Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Trần Sĩ Tuấn - Gương mặt trong trẻo của tờ báo (13/09/2019-13:07)
    Chẳng rõ bác sĩ Trần Sĩ Tuấn vào nghề báo tự khi nào, chỉ nhớ 20 năm trước gặp nhau ở TP. HCM thì anh đã là Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Đại diện của tờ báo Sức khỏe & Đời sống thuộc phía Nam đất nước.
BS, Thầy thuốc Nhân dân, Tổng Biên tập Trần Sĩ Tuấn.

Ấn tượng của tôi với Trần Sĩ Tuấn ngày một nhân lên nhờ không gian làm việc cận kề kể từ khi Tuấn ra Hà Nội (năm 2005) đảm nhận Tổng Biên tập tờ báo - Cơ quan ngôn luận chính thống của Bộ Y tế.

Đọc các kỳ báo do anh cầm trịch có rất nhiều cái để nhớ, để học, để làm theo, để suy ngẫm, để phòng bệnh, để chống lại bệnh tật, để thấy diễn tiến của các sự kiện, các vấn đề lớn của đất nước và thế giới... Không kể các ấn phẩm: Sức khỏe & Đời sống Cuối tuần dành riêng cho phía Nam; Sức khỏe & Đời sống miền núi mỗi tháng 1 kỳ v.v... Chỉ tính 4 số báo Sức khỏe & Đời sống định kỳ (thứ 2, thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật) mỗi số 16 trang, quân bình 25 chuyên mục lớn nhỏ; gộp lại mỗi tuần sản xuất tin bài kín 64 trang báo, đủ gần 100 chuyên mục, xuất bản đúng kỳ thật đáng nể trọng. Đông đảo người đọc ưa thích sự thiết thực của các trang báo, như: Tin tức Thời sự tổng hợp; Y học thường thức; Y học cổ truyền; Thông tin y dược; Thuốc và sức khỏe... Nhiều bài viết đi sâu tư vấn “những chuyện thầm kín” nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn từ văn hóa, tinh tế... Sức khỏe & Đời sống Chủ nhật hình như có sức hút mạnh người viết, bởi những chuyên trang: “Nhân vật sự kiện – Phóng sự xã hội – Đi và ngẫm...” có tầm mở nhân văn, sức khơi gợi tư duy về các vấn đề xã hội, về nhân tình thế thái... mà tinh cốt tôn chỉ mục đích của tờ báo chẳng hề phai nhạt.

Ngoài báo in, báo Điện tử cũng là điểm sáng về ngôn luận của Bộ Y tế. Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống là tờ báo đầu tiên, duy nhất hiện nay phát triển theo hướng 4.0 đa phương tiện với kênh youtube, kênh fanpage riêng của báo, đều đặn mỗi tuần sản xuất một chương trình truyền hình phát trực tiếp trên nền tảng Digital với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Y tế trong nước và thế giới, mỗi ngày sản xuất 60 bài cập nhật từng phút những vấn đề thời sự y tế xã hội nóng hổi với lượng truy cập 1triệu lượt truy cập/ngày, mỗi bài lượng đọc trung bình hàng ngàn lượt.

Sức khỏe & Đời sống với sự cầm trịch sáng tạo và tài tổ chức của Trần Sĩ Tuấn không chỉ kế thừa phát triển mà còn mạnh mẽ đổi mới thông tin, lay động bản tính nhân văn của con người, ví như cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” đều đặn suốt 10 năm nay liên tục nhân lên sự đồng cảm, sẻ chia của những người cầm bút dành cho nghề y, ngành y. Liên tục đưa về những câu chuyện cảm động, những hình ảnh chân thật của các thầy thuốc dấn thân cho nghề y được bộc bạch trên từng trang báo...

Đề ra nhiều sáng kiến, nhưng Trần Sĩ Tuấn cũng khéo tổ chức tòa soạn thực hiện, nên nhiều chương trình thành công, giầu sức lan tỏa, như: “Quỹ Vòng tay nhân ái” cứu giúp nhiều cảnh đời nghèo khó. “Nồi cháo tình thương” mở ra từ năm 2005 đến nay, đã có hàng triệu bát cháo được cán bộ báo Sức khỏe & Đời sống chung góp, thức khuya dậy sớm đun nấu để có được những bát cháo ngon, phát tận tay các bệnh nhi nghèo ở Bệnh viện. Sự khai mở của báo, đến nay việc làm này được nhiều nơi nhân lên. Sức khỏe & Đời sống cũng là nơi kêu gọi hỗ trợ kinh phí cho các Trạm Y tế nghèo, trao học bổng cho con em cán bộ ngành y...

Hỏi chuyện nghề, Tuấn nói: - Thầy thuốc là nghề nhân văn, cứu nhân độ thế. Nghề báo là nghề vun vỗ cái hay cái đẹp cho con người, cho xã hội. Tất cả đều theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người. Tôi vui vì có trong mình cả hai phần đời cao quý đó! Đi với nghề Y, 15 năm trước, khi chính thức bước vào nghề báo (năm 1995) Tuấn là bác sĩ trực tiếp của Trung tâm Cấp cứu ở TP. HCM. Làn ranh giữa cái sống và cái chết của bệnh nhân hết sức mỏng manh. Nói theo hình tượng thì nghề của Trần Sĩ Tuấn khi ấy thì: Phía trước là cấp cứu – Phía sau là nghĩa địa! Nhưng, chính nơi nghiệt ngã ấy đã hun đúc, tạo nên bản tính nhân văn cố kết luôn lay động tâm hồn, lay động trái tim nhân hậu của thầy thuốc...

 Nét thư sinh, khuôn mặt sáng trong, sống mũi cao thẳng, đôi mắt trong trẻo, lời thẳm sâu, Tuấn bảo: Còn ít tháng nữa mình sẽ nghỉ chế độ (hưu trí). Kỷ niệm với nghề báo thật khó quên và khó nói hết. Chỉ biết rằng làm báo, nêu cái hay, cái đẹp, cái điển hình là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, cũng đừng lãng quên đấu tranh chống tiêu cực. Báo Sức khỏe & Đời sống luôn ý thức điều này. Ví như, chúng tôi quyết liệt, vượt lên áp lực tứ phía để “phá” vụ án oan của một bác sĩ ở tỉnh nọ bị kết án tù 15 năm, xuống 7 năm và kết cục trắng án!...

“Người sao văn vậy”! “Văn học là nhân học”!... Cho nên tôi yêu quý, trân trọng những cái danh, những học hàm học vị mà Trần Sĩ Tuấn có được: Bác sĩ Thầy thuốc Nhân dân; Tổng Biên tập báo Sức khỏe & Đời sống; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...

Chất nhân văn, sống nghĩa tình như bản tính không chỉ đọng trên những trang báo do anh sáng tạo, thẩm định, quyết định loan tin, mà còn rung lên, ngân lên từ trái tim nồng ấm, nhân nghĩa với quê hương, với cha mẹ mang nặng, đẻ đau sinh ra anh: “...Có một quê hương trong mùi rơm dạ/ Những đêm đông ấm chỗ mẹ nhường nằm/ Có một quê hương trong lời em hát/ Nhắc kẻ đi xa nhớ ngọn tre làng...“! Trái tim nhân hậu, nặng lòng trách nhiệm, với lương tâm của người bác sĩ đau nỗi đau của người mẹ cố kiết cậy nhờ cứu lấy người con trước lưỡi hái tử thần mà không sao cứu nổi: “Bà mẹ nghèo run rẩy nắm tay tôi/ Xin bác sĩ hãy cứu nhân độ thế/ Nghe mẹ nói mà đau như thể/ Một cái gì nấc nghẹn tim tôi/ Bởi biết rằng không thể… mẹ ơi/ Trước căn bệnh hiểm nghèo, không làm sao cứu nổi/ Dẫu biết vậy, tôi vẫn thấy mình dường như có lỗi/ Trước nỗi lòng của mẹ thương con...” (Trước nỗi đau của mẹ). Cuộc thi giai điệu yêu thương, cuộc thi sáng tác ca khúc về Ngành Y, về thầy thuốc do Tổng Biên tập báo khởi xướng với sự tham gia nồng nhiệt của các nhạc sĩ tên tuổi, để cho ra những tác phẩm được coi là “Ngành ca”, như: “Bác sĩ ơi nụ cười” của Nguyễn Cường, “Viên thuốc ân tình” của Trần Tiến, “Dạ khúc trắng” của Thụy Kha, thơ Trần Sĩ Tuấn. Cùng nhiều đêm nhạc được các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Thụy Kha, Duy Thái phổ thơ Trần Sĩ Tuấn, như “Ngã ba chiều” nhân 27/7; “Đêm nhớ Bác”; “Bạch Đằng trong sóng Trường Sa”...

Một tấm lòng như thế, một tình người như thế, Trần Sĩ Tuấn rất xứng danh Tổng Biên tập báo “Sức khỏe & Đời sống”, tờ báo chủ công của ngành Y tế. Bởi, tâm hồn người bác sĩ nhân văn luôn thấu hiểu, thấu cảm công việc của nghề y, ngành y theo dòng chảy nhân thế và thời cuộc để chất nhân sinh của báo chí càng đậm sắc mầu trên từng con chữ, thôi thúc người người vươn tới cái hay, cái đẹp...

Tổng Biên tập là người cầm quân tinh luyện hệt như Tư lệnh trưởng. Nhất thiết phải là người nắm chắc đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước... Nói về điều này, Trần Sĩ Tuấn nhấn thêm: Phải tập hợp tòa soạn thành khối thống nhất!

Cầm trịch tờ báo, Tuấn tinh tường trong biên tập, xử lý thông tin, nâng cao chất lượng tác phẩm và ấn phẩm. Điều này dễ thấy nhất ở những số báo đặc biệt. Báo không chỉ đẹp, đầy ắp thông tin, mà còn là thông điệp về giá trị hàm lượng chất xám của tập thể tòa soạn tạo nên, trong đó có vai trò không hề nhỏ của Ban biên tập.

Tổng Biên tập Trần Sĩ Tuấn luôn chắc chắn trong từng kì báo trước khi quyết định chuyển đến nhà in. Đó là công việc, nhưng cũng là năng lực chỉ đạo, quản lý, lãnh đạo và điều hành bộ máy của tòa soạn, là tính năng động, trách nhiệm cao với công việc được bổ nhiệm. Đồng nghiệp và cán bộ dưới quyền nể trọng thái độ biết nhu biết cương; mạnh dạn trao quyền cho cán bộ, cho các phòng, ban. Hơn thế, anh rất để tâm khích lệ những việc tốt, những bài báo hay; nhưng cũng nghiêm khắc với những ai sai phạm mà chậm sửa... Bởi thế, cả 100 người trong tòa soạn, mười lăm năm qua không ai để điều tai tiếng. Không một ai lợi dụng nghề báo để dọa nạt, kiếm chác, để thu lợi bất minh!

Tòa báo Sức khỏe & Đời sống vẫn tọa lạc trong khuôn viên rất khiêm nhường, khuất lấp của Bộ Y tế. Các Phòng, Ban làm việc vẫn chật trội so với nơi này Bộ kia. Nhuận bút tác phẩm vẫn eo hẹp... Vậy mà, nhiều phóng viên tên tuổi đây đó vẫn tìm về “đầu quân” cho Trần Sĩ Tuấn. Rất nhiều, rất nhiều những nhà văn-nhà báo, những bác sĩ, những nhà văn hóa sáng danh vẫn cộng tác đều đặn với báo Sức khỏe & Đời sống. Phải chăng dư âm đẹp từ nơi bạn đọc đã cuốn hút người cầm bút? Khi tôi ngỏ ý nêu gương lên báo thì anh rãy nảy: Làng báo rất lắm người tài. Tôi nào đã hơn ai!

Với tôi, kẻ viết bài này, lâu nay vẫn thầm nghĩ: Trần Sĩ Tuấn là một trong những “Gương mặt trong trẻo của tờ báo”!

Theo Nguyễn Uyển/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Hành trình từ quá khứ tới tương lai của các phóng viên VOV (11/09/2019-8:17)
  • Nêu gương những điển hình tiên tiến là một phương pháp giáo dục hiệu quả (27/08/2019-15:24)
  • Gia đình - nơi ai cũng muốn quay về (27/08/2019-15:22)
  • Đằng sau giải thưởng của chúng tôi là cả tập thể lặng thầm cống hiến (24/08/2019-9:22)
  • Nhớ mãi những chuyến đi xa... (19/08/2019-20:22)
  • Quản lý hoạt động của phóng viên tại Đài PT&TH vùng Đông Bắc hiện nay (16/08/2019-18:26)
  • Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui bắt đầu từ 1 bài báo (16/08/2019-18:20)
  • Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng khi đưa thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước (16/08/2019-18:17)
  • Năng lực cạnh tranh của quảng cáo truyền hình trong kỷ nguyên số (15/08/2019-7:30)
  • Trường Sa qua góc nhìn của nhà báo Nguyễn Tri Thức/ (15/08/2019-7:26)