Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Cây gậy” pháp lý thừa sức làm trong sạch tình hình (14/01/2020-10:24)
    "Khi chúng tôi chưa thể “tự vệ” toàn diện được thì rất cần đến bàn tay can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. “Cây gậy” pháp lý đang nằm trong tay những cơ quan này, thừa sức sử dụng nó để chấn chỉnh, làm trong sạch tình hình - NB Dương Quang.
Nhà báo Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
 

“Theo tôi, các cơ quan báo chí chính danh đã nỗ lực đầu tư tiền của, nhân lực, kỹ thuật, chất xám để bảo đảm thực hiện vai trò nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, bám sát tôn chỉ mục đích, đồng thời nâng chất lượng nội dung để cạnh tranh, thì nỗ lực đó cần được tôn trọng và bảo vệ. Khi chính họ chưa “tự vệ” toàn diện được thì rất cần đến bàn tay can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí”, nhà báo Dương Quang - Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động khẳng định bày tỏ quan điểm trước việc thực trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp đang ngày càng phổ biến.

Họ sao chép rất nhanh, như thể canh sẵn...

+ Theo quy định về đối tượng và điều kiện thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet (NĐ 72/2013 Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng), các tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí cũng được cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (website), xuất bản thông tin báo chí lên internet với điều kiện được 3 cơ quan báo chí cho phép dẫn nguồn... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về mặt quy định pháp lý, chắc rằng các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí nắm rõ, nhìn thấy rõ thực trạng này hơn. Dưới góc độ là một cơ quan báo chí tự chủ tài chính hoàn toàn hàng chục năm nay, chúng tôi không đồng tình với việc các website “tự do” lấy thông tin báo chí đã xuất bản (từ các báo chính danh) về và tái xuất bản trên trang của mình. Có trang lấy và dẫn nguồn, tôn trọng bản gốc; nhưng cũng lắm trang lấy về “xào nấu”, đăng lại không thèm dẫn nguồn, xem như là của mình, thậm chí việc đăng lại đó là nhằm chủ đích khác.

Theo Luật Báo chí 2016 và các điều luật khác liên quan, chúng tôi có quyền yêu cầu các đơn vị khai thác lại thông tin của chúng tôi phải tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng thực tế, mình không thể theo dõi và nắm bắt được hết những website nào lấy lại tin, bài của mình; lấy về và sử dụng ra sao; dùng vào mục đích gì… bởi số trang web như thế quá nhiều, hiện trạng “sao chép”, “xào nấu” thời gian qua cũng khá lộn xộn.

+ Sự đánh đồng khái niệm “cung cấp thông tin lên internet” nói chung với khái niệm “xuất bản thông tin báo chí trên nền tảng internet”, dẫn đến tình trạng website trá hình báo chí, không chỉ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mà ngay cả một số cơ quan nhà nước cũng không phân biệt được, thưa ông?

- Đúng như vậy, thực tế thì có một bộ phận không nhỏ độc giả không phân biệt được đâu là báo điện tử, đâu là trang tin điện tử tổng hợp, đâu là trang được phép hay không được phép xuất bản thông tin báo chí, đâu là những trang “fake”… Do đó, sự thiết kế giao diện và tính năng “na ná” các báo chính thống của các website đó là có chủ đích. Việc chọn những cái tên về loại hình như news, daily, online… làm manchette cũng nhằm như thế. Mục đích là nhằm “đồng dạng” với các báo chính thống, tạo niềm tin từ bạn đọc, từ đó lôi kéo độc giả, giữ chân độc giả và có thể kiếm được tiền từ quảng cáo. Đây là dạng trá hình nguy hiểm cho hoạt động báo chí - xuất bản và đời sống xã hội. Nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ, để những trang này tung tin sai sự thật, tin giả… gây hoang mang dư luận, rối loạn xã hội hoặc gây thiệt hại kinh tế cho nhóm đối tượng nào đó thì hoàn toàn không ổn. Mà chuyện này đã từng xảy ra vài lần rồi…

+ Trên thực tế, được biết báo Người Lao Động thời gian qua cũng là “nạn nhân” của các trang thông tin điện tử tổng hợp kiểu này. Xung quanh vấn đề này, Ban Biên tập đã có những động thái gì, thưa ông?

- Tin nóng, tin độc quyền hay những bài điều tra riêng của báo Người Lao Động mấy năm qua cũng chịu tình trạng bị sao chép vô tội vạ. Họ sao chép rất nhanh, như thể canh sẵn, chờ hiển thị là “copy & paste”! Như trên đã nói, không ít website có kiểu làm việc rất coi thường đồng nghiệp. Họ lấy tin, bài hay của chúng tôi mà không thèm xin phép, không dẫn nguồn hoặc để nguồn rất mờ và nhỏ; có trường hợp họ dùng chính tin, bài của chúng tôi để gây sức ép với đối tượng bị phản ánh trong tin, bài đó. Chúng tôi đa số tự phát hiện và chủ động liên hệ yêu cầu họ xử lý đúng Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ. Một phần cũng nhờ bạn đọc thân thiết và đồng nghiệp phát hiện và báo chúng tôi biết. Ngay sau đó, chúng tôi có văn bản gửi đến họ, cảnh báo và yêu cầu tuân thủ pháp luật. Những trường hợp “quá đáng” thì chúng tôi báo cáo lên cơ quan bên trên bằng văn bản, đề nghị xử lý.

Gần 10 năm nay, bên cạnh dòng cảnh báo về bản quyền trên trang chủ, chúng tôi thực hiện phương thức hợp tác khai thác tin, bài với nhiều báo điện tử, trang tin, website địa phương, bộ, ngành qua con đường trao đổi công văn. Báo Người Lao Động sẵn sàng cho các báo đồng nghiệp hoặc các website chính danh, hợp pháp khai thác thông tin nhưng phải có văn bản gửi đến chúng tôi và được chúng tôi đồng ý bằng văn bản, theo thời hạn, thường là trong 01 năm. Những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có văn bản đề nghị và được sự đồng ý của chúng tôi bằng văn bản thì mới được phép khai thác lại tin, bài từ báo Người Lao Động (nhưng không được quyền thay đổi nội dung, sửa tít...), ngược lại tức là vi phạm bản quyền.

Cần đến bàn tay can thiệp của các cơ quan hữu trách

+ Thiết nghĩ, đã đến lúc sự lên tiếng từ phía các cơ quan báo chí phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Các lãnh đạo báo chí nên có văn bản chính thức gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương để sửa điều bất hợp lý này. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

- Chúng tôi đã lên tiếng về tình trạng này tại nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, diễn đàn… Đồng nghiệp - báo Pháp Luật TP.HCM - cũng đã từng tổ chức chuyên đề và chúng tôi cũng tham gia có ý kiến về những bất cập đó. Tất cả bắt nguồn từ quy định pháp lý và cơ chế, cách thức vận hành nó trong quá trình quản lý, điều hành. Thực tế cho thấy bất cập đã lộ rõ, cần sớm sửa đổi quy định pháp lý để chấn chỉnh, phù hợp với định hướng chung về Quy hoạch báo chí theo đề án Trung ương đã phê chuẩn. Theo tôi, các cơ quan báo chí chính danh đã nỗ lực đầu tư tiền của, nhân lực, kỹ thuật, chất xám để bảo đảm thực hiện vai trò nhiệm vụ, bám sát tôn chỉ mục đích, đồng thời nâng chất lượng nội dung để cạnh tranh, thì nỗ lực đó cần được tôn trọng và bảo vệ. Khi chúng tôi chưa thể “tự vệ” toàn diện được thì rất cần đến bàn tay can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. “Cây gậy” pháp lý đang nằm trong tay những cơ quan này, thừa sức sử dụng nó để chấn chỉnh, làm trong sạch tình hình.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo: An Vinh/ Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Thước ngắm về trách nhiệm (31/12/2019-21:51)
  • Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh và câu chuyện "Thời của tạp chí" (30/12/2019-16:33)
  • Nhà báo Lục Hương Thu – Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Lào Cai: “Vị ngọt” của nghề là được cống hiến cho vùng đất mình đang sống (27/12/2019-15:21)
  • Nỗ lực bồi dưỡng đào tạo bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại (26/12/2019-14:56)
  • Báo chí cũng là nạn nhân của tin giả (25/12/2019-19:31)
  • Phóng viên ảnh Tuấn Mark và những “khoảnh khắc đáng giá” (25/12/2019-18:54)
  • Giao diện mới Báo điện tử Xây dựng: Công cụ hữu hiệu trong tuyên truyền chính sách của Ngành (23/12/2019-12:47)
  • Nữ phóng viên Nhật Bản giành lại công lý sau 2 năm đấu tranh (20/12/2019-14:32)
  • Tin quốc tế đối nội cho truyền hình ở Việt Nam (18/12/2019-16:00)
  • Báo, Tạp chí và tôn chỉ của cơ quan báo chí? (18/12/2019-15:55)