Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Kiểm soát chặt chẽ việc thực thi (06/01/2020-10:29)
    Thói quen uống rượu bia lâu nay đã trở nên phổ biến trong rất nhiều người dân. Hễ có tiệc tùng, giỗ chạp hay chỉ gặp mặt là... mời nhau nâng ly ào ào. Cứ nhìn các hàng quán buổi tối sẽ thấy gần như chỗ nào cũng tấp nập người nhậu nhẹt. Một số địa phương là điểm du lịch cũng tràn ngập quán nhậu. Uống rượu bia không chỉ có thể gây ra tai nạn giao thông, mà còn là một trong những tác nhân gây mất trật tự xã hội, có hành vi mất nhân cách, bạo lực; và lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe.

Thực tế qua vài ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có hiệu lực, vẫn có rất nhiều người liều lái xe sau khi đã uống rượu bia. Để một quy định pháp luật mang lại những chuyển biến trên thực tế, cần kết hợp nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là phải thực thi một cách nghiêm túc.

Khi quy định nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc uống rượu bia, thì phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan, bao gồm: đã uống rượu bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông; uống rượu bia gây ồn ào, ảnh hưởng đến người khác; mua bán rượu bia không đúng quy định (về nơi bán, về đối tượng mua, thời gian bán, bán rượu bia không có nguồn gốc rõ ràng, bán rượu bia nhập không có hồ sơ, chứng từ hợp pháp…)… Các cơ quan trên tinh thần của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các quy định liên quan, cần có quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện luật này, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm.

Với lĩnh vực an toàn giao thông, quy định mới cần có cách thức triển khai xử lý mới, trong đó tập trung kiểm soát ở các nơi có nhiều người vi phạm, ở nơi thường xảy ra tai nạn giao thông, kết hợp biện pháp tuyên truyền với việc xử lý kiên quyết, tránh du di. Phải tránh tình trạng thực hiện theo chiến dịch, theo phong trào, trống giong cờ mở một vài tuần rồi thôi, nhưng cũng cần có các trọng tâm, trọng điểm theo điều kiện thực tiễn. Lực lượng CSGT cần quán triệt trong lực lượng của mình chủ trương, biện pháp, cách thức và thái độ trong thực hiện việc xử lý, tránh để quá trình xử lý bị can thiệp, tác động hoặc xin xỏ.

Đặc biệt, do quy định pháp luật trao cho CSGT quyền áp dụng mức phạt rất nặng, số tiền phạt rất lớn, nên ngành công an cần có biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát thật chặt chẽ để kịp thời phát hiện sai phạm trong đội ngũ thực thi công vụ và có hình thức xử lý nghiêm khắc các hành vi tiêu cực như xử lý phạt tùy tiện, “cưa đôi” tiền phạt không lập biên bản với người vi phạm, hống hách bắt chẹt người vi phạm. Cần khuyến khích và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát để phát hiện các CSGT tiêu cực.

Khi áp dụng mức phạt nặng đối với người lái xe có nồng độ cồn trong máu (trong hơi thở) theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cần thực hiện có tính thuyết phục. Nên có nghiên cứu, kiểm nghiệm khoa học về khả năng có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng không hề uống rượu bia, để không phạt oan sai. Cần chú ý đến trường hợp ăn các loại thực phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn, như một số loại trái cây (nhất là trái cây ngọt, khi lên men trong dạ dày sẽ tạo nên một lượng men rượu nhất định), hoặc ăn các thức ăn trong quá trình chế biến có sử dụng rượu bia, có cồn (cơm rượu chẳng hạn). Tất nhiên, biện pháp xử lý thế nào cần khách quan, công tâm, chính xác, tránh bị qua mặt, nhưng cũng không thể xử phạt người không vi phạm. Các thiết bị kiểm tra phải được bảo đảm về mặt vệ sinh, an toàn, chính xác.

Nói chung, cần kiểm soát chặt chẽ việc thực thi các quy định mới, đảm bảo tính hợp lý, hợp tình trong thực tiễn. Trong quá trình thực thi, nếu có vấn đề phát sinh thì phải có giải thích, hướng dẫn kịp thời, nếu phát hiện có điểm chưa phù hợp thì phải được sửa chữa. Tuyệt đối tránh tình trạng quy định thì đúng, thì hay, nhưng quá trình thực thi lại hạn chế, sai sót, dẫn đến quy định giảm hiệu lực, hiệu quả, từ đó tính kỷ cương không được bảo đảm.

Theo: Trịnh Minh Giang/ Báo SGGP

 

Các tin khác:
  • Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực: Nhiều người bị phạt nặng (03/01/2020-13:31)
  • Hàng giả - cảnh bảo "Đến hẹn lại...tăng" (31/12/2019-21:53)
  • 6 quy định mới nhất về BHXH người lao động cần biết (30/12/2019-16:30)
  • Người lao động có thể nghỉ việc không báo trước nếu bị sếp xúc phạm (18/12/2019-15:57)
  • Người dân ngồi nhà làm được dịch vụ công nào qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia? (17/12/2019-15:06)
  • Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động (16/12/2019-10:12)
  • Những điều viên chức cần biết (10/12/2019-14:41)
  • 5 chính sách lương hưu, BHXH sẽ đồng loạt điều chỉnh (09/12/2019-20:08)
  • Tin đồn trên mạng xã hội: Biến tướng của truyền thông bất lương? (06/12/2019-9:39)
  • Nhiều công chức chưa hiểu mình là “công bộc của dân” (28/11/2019-16:15)