Thứ ba, ngày 16/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Sẽ mãi không quên (13/08/2020-8:32)
    Trong lòng tôi trào lên cảm giác bồi hồi, lòng bùi ngùi nhớ về một người lính, người đồng đội, người thầy, người cán bộ lãnh đạo cao cấp thanh cao, bình dị... Hình ảnh cao đẹp ấy, tôi sẽ mãi không bao giờ quên.
Tác giả bài viết và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
trong chuyến thăm Đồng Tháp mùa nước lụt năm 2000

Năm 1969, tôi được nghe danh tiếng lẫy lừng của anh Phiêu – Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 - Quân khu Trị Thiên quyết chiến quyết thắng trong mưa bom, bão đạn chiếm giữ kinh thành Huế suốt 26 ngày đêm trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Nhưng mãi đến ngày 6/1/1979, tôi mới được tận mắt nhìn thấy anh trong thời khắc lịch sử cứu giúp Nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng! Ngày đó anh là Đại tá – Phó Chính ủy Quân Khu 9 cùng Sở Chỉ huy chiến dịch hành tiến, tiến công giải phóng Phnôm-Pênh bị ùn tắc đường trên một đoạn Quốc lộ 3 (Campuchia). Tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Trải qua 5 ngày đột phá từ biên giới, đánh chiếm Ngã 3 Ta Ni. Trung đoàn 2 chuyển sang làm nhiệm vụ dự bị và bảo vệ đoàn cơ giới Sở Chỉ huy chiến dịch trên đường hành tiến về thủ đô Phnôm-Pênh.

Một hạnh phúc và vinh dự lớn của tôi là còn giữ được bút tích của Đại tá Lê Khả Phiêu – Phó Chính ủy Quân khu 9 ký quyết định thăng cấp quân hàm từ Trung úy lên Thượng úy cho tôi vào ngày đầu tháng 1/1979. Và gặp lại anh năm 1992, ngồi cạnh anh trên chiếc chuyên cơ trực thăng để chỉ dẫn đường bay và tháp tùng cùng anh đi chúc xuân, Trung đoàn Bộ binh 9 do Thượng tướng Nguyễn Phương Nam – Phó tổng Tham mưu trưởng làm Trung đoàn trưởng đóng quân ở căn cứ Trần Quốc Toản. Khi đó anh là Thượng tướng – Chủ nhiệm Tổng cục Chánh trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi là Tỉnh đội phó Đồng Tháp. Được tháp tùng cùng anh là diễm phúc cho tôi nhưng là một bất đắc dĩ của Tổ lái trực thăng ấy (do không biết đường bay đến Trung đoàn 9 nên đáp máy bay xuống Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đón tôi lên máy bay chỉ đường đến Trung đoàn 9).

Khoảng cách giữa anh và tôi quá lớn. Về tuổi đời, anh là thế hệ bậc cha chú nhưng tôi rất thích và quen gọi Thủ trưởng bằng anh vì anh là hiện thân mang đậm nét đặc sắc của Bộ đội Cụ Hồ. Về địa vị xã hội, anh trải qua trọng trách tối cao trong Quân đội (Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị) và người đứng đầu của Đảng – Tổng Bí Thư. Còn tôi chỉ là cán bộ ở địa phương nên ít có điều kiện gần anh khi anh còn đương chức. Nhưng chỉ có đôi lần được dự hội nghị, nghe anh phát biểu, tuy thời lượng không nhiều nhưng mỗi lần như vậy rất bổ ích cho tôi như vừa được qua lớp đào tạo thực tiễn cơ bản chính qui. Khi nhắc đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi và nhiều anh em đồng chí chẳng những cùng thời với tôi mà nhiều người là cấp trên của tôi đều cảm phục và ngưỡng mộ tài hùng biện của anh. Vừa khái quát thế giới đương đại rộng lớn sâu sắc, vừa giải đáp thực tiễn, cụ thể, rõ ràng và giải quyết thấu đáo những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra, hòa quyện với phong thái diễn đạt cùng với văn phong đặc sắc, những bài nói chuyện của Lê Khả Phiêu luôn hấp dẫn cuốn hút mọi người chăm chú lắng nghe và muốn tiếp tục được nghe mãi.

Trong tâm thức của tôi, hình tượng nhiệt huyết, quyết liệt của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khắc sâu vào Nghị quyết TW6 lần 2 (khóa 8) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng đòi hỏi của một giai đoạn lịch sử quan trọng trong thời kỳ đổi mới, đưa công cuộc phát triển đất nước tiến lên.

32 năm nhà binh võ biền trận mạc rồi chuyển sang đảm trách Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, rồi Bí thư Tỉnh ủy và gần 10 năm hoàn thành chức trách được giao, có phần quan trọng là nhờ tôi luôn học, siêng đọc và đọc đi đọc lại nhiều lần các bài viết, bài nói chuyện của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, giúp tôi nhuần nhuyễn cách đặt vấn đề, cách đánh giá tình hình, xử lý các tình huống đặt ra theo phong cách học trò nhỏ của cụ Lê Khả Phiêu kính mến, quí trọng và thân tình.

Ngày 3/2/2020, có dịp đi Hà Nội, tôi đã ghé thăm anh. Anh Phiêu vẫn nhớ rõ và hỏi thăm: “Đoàn khỏe không?”. Sau nhiều năm gặp lại mà anh vẫn nhớ rõ lần tôi được tháp tùng cùng anh trên chiếc trực thăng đi thăm, chúc Tết Trung đoàn Bộ binh 9 ở Trần Quốc Toản... Tôi xúc động. Anh vẫn vậy, luôn gần gũi, giản dị mà sâu sắc.

Nay nghe tin anh đã ra đi, trong lòng tôi trào lên cảm giác bồi hồi, lòng bùi ngùi nhớ về một người lính, người đồng đội, người thầy, người cán bộ lãnh đạo cao cấp thanh cao, bình dị... Hình ảnh cao đẹp ấy, tôi sẽ mãi không bao giờ quên.

 

Nguồn:baodongthap

 

Các tin khác:
  • Tổng Biên tập Báo ĐT Tổ quốc giữ chức Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội (06/08/2020-8:17)
  • Tạp chí Giáo dục Thủ đô chính thức dừng hoạt động từ ngày 1/8/2020 (06/08/2020-8:15)
  • Thanh Hóa: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 4/8 (04/08/2020-15:47)
  • Dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” COVID-19 (04/08/2020-15:44)
  • Đài Tiếng nói Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ kết nối Việt Nam với thế giới (31/07/2020-15:52)
  • Lễ kỷ niệm 10 năm ngày xuất bản tạp chí Nhân quyền Việt Nam (31/07/2020-15:48)
  • Báo Lao động Nghệ An dừng xuất bản các số báo in (31/07/2020-15:44)
  • Xử phạt hàng loạt các đối tượng đăng thông tin giả mạo về dịch bệnh Covid-19 (30/07/2020-21:32)
  • Thời báo Văn học Nghệ thuật chính thức ra mắt mỗi 1 kỳ/tuần (30/07/2020-21:30)
  • Phát động cuộc thi viết "Từ trong ký ức" (30/07/2020-15:27)