trọng của con người cả. Mọi quy định dù nặng tính răn đe đến mấy mà khi người thực hiện không xuất phát từ lòng mình, thì cũng chỉ là sự miễn cưỡng, đối phó, trước sau rồi cũng quên.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sau nhiều tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia. Theo đó, mức phạt được đề xuất đối với lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn có thể đến 40 triệu đồng, cao gần bằng thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam trong một năm.

Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng sự băn khoăn cũng không ít.

Biết rằng pháp luật cần mạnh mẽ, nhưng với việc chỉ tập trung “đánh” mạnh vào kinh tế như thế liệu đã là giải pháp tốt nhất chưa. Có thể vì thế mà càng phát sinh tiêu cực?

Chúng ta có khá nhiều kênh giám sát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông, nhưng chưa bao giờ hết việc phản ánh, phàn nàn về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong xử lý vi phạm.

Tăng mức phạt sẽ càng sinh ra nhiều “góc khuất” ở mức độ cao hơn. Vì tính toán lợi ích trong việc bỏ ra đồng tiền, biết đâu chính người vi phạm sẽ chủ động đặt ra, đề nghị người xử lý có hình thức khác. Đó là điều khó tránh.

Cần bằng cách nào đó để người vi phạm pháp luật về giao thông thấy xấu hổ như tội trộm cắp, tham nhũng, nhất là khi nó lại được công bố gắn với hành vi hối lộ lực lượng chức năng chẳng hạn.

Hoặc là cần tạo ra những hình ảnh, câu chuyện có tính khơi gợi lòng tự trọng ở mỗi người, như tôi đã bị anh bạn học người Lào tác động.

Chỉ khi nào trong suy nghĩ của người tham gia giao thông tồn tại duy nhất sự thẳng ngay của pháp luật, thì việc phạt mới phát huy hết giá trị. Nhược bằng không thì điều gì cũng có thể dẫn đến ngoại lệ mà chúng ta chưa thể dự đoán được.

Điều chỉnh mức phạt là cần thiết, nhưng việc cần điều chỉnh lớn hơn, mang tính bền vững vẫn phải là điều chỉnh được suy nghĩ của người tham gia giao thông. Thực hiện tốt điều đó sẽ không còn phải rơi vào cảnh phải chạy theo để điều chỉnh con số của mức phạt.

An Nhiê

 

Các tin khác:
  • Yêu cầu chấn chỉnh đạo đức trường học (29/08/2019-22:38)
  • Áp đặt ước mơ (27/08/2019-7:47)
  • Không nhìn nhận phiến diện (25/08/2019-20:23)
  • Không cổ xúy rượu, bia (23/08/2019-8:59)
  • Chọn lựa thông minh (19/08/2019-8:45)
  • Tăng giá phải gắn với tăng chất lượng dịch vụ (16/08/2019-10:54)
  • Xây dựng nguồn nhân lực toàn diện cho tương lai (13/08/2019-7:53)
  • Trong hương khói vu lan (12/08/2019-8:16)
  • Tiếng vọng nhân tâm (09/08/2019-9:00)
  • Việc làm nhỏ, suy nghĩ lớn (06/08/2019-11:30)