Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Bảo vệ người tiêu dùng khu vực nông thôn (18/11/2019-8:05)
    (NLBTH) - Đã có rất nhiều vụ gian lận thương mại ở khu vực nông thôn bị xử phạt, thậm chí truy tố trong thời gian qua, nhưng tình trạng này vẫn chưa thuyên giảm.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Trung tâm thương mại Hoa Lộc, Hậu Lộc
(Ảnh chỉ có tính minh họa, từ Báo Thanh Hóa)

Lợi dụng tình trạng nhiều người dân ở khu vực này chưa quan tâm nhiều tới chất lượng hàng hóa, ham mua hàng giá rẻ, nên các đối tượng đã tuồn hàng kém chất lượng, hàng giả vào các chợ dân sinh để tiêu thụ. Trong đó nổi lên là vi phạm gian lận thương mại về kê khai, niêm yết giá, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, nhiều hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, vi phạm quy định về nhãn mác, thậm chí hết hạn sử dụng cũng bị trà trộn đưa vào tiêu thụ tại các đại lý ở các thị trấn, thị tứ.

Riêng chỉ hai huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, theo thông tin của Cục quản lý thị trường Thanh Hóa, trong 10 tháng đầu năm đã phải xử lý tới trên 150 vụ vi phạm. Con số vi phạm ở nhiều huyện trong tỉnh cũng ở mức báo động tương tự.

Dự báo trong những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân trở nên lớn hơn, tình trạng vi phạm chắc chắn cũng sẽ nhiều hơn.

Trong khi đó có tình trạng là người tiêu dùng dường như đang được trao toàn bộ “trách nhiệm” kiểm nghiệm sản phẩm mình mua sắm bằng việc biến họ thành người tiêu dùng “thông thái” như  cơ quan bảo vệ người tiêu dùng vẫn kêu gọi.

Nghĩa là người tiêu dùng gần như phải chịu trách nhiệm với hàng hóa mà mình mua sắm là chính. Nào là phải phân biệt tem hàng thật - hàng giả, đọc hiểu các thành phần ghi trên bao bì, rồi nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm...

Đây là những kỹ năng mà ngay đến rất nhiều người tiêu dùng ở khu vực đô thị còn khó để đáp ứng được, chứ nói gì đến người tiêu dùng ở nông thôn, nhất là khu vực miền núi dân trí còn rất thấp.

Cùng với tăng cường lực lượng bám sát địa bàn, tập trung vào các trung tâm kinh doanh, dọc các tuyến quốc lộ, những địa bàn vùng sâu, vùng xa để phát hiện, xử lý các gian lận thương mại, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị, nâng cao kỹ năng nhận biết dấu hiệu hàng giả cho người tiêu dùng. Khuyến cáo để người tiêu dùng không tham hàng rẻ, những hàng hóa sặc sỡ, hàng bán lưu động trên đường hay ở các nhà văn hóa, nhà cộng đồng thôn, bản.

Hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín của trưởng làng, trưởng bản, các đoàn thể để đưa hàng hóa kém chất lượng vào bán tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhiều người dân vì cả tin đã bị “sập bẫy”.

 Một nguyên tắc vàng trong tiêu dùng là đồng tiền luôn gắn liền với giá trị hàng hóa. Sẽ không có hàng hóa tốt nào mà giá lại rẻ cả ngoại trừ những nhãn hàng được thực hiện khuyến mãi một cách có tổ chức.

Người tiêu dùng cần phải xem rõ nhãn mác, thời hạn sử dụng trên bao bì. Nếu có bất cứ nghi ngờ nào thì yêu cầu người bán hàng giải đáp hoặc thông tin đến cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương. Mọi sự vội vàng mua sắm hay ham giá rẻ đều là kẻ thù chống lại lợi ích cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật (15/11/2019-7:49)
  • Chọn cách làm đẹp (11/11/2019-9:33)
  • Nhìn vào nỗi đau để có sự điều chỉnh (08/11/2019-14:38)
  • Từ phiên tòa chưa từng có và sự chờ đợi sau án lệ (05/11/2019-21:14)
  • Bệnh nào, tuyến ấy (04/11/2019-8:21)
  • Trên hết vẫn phải là nhận thức (02/11/2019-21:29)
  • Khơi thông cơ chế, thúc đẩy nguồn lực (31/10/2019-22:08)
  • Động lực mạnh mẽ cho mục tiêu dài hơi (28/10/2019-10:44)
  • Để không mắc bệnh “suy thoái” (27/10/2019-11:11)
  • Kiên trì, tạo tiền lệ tốt trong quản lý đô thị (25/10/2019-22:42)