Thứ ba, ngày 16/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Mưu sinh trong chật hẹp (15/09/2019-15:47)
    (NLBTH) - Không chỉ thuận tiện cho việc đậu đỗ xe, đồ ăn, thức uống, dịch vụ giải trí ở đây còn vừa túi tiền, khách có thể chọn lựa theo những cách rất riêng.
 Đằng sau ánh đèn rực rỡ tại quảng trường Lam Sơn là sự ồn ã mưu sinh

“Anh đẹp trai ơi, hát một bài nhé, 15.000 đồng thôi”.

Tôi được một cô gái tiếp thị hát karaoke khi đang ngồi ở một hàng nước tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.

“Em còn có kẹo tình yêu nữa đấy, anh có muốn không?”, vừa nói cô bé dơ thanh kẹo Alpenliebe ra trước mặt.

“Thử cảm giác xem sao”, bà xã tôi đề xuất, và ngay lập tức thanh kẹo được trao vào tay tôi, chiếc loa cũng được kéo đến khi chúng tôi thực hiện xong giao dịch.

Để hát phải nhìn vào màn hình điện thoại kết nối bluetooth với chiếc loa. Một kiểu hát nhằm thay đổi không khí, chứ chất lượng âm thanh thì không nên bàn đến.

Tên bài hát được cô gái gợi ý là “Cứ yêu đi”, thuộc thể loại nhạc trẻ. Tôi lấy hết can đảm “dâng hiến” cho âm nhạc, chưa hết bài hát bà xã đã ra hiệu dừng lại.

Có nhóm thanh niên ngồi gần đó tỏ ý không hài lòng. Có thể do âm lượng tôi phát ra quá lớn, cũng có thể sai giai điệu.

Tôi không biết, vì không dám hỏi. Ở nơi có phần nhộm nhoạm này, chỉ một câu hỏi không ưng ý, cái nhìn không đúng cách đều có thể dẫn đến xung đột. Bây giờ có nhiều người trẻ manh động, về đêm càng đáng sợ.

Một bài hát thất bại, có phần xấu hổ, nhưng cho tôi một sự trải nghiệm, dù không thú vị cho lắm.

Buối “giải ngố” kết thúc không như ý muốn dù đã phải chi tới gần hai trăm nghìn đồng cho ăn uống đồ vặt và ca hát. Tôi đứng dậy rủ bà xã bách bộ quanh Quảng trường cho nguôi ngoai, và nghĩ mình sẽ không như thế nữa.

Một suy nghĩ có phần cực đoan, và có lẽ cảm xúc của tôi chỉ là số ít.

Phần còn lại vẫn vui, và tối tối họ lại đến nơi này. Những chiếc ghế nhựa ở đây thường kín khách vào khung “giờ vàng”. Những chiếc loa di động cũng thường lui tới nhiều hơn phục vụ nhu cầu yêu ca hát của khách ở nơi cộng cộng.

Nhiều người dân đang bám vào Quảng trường để mưu sinh như một sinh kế tình thế. Đó là những người không có việc làm thường xuyên.

Bốn đến năm giờ đồng hồ ngồi ở đây mỗi đêm cũng đem lại thu nhập như một suất lương hàng tháng, dù chẳng dễ chịu chút nào.

Họ cũng từng trải qua nhưng lo lắng, và đến giờ vẫn lo, khi biết đâu ngày nào đó họ lại tiếp tục bị cấm.

Không có gì đảm bảo về tương lai lâu dài, nhưng những hộ kinh doanh ở đây vẫn phải sống và không ngừng đa dạng dịch vụ.

Quảng trường Lam Sơn vào buổi tối, nhất là mùa hè lượng người đổ về khá đông, có cả những người thu nhập cao đi xe sang đậu tràn sang khu vực phía trước Nhà hát Lam Sơn, phía đường Dương Đình Nghệ trước khách sạn Phù Đổng, gây khó khăn cho giao thông khu vực.

Người trẻ đến đây thường uống nước, tán chuyện và hát hò. Trẻ em thì tham gia vào các trò tô tượng, bắn bóng. Một số người lớn sắm vai trông trẻ. Cũng có những người vừa trông trẻ, vừa uống bia, tùy cách chọn.

Những chiếc xe đẩy ở đây có thể phục vụ nhu cầu ăn uống cho nhiều đối tượng thực khách. Có trứng nướng, hải sản nướng, ngô, khoai nướng, hấp... để phục vụ khách. Còn có trái cây dầm, lắc, đồ uống xay khá đắt hàng khi học sinh tan ca học thêm buổi tối tụ tập lại.

Ngồi ở đây nếu không thích hát thì có thể nghe hát.

Những giọng ca dạo sẽ phục vụ tận bàn, cho tiền hay không thì tùy. Cho thì tiếc, không cho cũng khó mà yên vì sự năn nỉ, làm phiền đến mức đeo bám.

Tiếc là bởi những xe hát rong đội lột từ thiện và tình trạng hát nhép bây giờ nhiều lắm. Nhiều xe hát rong còn đính băng rôn chứng minh mình là người của tổ chức từ thiện nào đó, nhưng nhìn chung độ tin cậy không cao.

Có thông tin rằng trong số “nghệ sỹ” hát rong nhiều người nghiện ma túy. Thật khó để ứng xử cho đúng, cho hài lòng người ở một nơi như thế này.

Còn cách khác để thường thức âm nhạc, đó là nghe hát từ những giọng ca phải trả phí như tôi. Có những người hát hay, nhưng cũng có giọng ca như “tra tấn” người nghe.

Một không gian chật hẹp, tạp nham thanh âm, nhưng nhiều người đã không ý thức hết, cứ thế hồn nhiên hát.

Những chiếc loa như muốn “cãi nhau”. Chủ nhân của nó cũng cãi nhau mỗi khi tranh giành khách. Thậm chí là xô xát, nhưng không phải lúc nào cũng có sự can thiệp kịp thời.

Tôi thấy một cô gái sau khi tiếp thị cho khách hát xong, đưa loa đến, thì khách đã hát với chiếc mic khác.

Mưu sinh ở nơi chặt hẹp dễ dẫn đến đụng độ, và không nhanh chân là mất miếng cơm. Để có khách đôi khi cũng phải uốn lượn câu nói cho dễ nghe hơn, chẳng thật lòng chút nào.

“Thì anh cứ hát đi, em nghĩ là không khó lắm”. Cô bé tiếp thị khách hát trả lời như thế khi có nhóm thanh niên đề xuất được thực hiện “quyền lợi” của đôi tay như khi hát karaoke trong phòng kín.

Tôi giật mình tưởng tượng ra điều rất khó diễn tả nếu như cuộc “đàm phán” thành công. Ở một nơi rất đông người về đêm, nhưng người ta đang vô tư thải ra đủ loại rác, từ ăn uống, khói nướng, tiếng ồn, thậm chí là cả những thứ “rác” văn hóa. Như thế liệu có phù hợp với một địa chỉ dành để tổ chức những hoạt động trang nghiêm và giầu tính văn hóa như Quảng trường Lam Sơn không?

Những chiếc xe bán hàng di động từng bị cấm hoạt động ở đây sau nhiều ý kiến phản đối của người dân, nhưng rồi chỉ là câu chuyện dăm bữa, nửa tháng, mọi việc sau đó lại ồn ã, nhộm nhoạm như thường, và đến tận giờ.

Gặng hỏi một chủ quán nước ở đây về điều kiện để được bán hàng, cô bảo đã “bám” quảng trường được gần chục năm năm.

Để có khu vực kinh doanh chừng 100m2 này cô đã phải chi bốn triệu đồng cho một người được cho là có “quyền” trong việc cho phép kinh doanh ở đây. Sau đó cô còn phải đóng tiền hàng tháng cho một đội làm nhiệm vụ chức năng tại đây, nhưng rồi sau đó thành phố không cho phép thu nữa.

“Thế nghĩa là việc kinh doanh ở đây không hợp pháp”, tôi hỏi? Im lặng, cô chuyển sang việc khác thay cho câu trả lời.

Dù cho những xe nước, những điểm tô tượng, bắn bóng và một vài dịch vụ khác ở đây đáp ứng được nhu cầu cho nhiều người, cũng giải quyết được việc làm cho nhiều người khác, nhưng xét ở góc độ quản lý trật tự là một sự vi phạm. Từ góc nhìn môi trường và văn hóa còn câu thúc hơn.

Không quản được hoạt động này, lo lắng về nguy cơ mất an toàn giao thông, mất an ninh - trật tự có thể sẽ còn xảy ra ở mức độ cao hơn.

Tại khu vực này cách đây ít năm đã xảy một vụ án mạng do tranh chấp.

Ám ảnh đó vẫn còn, nhưng bởi những nhu cầu, nhiều người vẫn phải quên đi nỗi lo ấy để đi bộ quanh Quảng trường, tham gia sinh hoạt cộng đồng tại đây.

Một khung cảnh ồn ào, quá tải đe dọa đến việc làm mất an ninh - trật tự có lẽ rất nhiều người nhìn thấy. Thế nhưng bởi những lý do khác nhau, thậm chí là những mâu thuẫn trong tư duy, ý thức quản lý, khiến cho những điều không mong muốn vẫn mặc nhiên tồn tại như giải pháp tình thế.

Có nhất thiết phải như thế không, tôi tự đặt ra câu hỏi, và không thể tự làm thỏa mãn mình.

 
Lam Vũ 

 

Các tin khác:
  • Mạng xã hội và câu chuyện truyền thông dễ dãi (11/09/2019-20:45)
  • Bắt buộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý (11/09/2019-8:20)
  • Cẩn trọng khi quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội (09/09/2019-12:20)
  • Chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí (09/09/2019-12:13)
  • Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ (06/09/2019-12:00)
  • Cần nhìn nhận công tâm về sự nghiệp đổi mới giáo dục (05/09/2019-10:31)
  • Không để hiện tượng mượn phê bình làm điều xấu (24/08/2019-9:27)
  • Báo chí truyền thông trong “thời đại tin giả” (19/08/2019-22:29)
  • Tháng tám, trời thu xanh thẳm! (15/08/2019-7:22)
  • Đừng để con trẻ ngủ quên trong sách vở (05/08/2019-10:11)