Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Ký ức sau tác phẩm: "Xúc động giây phút gặt mặt con trai lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối” (27/07/2020-14:48)
    Tác phẩm “Xúc động giây phút gặt mặt con trai lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối” của phóng viên Công Đạt - TTXVN vừa được trao giải Top 50 “Khoảnh khắc báo chí” - 2019 do báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Phóng viên Công Đạt - Ban báo ảnh Việt Nam(TTXVN). Ảnh: NVCC

Người phóng viên ảnh làm việc tại một cơ quan báo chí lớn thì tinh thần, tư duy và khả năng tác nghiệp tại hiện trường, luôn là những yếu tố cần thiết để cho ra đời một bức ảnh, nhóm ảnh hay một phóng sự ảnh tốt với đầy đủ thông tin và cách thể hiện mới lạ. Khi nhắc đến tác phẩm “Xúc động giây phút gặt mặt con trai lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối”, phóng viên Công Đạt – Báo ảnh Việt Nam (TTXVN) kể lại:

Với đề tài "Người mẹ dừng điều trị ung thư để sinh con" lần này, bản thân tôi không theo dõi và tác nghiệp từ những ngày đầu tiên (các báo bạn đều đưa tin đầy đủ cả quá trình điều trị, mổ bắt con và đi theo đề tài này một cách xuyên suốt). Tác phẩm phóng sự ảnh "Xúc động giây phút gặp mặt con lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối" đến với tôi cũng khá tình cờ và may mắn.

Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm sáng 13/6/2019, người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối từ chối điều trị để sinh con, chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở Hà Nam) đã thực hiện được ước nguyện một lần gặp con – bé Đỗ Bình An... Khi vừa sinh, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Liên đã mỗi người mỗi ngả. Chị ở lại Bệnh viện K vì đã ung thư vú giai đoạn cuối, rơi vào hôn mê những tưởng không tỉnh lại. Con trai Đỗ Bình An của chị ngay khi lấy ra khỏi bụng mẹ đã phải khẩn cấp đưa lên xe cấp cứu chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương theo dõi.

Chị Nguyễn Thị Liên được đưa từ phòng cách ly bệnh viện K Tân Triều ra xe cứu thương để di chuyển đến bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm con trai. Ảnh: NVCC.
Chị Nguyễn Thị Liên được đưa từ phòng cách ly bệnh viện K Tân Triều ra xe cứu
thương để di chuyển đến bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm con trai. Ảnh: NVCC.

Vào khoảng 20 ngày sau sinh, ngày 13/6 chị đã được đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm con. Lần đầu được nhìn cậu con trai rứt ruột đẻ ra, được ôm con trai bé bỏng vào lòng, hai mắt chị nhòe nước.

Trong ngày gặp mặt đó, tôi may mắn có mặt ghi hình tại Bệnh viện K Tân Triều (các bác sĩ chuẩn bị cho chuyến đi gặp con của người mẹ ung thư), sau đó di chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khi đó, tôi đặc biệt quan tâm đến đề tài này bởi sự xúc động của tình mẫu tử, một kỳ tích của y học Việt Nam, sự bình phục thần kỳ của người mẹ…

Cá nhân tôi khi tác nghiệp luôn đề ra cho mình một nguyên tắc nhất định, luôn phải đảm bảo chất lượng hình ảnh tác phẩm. Và đặc biệt là không để xảy ra một sơ suất nhỏ, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao, an toàn đặt lên hàng đầu.

Trong quá trình thực hiện tác phẩm lần này, khó khăn lớn đối với tôi là về mặt liên hệ, trong đó khó khăn nhất là thời gian sự việc diễn ra quá ngắn, hoàn cảnh lúc đó lại rất đông người (VTV quay cho chương trình Điều ước thứ 7 hôm đó, tôi phải tránh hết sức để không làm ảnh hưởng đến công việc của họ). Chính vì vậy, trong khi thực hiện tác phẩm tôi chưa chau chuốt được khuôn hình, chưa ghi lại được những hình ảnh thực sự ưng ý, thể hiện được sự xúc động của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

Ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Tân Triều - ngồi trên chiếc xe cứu thương chở chị Liên đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.
Ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Tân Triều - ngồi trên chiếc xe cứu thương
chở chị Liên đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng, một thuận lợi không ngoài dự tính, một phần là do may mắn, trong hoàn cảnh diễn ra sự việc ngày hôm đó, tôi được vào tác nghiệp trực tiếp với tư cách là phóng viên ảnh duy nhất, ghi lại những hình ảnh độc quyền của buổi gặp gỡ lần đầu. Về mặt ý tưởng thì tôi không phải đầu tư suy nghĩ nhiều, vì bản thân sự kiện đó đã là một ý tưởng tuyệt vời. Nên tôi chỉ chú trọng vào việc tác nghiệp, phỏng vấn và chụp hình sao cho tốt và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai mẹ con.

Tôi còn nhớ như in hôm đó, để đưa chị Liên đến được Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào khoảng 9h sáng, cả êkip của Bệnh viện K đã thức từ sớm để hội chẩn và chuẩn bị trong sự hồi hộp. Đặc biệt, hôm đó đích thân ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K - ngồi trên chiếc xe cứu thương chở chị Liên đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ trao con cho chị Liên tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.
Bác sĩ trao con cho chị Liên tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.

Vì chặng đường khoảng 10km nên đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện K luôn phải mang kèm theo những trang thiết bị hiện đại nhất là những giây phút hồi hộp, bởi chị Liên vừa trải qua 31 tuần mang thai trong khi đang bị ung thư di căn, cộng với một ca mổ đẻ khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Đặc biệt, để đến được Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở giữa thành phố, nơi có Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, nơi có cậu con trai chị đã mang nặng đẻ đau, là cả một quãng đường rất dài với chị. Khi đó, chỉ có sức mạnh tinh thần mới giúp chị vượt qua. Khung cảnh trong phòng chăm sóc sơ sinh, Trung tâm sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương buổi sáng hôm ấy ai nhìn thấy cũng phải nghẹn lòng.

Hình ảnh người mẹ yếu ớt, đứng vẫn còn run rẩy với cái đầu rụng hết tóc ôm sinh linh bé bỏng trong lòng. Nhìn con cựa quậy trong lòng mẹ, khóc oe oe, chị cũng khóc vì hạnh phúc, vì ước nguyện ôm con đã thực hiện được. Điều ấy vốn giản dị với bất cứ bà mẹ nào, nhưng với chị, đó là sự nỗ lực vượt qua bệnh tật, có những lúc tưởng chừng phải đầu hàng số phận.

Lần đầu tiên chị Liên được ôm bé Bình An vào lòng, sức khỏe của Bình An tiến triển tốt, em đã tăng khoảng 250g so với ngày đầu nhập viện. Ảnh: NVCC.
Lần đầu tiên chị Liên được ôm bé Bình An vào lòng, sức khỏe của Bình An tiến triển tốt,
em đã tăng khoảng 250g so với ngày đầu nhập viện. Ảnh: NVCC.

Điều ý nghĩa hơn hết và hình ảnh ấn tượng nhất lúc này là lần đầu được ôm con kể từ sau khi con lọt lòng, nụ cười hạnh phúc đã nở trên môi người mẹ trẻ. Chị lên xe trở về Bệnh viện K điều trị với một lời dặn dò, cũng như lời hứa với con: “Ở đây, bao giờ mẹ khỏe, mẹ sang”.

Cũng chính từ việc này, được chứng kiến và nhìn nhận một cách chân thực, khách quan nhất, cảm động trước hình ảnh người mẹ ung thư giai đoạn cuối ôm con vào lòng nở nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc, bản thân tôi cũng cảm thấy nghẹn ngào đến rơi lệ, cảm phục trước tình mẫu tử, mà suốt cuộc đời này những đứa con sẽ mãi trân trọng. Dù “tung cánh muôn phương", con vẫn mãi mang theo tình mẫu tử cao đẹp mà mẹ dành cho con.

Gia đình chị Liên quây quần bên nhau tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.
Gia đình chị Liên quây quần bên nhau tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ
sinh ở bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: NVCC.

Thời điểm khi tác phẩm được đăng tải trên báo chí, đã để lại không ít bình luận hay, lượng tương tác tốt trên mạng xã hội. Những bạn trẻ, người lớn tuổi (trung niên) hay những người già đều đưa ra những quan điểm, ý kiến ca ngợi tình mẫu tử. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình một tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả. Tình mẹ ấm áp, bao dung dành cho con hay tình cảm kính trọng yêu quý của những đứa con dành cho mẹ mình cùng bao điều tốt đẹp. Và những người con luôn phải trân trọng và biết ơn những gì cha mẹ đã mang lại cho chúng ta.

Nói đến ý nghĩa khi thực hiện tác phẩm “Xúc động giây phút gặt mặt con trai lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối”, tôi muốn gửi tới độc giả thông điệp. Sự thiêng liêng của tình mẫu tử, từ lúc thập tử nhất sinh, người mẹ đã từ bỏ điều trị để sinh con. Chính từ sự mong mỏi được gặp con mà người mẹ đã bình phục một cách thần kỳ, từ việc chỉ còn ~1% sự sống sau ca mổ bắt con, thì chị đã bình phục rất nhanh để đến ngày có đủ sức khoẻ được gặp con. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn ca ngợi thành tích suất sắc của đội ngũ y, bác sĩ hai bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Với tác phẩm “Xúc động giây phút gặt mặt con trai lần đầu của người mẹ ung thư giai đoạn cuối”, thành công lần này không chỉ là công sức của cá nhân tôi, mà một phần còn là sự may mắn. Do vậy, tôi luôn động viên bản thân phải trau dồi kỹ năng, ý thức và đạo đức trong làm nghề, đặc biệt người phóng viên ảnh muốn tác phẩm mình sản xuất ra thật ấn tượng, hấp dẫn bạn đọc thì phải dấn thân, và ứng biến tốt trước mọi hoàn cảnh.

Theo Đình Trung/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Phòng chống thông tin xấu, độc: Tăng cường sức mạnh của báo chí chính thống (24/07/2020-23:25)
  • Trao giải cuộc thi phóng sự - ký sự và ảnh "Nét đẹp lao động 2020" (24/07/2020-23:21)
  • “Những nhóm phóng viên đi 'đếm tầng' cũng là một dạng lừa đảo” (24/07/2020-23:18)
  • Phát thanh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay (24/07/2020-8:27)
  • VTV Đặc biệt "Đi về miền đất lạnh": Câu chuyện xúc động về đề tài đi tìm mộ đồng đội (22/07/2020-12:10)
  • Nhà báo phải có kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình (22/07/2020-12:07)
  • Kỷ niệm khó quên chuyến công tác dài ở đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ (22/07/2020-11:30)
  • Làm sao để có khoảnh khắc chân thực và nhân văn? (18/07/2020-10:40)
  • “Trở về từ vùng dịch”: Khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào của dân tộc (17/07/2020-10:34)
  • Nhà báo: Anh ở đâu? (17/07/2020-10:32)