Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Trăn trở với chất lượng tác phẩm: Biến thách thức thành cơ hội (13/09/2019-13:12)
    Đó là một trong những thông điệp ý nghĩa tại Hội thảo nghiệp vụ: “Giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí” khu vực Tây Nguyên và miền Trung do Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk vừa qua.
Quang cảnh hội thảo nghiệp vụ: “Giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí”.
(Ảnh: nguoilambao.vn)


Có rào cản từ tâm lý “e dè, ngần ngại, tự ti”

Trong câu chuyện của các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Miền Trung tại Hội thảo này có nhiều lời giải được đưa ra cho bài toán chất lượng tác phẩm báo chí ở địa phương. Chất lượng ấy được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều mặt góp phần vào thực hiện Đề án Hỗ trợ Sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí bộ, ban ngành, Giải báo chí của tỉnh, thậm chí đó cũng là câu chuyện của bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên, tập hợp, vận động hội viên, nhà báo tham gia... Hơn thế, vấn đề của hội thảo được TS. Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch HNBVN nhấn mạnh: “Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá chất lượng hoạt động nghiệp vụ của các cấp Hội – nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung các văn kiện Đại hội XI sắp tới của Hội Nhà báo Việt Nam, được tổ chức vào cuối năm 2020”. 

Mặc dù, mục đích chính của Hội thảo là cùng nhau thảo luận, tìm câu trả lời “Làm thế nào để có tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội?”, nhưng không thể phủ nhận rằng, với phần thảo luận, rất nhiều ý kiến tâm huyết, nghiêm túc, thậm chí có những bài phát biểu “gan ruột” của các cấp Hội địa phương đã giúp sự kiện này đạt được kết quả hơn thế. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk  đã thẳng thắn đánh giá về thách thức không nhỏ của các hội viên, nhà báo tỉnh Đắk Lắk nói riêng và thiết nghĩ đó cũng chính là trăn trở chung của các cấp Hội Nhà báo địa phương hiện nay. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk YTuin Kmăn cho rằng, qua các Giải Báo chí Quốc gia hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk đã luôn cố gắng để tập hợp, động viên được nhiều hội viên nhà báo tham gia tích cực, có nhiều tác phẩm xuất sắc, chất lượng cao dự giải. Tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa đạt được như yêu cầu. Hội Nhà báo tỉnh, hội viên nhà báo của Hội phấn khởi mỗi lần đạt được giải nhưng trong việc tập hợp, động viên để có nhiều hội viên, nhà báo địa phương tham dự Giải phải nói là rất khó khăn. Nhiều hội viên, nhà báo vẫn nhìn nhận rằng các Giải báo chí, đặc biệt Giải Báo chí Quốc gia là điều kiện, là cơ hội tốt để kiểm nghiệm năng lực nghiệp vụ báo chí của mình, qua cọ xát, học hỏi kinh nghiệm từ Giải Báo chí Quốc gia để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ của mình, nhưng khi được động viên, phần lớn hội viên lại không hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng. Một số rất ít can đảm, mạnh dạn chọn tác phẩm tốt nhất dự giải, còn phần nhiều thì e dè, ngần ngại, tự ti,… vì cho rằng mình không đủ trình độ, năng lực để có tác phẩm “đọ” với các nhà báo “cừ”, nhà báo lớn ở các cơ quan báo chí tầm quốc gia… Quả thực, đây là tinh thần, thái độ thường thấy nhiều nhất ở các hội viên nhà báo địa phương mỗi khi chọn tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia, thậm chí các giải báo lớn khác cũng vậy.

Khó khăn, hạn chế thứ hai trong việc tập hợp, động viên hội viên nhà báo tham dự Giải Báo chí Quốc gia là hội viên nhà báo các cơ quan báo chí chưa thật chú ý, quan tâm đến Giải nên chưa tạo được “thói quen” trong việc chọn, lưu giữ những tác phẩm tốt, chất lượng đã sử dụng trong năm. Hội viên, nhà báo thường rất ngại tìm lại những tác phẩm đã đăng, phát, vì gây mất thời gian, phiền toái… nhất là đối với báo nói, báo hình. Một khó khăn, hạn chế khác trong việc tập hợp, động viên hội viên tham dự Giải Báo chí Quốc gia là về phía Hội Nhà báo tỉnh cũng chưa thật sự có phương pháp, giải pháp tốt về tổ chức, động viên, nhắc nhở, đặc biệt là tạo nhận thức cho hội viên nắm, hiểu sâu sắc về mục đích, yêu cầu của Giải, về ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi của hội viên đối với Giải.

Có tinh thần “vượt lên” trong các sân chơi trí tuệ, bản lĩnh

Những khó khăn là không tránh khỏi, cả từ chủ quan và khách quan nhưng không thể phủ nhận rằng, đã có những cấp Hội Nhà báo thời gian qua rất nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín ở địa phương thông qua các cuộc thi về nghiệp vụ. Từ uy tín cá nhân, từ nhận thức đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi và tâm thế của những người “có nghề”, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là “điểm sáng” trong vấn đề này. Theo đó, các giải báo chí của tỉnh nhà, dù giao cho đơn vị nào tổ chức thì Hội Nhà báo cũng được mời tham gia, ngồi ở ghế “thường trực”. Qua những lần tổ chức và phối hợp tham gia tổ chức các giải báo chí ở địa phương, nhà báo Dương Phước Thu –  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận thấy: “Việc được tổ chức và tổ chức được nhiều các giải báo chí địa phương sẽ nâng cao vai trò, vị trí, uy tín nghề nghiệp của Hội Nhà báo tỉnh; từ đó tiếng nói của Hội Nhà báo có trọng lượng hơn, được các sở ban ngành, các địa phương tin tưởng, nể trọng và ủng hộ trên nhiều phương diện (kể cả vật chất); các cuộc thi báo chí đã mở ra nhiều sân chơi trí tuệ, bản lĩnh, nơi giao lưu trau dồi kỹ năng làm báo cho nhiều phóng viên; tạo cho không khí báo chí sôi động, môi trường báo chí cởi mở và trong sạch hơn. Về phía công chúng cũng thụ hưởng được những vấn đề thiết thực, chất lượng thông tin từ các tác phẩm tham dự giải và được giải”.

Ở một góc độ khác, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, cụ thể, rõ ràng và đúng đối tượng, nhà báo Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã đưa ra những đóng góp thiết thực để hội viên có tác phẩm báo chí chất lượng cao về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số. Ông nhấn mạnh: “Để có một tác phẩm báo chí hay chứa đựng lượng thông tin có giá trị nhất, đó là tính chính xác, trung thực, tin cậy, hấp dẫn, kịp thời, có hiệu quả và hiệu ứng xã hội cao, đặc biệt là tác phẩm báo chí về miền núi, về dân tộc thiểu số, thì việc bám sát sự kiện và là sự kiện đang được dư luận và đồng bào các dân tộc quan tâm, nhu cầu về chế độ chính sách, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa… Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã vận động hội viên, phóng viên tăng cường học tiếng địa phương để thông thạo ngôn ngữ cũng như hiểu biết phong tục tập quán của người địa phương. Bên cạnh đó, phóng viên phải có bản lĩnh, hiểu biết, tích lũy vốn sống và khả năng giao tiếp tốt, trăn trở với đề tài và phương pháp sáng tạo trong thể hiện bài viết”.

Ngoài ra, Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay cũng đặc biệt coi trọng việc chăm lo cho từng sản phẩm báo chí, hay nói khác hơn là sản phẩm lao động tinh thần của người làm báo, góp phần đắc lực cho hội viên đứng vững, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay và là tác dụng hai chiều để độc giả không lãng quên với những người làm báo của địa phương. Đồng thời khơi dậy niềm tin yêu xuất phát từ đại đa số công chúng ngay tại địa bàn tác nghiệp của người làm báo. Song song với đó là cách tổ chức sinh hoạt chi hội thiết thực; lồng ghép nội dung sinh hoạt định kỳ với việc nhận xét và trao đổi nghiệp vụ thông qua các tác phẩm đã được bình chọn. Trong đó, có việc trao đổi quá trình thu thập, tiếp cận thông tin, xử lý thông tin của tác giả và nhóm tác giả. Từ đó, đánh giá đúng thực chất giá trị của từng sản phẩm báo chí, thông qua từng tác giả, nhóm tác giả, từ đó khơi dậy niềm tin yêu của hội viên đối với tổ chức Hội Nhà báo của chính mình. Chăm lo cho công việc tác nghiệp của hội viên cũng chính là chăm lo cho sự phát triển bền vững của tổ chức Hội.

Có thể nói rằng, Hội thảo có rất nhiều vấn đề được đưa ra, nhiều giải pháp, đề xuất được nhắc đến nhưng “cốt lõi” của việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí vẫn nằm ở hai trụ cột cần quan tâm, đó là về mặt nâng cao tư tưởng, nhận thức của từng hội viên, nhà báo ở các cấp Hội địa phương trong công tác nghiệp vụ đồng thời tích cực hơn nữa trong đầu tư đề tài, thẩm định chất lượng sản phẩm báo chí nổi bật kết hợp với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tham gia các sân chơi trí tuệ bổ ích. Từ đó, góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020 và dự Giải Báo chí Quốc gia.

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận

  

 

 

Các tin khác:
  • Trần Sĩ Tuấn - Gương mặt trong trẻo của tờ báo (13/09/2019-13:07)
  • Hành trình từ quá khứ tới tương lai của các phóng viên VOV (11/09/2019-8:17)
  • Nêu gương những điển hình tiên tiến là một phương pháp giáo dục hiệu quả (27/08/2019-15:24)
  • Gia đình - nơi ai cũng muốn quay về (27/08/2019-15:22)
  • Đằng sau giải thưởng của chúng tôi là cả tập thể lặng thầm cống hiến (24/08/2019-9:22)
  • Nhớ mãi những chuyến đi xa... (19/08/2019-20:22)
  • Quản lý hoạt động của phóng viên tại Đài PT&TH vùng Đông Bắc hiện nay (16/08/2019-18:26)
  • Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui bắt đầu từ 1 bài báo (16/08/2019-18:20)
  • Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng khi đưa thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước (16/08/2019-18:17)
  • Năng lực cạnh tranh của quảng cáo truyền hình trong kỷ nguyên số (15/08/2019-7:30)