Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn với "cuộc chiến chống giặc nội xâm" đầy cam go trên báo chí (17/01/2020-15:44)
    Trong loạt bài "Thời cuộc và lòng yêu nước", Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã chuyển đến công chúng thông điệp sâu sắc: Yêu nước chính là tạo được bước đột phá từ xây dựng thể chế pháp luật.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn – Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ảnh: Cao Tuân

Tháng 8/2016, từ khi nghỉ chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng biên tập báo Biên phòng về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam với cương vị là Giám đốc Cổng thông tin điện tử của Hội, Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn có thời gian để viết những vấn đề mình vẫn đau đáu suốt nhiều năm qua. Cuộc đời quân ngũ với 43 năm là bộ đội biên phòng, ông luôn trăn trở với công tác tuyên truyền xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia

Hơn thế nữa, trong đời sống chính trị, xã hội còn nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề chống tham nhũng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ... Và có lẽ nhìn thấy những "nhiễu nhương" ấy khiến người làm báo đầy tâm huyết và trách nhiệm như ông phải lên tiếng.

Vậy là, ông bắt đầu xây dựng những tác phẩm về đề tài này để hy vọng góp phần hoá giải những nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đi lên mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó giúp người đọc, cán bộ, đảng viên, công chức nhìn nhận, cảnh tỉnh và phấn đấu hơn nữa.

Ông cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc về những sự kiện thời sự "nóng" với đủ đầy sự hóa giải. Điển hình là 3 tác phẩm đoạt giải cao trong các Giải báo chí về phòng chống tham nhũng, Giải báo chí Búa liềm vàng, Giải báo chí Quốc gia. Đó là tác phẩm "Chống được "chạy" sẽ thành công", 8 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo. Tác phẩm đề cập đến thực trạng về những bất công xã hội, những bất cập, rối loạn kỷ cương do tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…

""Chạy" đang như là một phương thức mua bán sinh lời của ba yếu tố: Quyền - Tiền - Tình, ba yếu tố này cứ đảo chiều, đổi ngôi làm vô hiệu chủ trương, pháp luật về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đang tiếp sức cho cả "giặc nội xâm". Tôi đã nêu ra thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp giải quyết vấn đề này, chủ yếu là sửa đổi công tác cán bộ, phát huy dân chủ của truyền thông cũng như là việc thay đổi thể chế pháp luật", Giám đốc Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam lý giải.

Tác phẩm thứ hai là "Binh pháp chống giặc nội xâm", 5 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo, trong đó khái quát, trang bị cho người đọc nhận thức về cuộc chiến rất phức tạp, rất cam go, khốc liệt, nhưng cũng đầy tính nhân văn này. Có thể nói cuộc chiến chống "giặc nội xâm" nói chung, chống tham nhũng nói riêng không có chiến tuyến rõ ràng. Cùng trong một bộ máy, người không có quyền lực chống người có quyền lực.

Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn với cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy cam go trên báo chí - Ảnh 3.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn chuyên viết chính luận, theo đuổi những đề tài liên quan đến cuộc chiến khốc liệt “chống giặc nội xâm” nhằm bảo vệ sự trường tồn của Đảng và chế độ. Ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, được giải cao trong các giải báo chí danh giá của đất nước.

Muốn chống tham nhũng thành công phải đổi mới toàn diện và triệt để về kinh tế và chính trị. Trong hai vấn đề này, tìm lời giải chính là thay đổi, sửa đổi hệ thống pháp luật, nghĩa là làm mới thể chế hiện nay để bảo vệ Đảng, chính thể, chế độ. Muốn đi đến thắng lợi cuối cùng phải chuẩn bị lực lượng, kiên trì đến cùng, chống tham nhũng từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.

Tác phẩm thứ ba là loạt bài "Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn", 5 kỳ đăng trên báo điện tử Nhà báo & Công luận, tập trung vào góp xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Trong đó, có vấn đề giàu nghèo và câu chuyện lợi ích nhóm; hợp thức hoá dân chủ; thanh lọc, sàng lọc cán bộ đảng viên; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và ngăn chặn quyền lực không chính danh.

Còn ở loạt bài "Thời cuộc và lòng yêu nước" với 5 bài viết, nhà báo Nguyễn Hòa Văn đã tập trung phân tích, nhận định, lý giải các vấn đề về chống tham nhũng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Qua loạt bài "Thời cuộc và lòng yêu nước", ông chỉ ra tác động nguy hiểm của lợi ích nhóm đến đời sống tinh thần xã hội. Ảnh hưởng của lợi ích nhóm không chỉ phân hoá giàu nghèo, làm rối loạn kỷ cương, xói mòn đạo lý, một tác nhân của bệnh giả dối, nguy cơ mất đoàn kết trong Đảng, mà còn làm "vấy bẩn" đời sống tinh thần xã hội. 

Đời sống tinh thần ở đây chính là đời sống tâm linh, đời sống báo chí truyền thông và thái độ đảng viên, người ngoài đảng đối với nghị quyết của Đảng khác trước, cùng với sự lu mờ, thui chột gương sáng của cán bộ, đảng viên... 

Từ tác động của lợi ích nhóm, nhà báo Hòa Văn muốn phân tích sâu và cảnh báo về tâm trạng xã hội, niềm tin của người dân, những sai lầm của xã hội nhận thức về hệ tư tưởng... Đồng thời ông cũng chỉ ra những khuyết tật, yếu kém, hạn chế mà lâu nay vẫn lặp đi lặp lại mà Đảng ta chưa thể khắc phục được.

Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn với cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy cam go trên báo chí - Ảnh 4.
Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm Vàng) lần thứ IV-năm 2019.

"Với 5 bài viết nói trên, tôi muốn chuyển đến công chúng những thông điệp: Yêu nước thì Đảng phải đổi mới phương thức lảnh đạo, đột phá từ sửa đổi, thay đổi một số đạo luật. Ở đây đòi hỏi đội ngũ cán bộ trường cột của nước nhà phải thể hiện lòng yêu nước của mình, chính là tạo được bước đột phá từ xây dựng thể chế pháp luật. Đồng thời đòi hỏi cộng đồng xã hội thể hiện lòng yêu nước trước những hiểm họa của giặc ngoại xâm và nguy hại của "giặc nội xâm"", Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa Liềm Vàng lần thứ tư (năm 2019), loạt bài "Thời cuộc và lòng yêu nước" đã xuất sắc nằm trong số 55/1660 tác phẩm dự thi vào vòng chung khảo.

Tại lễ trao giải diễn ra trang trọng tối 15/1, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), loạt bài nói trên của nhà báo Nguyễn Hòa Văn đã giành giải Khuyến khích.

"Mục đích viết báo là để tuyên truyền. Sức lần tỏa của tác phẩm trong công chúng và sự ghi nhận của Hội đồng giải là những yếu tố chính khích lệ tác giả. Dù là giải khuyến khích nhưng tôi thấy rất vinh dự, nhất là tác phẩm được vinh danh trong thời điểm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng. Tôi rất vui bởi tác phẩm của mình có giá trị cho công chúng. 

Điều đặc biệt, sau khi loạt bài "Thời cuộc và lòng yêu nước" được đăng, được bạn đọc đón nhận với thái độ nhiệt tình, tôi càng vững tin hơn những suy nghĩ và những kiến giải của mình trước thử thách của thời cuộc", Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn tâm sự.

Theo: Cao Tuân/ Giadinh.net.vn

 

 

Các tin khác:
  • Báo chí chính thống không được phép thua (16/01/2020-14:52)
  • “Cây gậy” pháp lý thừa sức làm trong sạch tình hình (14/01/2020-10:24)
  • Thước ngắm về trách nhiệm (31/12/2019-21:51)
  • Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh và câu chuyện "Thời của tạp chí" (30/12/2019-16:33)
  • Nhà báo Lục Hương Thu – Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Lào Cai: “Vị ngọt” của nghề là được cống hiến cho vùng đất mình đang sống (27/12/2019-15:21)
  • Nỗ lực bồi dưỡng đào tạo bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại (26/12/2019-14:56)
  • Báo chí cũng là nạn nhân của tin giả (25/12/2019-19:31)
  • Phóng viên ảnh Tuấn Mark và những “khoảnh khắc đáng giá” (25/12/2019-18:54)
  • Giao diện mới Báo điện tử Xây dựng: Công cụ hữu hiệu trong tuyên truyền chính sách của Ngành (23/12/2019-12:47)
  • Nữ phóng viên Nhật Bản giành lại công lý sau 2 năm đấu tranh (20/12/2019-14:32)