Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Mở đường cho công nghiệp văn hóa (25/07/2020-8:40)
    (NLBTH) - Văn hoá được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Nhưng để văn hóa đóng góp hiệu quả hơn nữa cho nền kinh tế, thì cần phải có những quy định mới hơn mang tính “mở đường”.
Hình ảnh minh họa, từ Internet

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới. Đây là bước nâng tầm, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn dưới những hình thức mới lạ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Thời gian qua chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã được khuyến khích nhằm thu hút nhiều hơn sự đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên bởi nhiều lý do dẫn đến kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Nhiều người cho rằng đầu tư vào văn hóa là đầu tư vào ngành nghề chậm sinh lời, sản phẩm văn hóa là hàng hóa đặc biệt, có độ rủi ro nhất định khiến nhà đầu tư ngại rót vốn. Cùng với đó là những “trói buộc” trong quy định cũng như cách nhìn nhận của một số cấp ủy, chính quyền về đầu tư phát triển văn hóa chưa thật thông thoáng.

“Nút thắt” này khiến chúng ta chưa có nhiều dịch vụ văn hóa hiện đại, tầm cỡ, nhất là những dịch vụ mang tính công nghiệp trong văn hóa được đầu tư từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách.

Ở nhiều quốc gia phát triển luôn có một nền công nghiệp văn hóa phát triển tương xứng, trong đó sự tham gia của khối kinh tế tư nhân là rất lớn.

Để phát triển công nghiệp văn hóa thì vai trò kiến tạo chính sách của Nhà nước là rất quan trọng, vừa đưa ra chiến lược lâu dài vừa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong những vấn đề cụ thể.

Nhằm cụ thể, tháo gỡ thêm một bước vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1805/QĐ-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Mục tiêu mà Bộ đặt ra trong 5 năm là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20%  số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền. Đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh văn hóa “dấn thân” trong lĩnh vực mới mẻ và nhiều thử thách này.

Công nghiệp văn hóa bao gồm nguyên tác âm nhạc, truyền hình, sản xuất phim, xuất bản, các ngành nghề thủ công, thiết kế, kiến trúc, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo và du lịch văn hóa. Các ngành này đều dựa trên tri thức, cần nhiều nhân công, tạo ra việc làm và của cải. Thông qua nuôi dưỡng sự sáng tạo, khuyến khích đổi mới sẽ duy trì tính đa dạng văn hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là điều đã được nhận thức, thời gian qua nhiều cơ sở đào tạo văn hóa đã có sự chủ động nguồn nhân lực, một số doanh nghiệp đang dần tiếp cận.

Điều được chờ đợi là việc ban hành chính sách sẽ cụ thể tới đâu, nhất là việc tổ chức thực thi thế nào, bởi thực hiện đúng và phù hợp sẽ khơi nguồn cảm hứng thu hút đầu tư mạnh hơn tạo đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển thực sự.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Tạo cơ hội rèn luyện cho tuổi trẻ (22/07/2020-9:40)
  • Để quản lý tốt hơn một lĩnh vực có nhiều phức tạp (20/07/2020-9:43)
  • Nơi đáng sống (20/07/2020-9:41)
  • Đừng bị mê hoặc bởi những luận điệu cũ kỹ (17/07/2020-10:37)
  • Đề cao trách nhiệm ứng phó với hỏa hoạn (14/07/2020-23:22)
  • Một đề xuất được nhiều người dân ủng hộ (13/07/2020-10:24)
  • Làm gì với những ngày hè? (11/07/2020-23:02)
  • Phân rõ hơn trách nhiệm (11/07/2020-9:27)
  • Mùa “mưa” điểm số (08/07/2020-23:18)
  • “Cởi trói” để nâng tầm văn hóa đọc (06/07/2020-23:31)