Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phóng viên tác nghiệp trong lũ dữ: Nêu cao tinh thần dấn thân để cống hiến (15/10/2020-9:18)
    Ở khu vực miền Trung mưa lũ vẫn thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Luôn theo sát diễn biến thời sự, đội ngũ nhà báo, phóng viên ở khu vực này đã không quản ngại gian khổ, đến tận nơi vùng lũ để kịp thời thông tin đến bạn đọc cả nước.
Dù mưa to, lũ lớn đường giao thông đi lại khó khăn, nhưng đội ngũ nhà báo phóng viên vẫn lên đường làm nhiệm vụ.
Qua mỗi lần thử thách người phóng viên lại càng bản lĩnh hơn
Ngày 6/10 vừa qua, do xuất hiện áp thấp trên biển Đông đi vào đất liền ở các tỉnh miền trung đã gây mưa lớn kèm nhiều hình thái thiên tai cực đoan, nguy hiểm. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ nay đến ngày 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to.
Để phục vụ nhu cầu thông tin kịp thời mùa mưa bão, những nhà báo, phóng viên lập tức lên đường. Dù mưa to, lũ lớn đường giao thông bị chia cắt, nhưng để có được những hình ảnh chân thực nhất, phóng viên vẫn đi và có mặt trực tiếp tại hiện trường để tác nghiệp.
Nhà báo Phan Anh, một phóng viên thường trú lâu năm của báo Người Lao Động tại Hà Tĩnh, với hàng chục năm gắn bó với công việc làm báo, anh đã dần quen với những lần tác nghiệp vào dịp mưa, bão, lũ hàng năm ở địa phương. Không chỉ là những bài viết dự báo thời tiết trước khi mưa bão xảy ra, anh còn có những bài chuyên sâu về công tác chuẩn bị, cách ứng phó của người dân.
Trong đợt mưa lũ lần này tại Hà Tĩnh, anh Phan Anh cũng có nhiều tin bài thông tin cập nhật đầy đủ diễn biến và sức ảnh hưởng của mưa lũ. Theo anh: “Tác nghiệp trong mưa bão, công tác chuẩn bị của phóng viên là quan trọng nhất, điều đó giúp vừa đảm bảo an toàn vừa có thông tin sớm nhất về cho cơ quan. Bên cạnh đó, mưa bão xảy ra mình cũng nên chú ý đến những thông tin thiệt hại, đặc biệt là đời sống người dân, khu vực sản xuất nông nghiệp…tất cả đều nên đi thực tế”.
Kể về những lần tác nghiệp mùa mưa bão, anh Phan Anh vẫn nhớ nhất vào năm 2013, đợt bão lũ lịch sử năm đó tràn vào Hà Tĩnh gây thiệt hại rất lớn, trong đó có xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cũng như nhiều xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh này bị cô lập hoàn toàn.
Thời điểm đó, để bạn đọc cả nước có thể nắm bắt được thật nhanh mọi thông tin liên quan đến đời sống người dân vào lúc này, anh đã xin cơ quan lên đường tác nghiệp. Gần cuối giờ chiều anh cùng 4 đồng nghiệp làm ở các báo Thanh Tra, Công lý, Xây dựng...mới nhờ được thuyền chở hàng cứu trợ của tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho đi cùng để tiếp cận bà con xã Phương Mỹ.
“Khoảng cách từ đường mòn Hồ Chí Minh vào trung tâm xã di chuyển bằng thuyền lúc đó tôi ước lượng có lẽ cũng hơn 8 km. Xung quanh chúng tôi chỉ là một màu nước đục ngầu và thấp thoáng những ngọn cây leo lắt trong dòng nước lũ. Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng thuyền chúng tôi đã vào tới trung tâm xã”- nhà báo Phan Anh nhớ lại.
Cả nhóm phóng viên đã ghi lại được nhiều hình ảnh về thiệt hại của đợt lũ, đó là những con sóng vỗ trên những mái nhà, người dân nơi đây chỉ di chuyển bằng thuyền, mọi sinh hoạt cực kỳ khó khăn, nhiều người đã phải ăn mì tôm và lương khô nhiều ngày. Gia súc gia cầm của người dân chết trôi nổi khắp nơi...Sau khi vào tiếp cận lấy thông tin xong, cả đoàn khoảng gần 21 giờ đêm bắt đầu di chuyển để ra về.
Đợt bão lũ lịch sử năm 2013 tràn vào Hà Tĩnh gây thiệt hại rất lớn, trong đó có xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Ảnh Phan Anh

Đợt bão lũ lịch sử năm 2013 tràn vào Hà Tĩnh gây thiệt hại rất lớn, trong đó có xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Ảnh Phan Anh

Anh Phan Anh chia sẻ: Trong đêm tối khi chiếc thuyền sắt đưa tôi cùng 4 đồng nghiệp di chuyển được gần nữa quảng đường, thì bất ngờ chân vịt của chiếc thuyền gặp sự cố, do đâm phải thứ gì đó dưới dòng nước. Mọi người lo lắng, vì lúc này bao quanh chúng tôi chỉ là nước và một màn đêm đặc quánh, không một ánh đèn.
Giữa hoàn cảnh đó, Phan Anh đã trấn an đồng nghiệp bình tĩnh và nói bằng câu bông đùa. “Anh chỉ sợ giờ lật thuyền thì bao nhiêu máy móc thiết bị sẽ bị hỏng vì nước vào thôi, chứ nước thế này anh không sợ”- nghe được câu đó tất cả đoàn cùng cười như để xua tan những suy nghĩ không hay vào lúc đó.
Sau gần một giờ đồng hồ thì sự cố chân vịt cũng đã được các anh bên tỉnh đoàn khắc phục, cả đoàn tiếp tục di chuyển để ra tới đường mòn. Đến khoảng gần 23 giờ trở về tới trung tâm huyện. Anh Phan Anh cho rằng: “Sau chuyến đi đó, mỗi người phóng viên chúng tôi lại có thêm kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng lũ, hiểu hơn về tinh thần sẻ chia với người dân và trên hết phải biết bình tĩnh trước mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra”.
Chia sẻ những khó khăn với đồng bào mùa lũ
Nam phóng viên tác nghiệp ở vùng lũ đã vất vả, với các nữ phóng viên khó khăn càng gấp nhiều lần hơn. Thực tế đã có nhiều nữ nhà báo, phóng viên cũng tích cực tham gia vào hoạt động đưa tin tức trong những đợt lũ. Ngày 20 tháng 9 vừa qua do ảnh hưởng của bão số 5, hơn 8.000 người dân đồng bào Cơ Tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bị cô lập hoàn toàn, có hơn 100 điểm sạt lở bởi mưa to và nước lũ.
Nữ phóng viên C’Lâu Lanh - Đài PTTH Quảng Nam tác nghiệp tại thôn Achoong, xã biên giới Ch'ơm, huyện Tây Giang.
Nữ phóng viên C’Lâu Lanh - Đài PTTH Quảng Nam tác nghiệp tại thôn Achoong, xã biên giới Ch'ơm, huyện Tây Giang.
Nữ phóng viên C’Lâu Lanh - Đài PTTH Quảng Nam khi đó đang tác nghiệp tại thôn Achoong, xã biên giới Ch'ơm, huyện Tây Giang cũng bị mắc kẹt tại đó. Chị cho biết: "Ở xã bị mất điện toàn bộ, sóng điện thoại rất yếu, vì vậy mạng 3G cũng bị ảnh hưởng. Cả xã chỉ có một hộ có máy phát điện, tôi tìm đến để sạc điện thoại nhờ, mọi thứ đều trông chờ vào đó".
Luôn mong muốn gửi tin tức, hình ảnh về cho cơ quan một cách sớm nhất mặc dù điều kiện tác nghiệp thiếu thốn, phóng viên C’Lâu Lanh đã ghi lại những cảnh quay ngắn để gửi về cho cơ quan dựng. Dù hình ảnh không được sắc nét nhưng những thước phim chị gửi về cơ quan và phát trên sóng đài PTTH tỉnh đã cho người dân hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra ở một xã miền núi bị cô lập này.
C’Lâu Lanh tâm sự: “Gần một tuần bị mắc kẹt, điều kiện tác nghiệp thiếu thốn, tôi may mắn quen người dân từ những trước nên chỗ ở được đảm bảo, quá trình tác nghiệp tôi cũng luôn chú ý đến vấn đề an toàn, vì khả năng sạt lở ở miền núi rất dễ xảy ra. Khó khăn nhưng tôi nghĩ đây cũng là cơ hội là trải nghiệm để tôi ghi nhận đời sống người dân nhiều hơn, cùng với họ chia sẻ những khó khăn thiết thiếu hàng ngày”.
Phóng viên C’Lâu Lanh - Đài PTTH Quảng Nam trao gạo cho đồng bào trong đợt lũ diễn ra cuối tháng 9 vừa qua.

Phóng viên C’Lâu Lanh - Đài PTTH Quảng Nam trao gạo cho đồng bào trong đợt lũ diễn ra cuối tháng 9 vừa qua.

Trong nhiều ngày, UBND huyện Tây Giang chưa tiếp cận hỗ trợ được các xã vùng biên giới, chị đã vận động nhiều cá nhân, hộ gia đình có điều kiện tốt hơn hỗ trợ những gia đình đang gặp khó khăn. Thức ăn vẫn là thứ thiết yếu hàng đầu, chị đã kêu gọi hỗ trợ và gửi tới hàng chục hộ dân nghèo đồng bào dân tộc những cân gạo để kịp thời cứu đói.
Thực tế đã cho thấy tác nghiệp ở vùng lũ, ngoài việc đưa thông tin chính xác về thiệt hại nhiều phóng viên luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, sự đoàn kết mỗi lúc khó khăn của dân tộc, tuyên truyền những tấm lòng cao đẹp trong cơn khốn khó.
Việc tác nghiệp ở vùng lũ ở góc độ nào đó cũng giúp nhà báo phóng viên tôi luyện thêm kiến thức kinh nghiệm, vượt qua giới hạn bản thân và trưởng thành hơn. Đội ngũ người làm báo dù ở đâu vẫn luôn khẳng định tinh thần dấn thấn, dám nghĩ dám làm và trên hết là lòng yêu nghề, hoàn thành trách nhiệm với công việc được giao. Họ đã làm tốt công tác xã hội – từ thiện, vì cộng đồng để từ đó khẳng định tốt hơn nữa vị thế, vai trò của đội ngũ những người làm báo hiện nay.
Theo Lê Tâm/Báo Nhà báo và Công luận 

 

Các tin khác:
  • Liên chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam: Phát huy tinh thần Đoàn kết - Sáng tạo - Trách nhiệm (09/10/2020-15:56)
  • Phóng viên có nên xuất hiện trong phóng sự điều tra (08/10/2020-0748)
  • Người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh, có kiến thức và thực sự yêu nghề (06/10/2020-9:02)
  • Câu chuyện cảm động của vợ chồng nhà báo-chiến sỹ TTXVN (05/10/2020-10:29)
  • Nhà báo Dương Đình Tuấn và 20 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên (22/09/2020-19:50)
  • Trao giải thưởng và khai mạc Triển lãm ảnh "Hành trình Di sản 2020" (22/09/2020-19:46)
  • Báo Nam Định lần đầu có nữ Tổng biên tập (20/09/2020-15:01)
  • Nhà báo trước những thách thức thường ngày (20/09/2020-14:58)
  • Thấp thoáng tình đời sau trang viết (18/09/2020-15:40)
  • Báo chí chung tay làm sạch chính mình: Báo chí đi chệch hướng là đánh mất sứ mệnh của mình (17/09/2020-17:45)