Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo cần chủ động thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin trong tác nghiệp (24/10/2019-8:02)
    Mặc dù các quy định công khai thông tin được đưa vào luật báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến nhà báo, phóng viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tác nghiệp.
Nhà báo Lê Nghiêm giới thiệu đề tài nghiên cứu về quyền tiếp cận thông tin của báo
chí đặc biệt là trong điều tra tham nhũng ở Việt Nam.
 

Báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin

Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra tại đề tài nghiên cứu: "Thực tiễn thực thi quyền tiếp cận thông tin của báo chí trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam" của  nhà báo Lê Nghiêm, Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại. Đề tài vừa được giới thiệu tới các nhà báo và cơ quan báo chí cũng như công chúng vào ngày đầu tháng 10/2019. Với việc nghiên cứu, khảo sát các vụ việc từ 2009-2019, đề án chủ yếu tập trung về kiến thức, nhận thức và hành vi liên quan đến pháp luật tiếp cận thông tin của nhà báo và người phát ngôn. Nhưng những vấn đề ông đặt ra cũng chính là thực tế khó khăn mà các nhà báo đang gặp phải trong quá trình tác nghiệp.

Nghiên cứu của nhà báo Lê Nghiêm cho thấy, mặc dù các quy định minh bạch, công khai thông tin được đưa vào luật báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến công chúng nói chung và báo chí nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Theo nhà báo Lê Nghiêm: “Nhiều nhà báo đánh giá tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin để làm rõ, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà báo còn ít. Bên cạnh đó, thủ tục tiếp cận thông tin của nhà báo cũng gặp nhiều khó khăn. Luật Tiếp cận thông tin cho báo chí đã ban hành được gần 2 năm nhưng thực tế, phóng viên khi tác nghiệp vẫn phải tiếp cận công chức chuyên môn để “xin” thông tin”.

Luật tiếp cận thông tin là luật đầu tiên ở Việt Nam đảm bảo quyền được biết cho 96 triệu người dân Việt Nam. Luật có hiệu lực từ 1/7/2018 nhưng từ đó đến lúc này vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào thực hiện quyền được biết của dân theo luật cung cấp thông tin bởi chưa có một cơ quan nào giám sát đôn đốc và có chế tài.

“Chúng tôi phát hiện ra một điểm hạn chế rất lớn hiện nay đó là báo chí được bảo đảm, được hưởng đặc quyền tiếp cận thông tin nhưng quyền này không có cơ chế nào giám sát người phát ngôn và người cung cấp thông tin. Người phát ngôn có quyền ban phát thông tin. Không có chế tài, không có giám sát, không có ai đôn đốc, không có ai xử lý những người từ chối trách nhiệm phát ngôn  không cung cấp thông tin hay cản trở cung cấp thông tin cho báo chí tác nghiệp. Chưa có bất cứ ai bị xử lý việc thực hiện trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin này”, nhà báo Lê Nghiêm đánh giá cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo còn yếu.

Hình ảnh được nhà báo Nguyễn Hoài Nam, báo Pháp luật TP HCM bí mật ghi âm, ghi hình trong vụ
Hình ảnh được nhà báo Nguyễn Hoài Nam, báo Pháp luật TP HCM bí mật ghi âm, ghi hình trong vụ "quỹ đen" tại Cục đường thủy.

Nhà báo phải vượt qua giới hạn thông thường thì mới có thể thực hiện thành công bài điều tra

Trước thực tế cơ quan nhà nước còn lúng túng, né tránh, trì hoãn, từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhà báo buộc phải vượt qua giới hạn thông thường thì mới có thể thực hiện thành công bài điều tra, đặc biệt là các vụ việc tham ô tham nhũng. “Do đó, nhà báo điều tra thường không tiếp cận thông tin theo quy trình bình thường. 20,4% người phát ngôn và 59,3% nhà báo xác nhận quen biết có thể bỏ qua quy trình, thủ tục theo quy định; 43,7% nhà báo xác nhận được tiếp nhận thông tin đầy đủ hơn nếu quen biết người phát ngôn và 17,6% nhà báo xác nhận có được thông tin không thuộc danh mục công khai”-  Nhà báo Lê Nghiêm cho biết con số mà ông và nhóm khảo sát đã thống kê được.

Nhà báo Bùi Lan Anh và ê kíp đã cùng ngư dân tiến hành lặn xuống tận đáy biển để ghi lại hình ảnh về đường ống xả thải ra môi trường của nhà máy Formosa trong một phóng sự điều tra.
Nhà báo Bùi Lan Anh và ê kíp đã cùng ngư dân tiến hành lặn xuống tận đáy biển để ghi lại hình ảnh về đường ống xả thải ra môi trường của nhà máy Formosa trong một phóng sự điều tra.

Những nhà báo điều tra này, trong quá trình tác nghiệp đã phải có kỹ năng tiếp cận thông tin đặc biệt. Dẫn chứng từ đề tài nghiên cứu cho thấy, điển hình như nhà báo Hoàng Thiên Nga trong quá trình triển khai bài điều tra chống tham nhũng đã trực tiếp làm việc với các cơ quan trung ương để có sự hậu thuẫn, ủng hộ và thúc đẩy cơ quan nhà nước; nhà báo Nguyễn Hoài Nam của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức bí mật ghi âm, ghi hình để có được thông tin trong vụ "quỹ đen" của Cục đường thủy; một số nhà báo tranh thủ sự lan tỏa của mạng xã hội như nhà báo Bùi Lan Anh, kênh VTC 14 đã xác minh bằng cách cùng ê kíp lặn xuống đáy biển cùng ngư dân quay lại cảnh đường ống xả thải ra môi trường của Formosa, sau đó các nhà báo khác đã đồng thời kết nối các bài viết trên mạng xã hội, lan tỏa các tác phẩm báo chí điều tra…

Có thể thấy rằng, báo chí được đáp ứng quyền tiếp cận thông tin là một trong những phương thức quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phòng, chống tham nhũng. Vì thế, nhà báo Lê Nghiêm một lần nữa nhấn mạnh: “Các nhà báo cần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Các nhà báo cần phải thấy được mình có đặc quyền tiếp cận thông tin và phải tự mình chủ động thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Có như vậy việc tác nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực điều tra chống tham nhũng mới được tiến hành một cách thuận lợi và hiệu quả hơn”.


Theo: Minh Khuê/ Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • "Báo hóa tạp chí": Lấn sân, bát nháo trong hoạt động báo chí (18/10/2019-14:58)
  • Trao giải cuộc thi báo chí viết về giảm nghèo lần thứ 3 năm 2019 (16/10/2019-9:35)
  • Phát động Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ V (16/10/2019-7:37)
  • Làm báo trước "ma trận" thời số hóa (14/10/2019-14:57)
  • Tập huấn cung cấp thông tin về công tác dân số trong tình hình mới cho các phóng viên, nhà báo (11/10/2019-14:04)
  • Người làm báo trong thời kỳ bùng nổ thông tin (07/10/2019-13:31)
  • Viết báo, đừng viết lấy được! (04/10/2019-10:17)
  • “Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời” (04/10/2019-10:14)
  • Báo chí dữ liệu: Cách kể chuyện hiện đại (03/10/2019-8:36)
  • Đam mê là động lực lớn nhất (03/10/2019-8:34)