Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Luật Báo chí 2016 và vấn đề đặt ra với cơ quan báo chí, người làm báo (22/07/2016-16:35)
    (NLBTH) - Nhiều người làm báo, thậm chí cả cơ quan báo chí thường làm theo thói quen, chỉ đến khi vi phạm hoặc vướng mắc điều gì, mới tìm luật để xem, thì đã muộn. Vấn đề đặt ra, đó là cần thiết soạn thảo, ban hành luật sát với thực tế đời sống, nhưng cần hơn là đối tượng áp dụng phải thực hiện nghiêm theo luật.
Nhà báo cần tôn trọng luật và làm theo luật để Luật Báo chí 2016 thực sự đi vào
cuộc sống. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 gồm 6 chương, 61 điều (trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung). Luật được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 sau 17 lần soạn thảo, chỉnh sửa, vì thế có thể xem là luật mới.

Luật Báo chí Việt Nam được ban hành năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 bổ sung 6 điều, bỏ 1 điều, nâng tổng số lên 36 điều. So với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí 2016 sát với thực tế đời sống báo chí trong nước hơn, sự ràng buộc cao hơn, đặc biệt có nhiều điểm mới đã được hiến định vào luật, trong đó đáng chú ý nhất là chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức cao nhất của người làm báo Việt Nam đã được luật hóa tại Điều 8, để trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức có thể nói khá đặc biệt, vừa hoạt động theo Điều lệ trên cơ sở tự nguyện, vừa phải tuân thủ theo luật với những chế định bắt buộc đã được pháp điển hóa trên cơ sở những nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, liên bộ... Điều đó đồng nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam vừa là hội nghề nghiệp vừa là tổ chức chính trị, có tính hiệu ứng xã hội cao.

Điều 8 Luật Báo chí 2016 cũng quy định rất rõ, cùng với việc thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo theo luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, còn có những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Theo đó, trong 8 nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Vi phạm Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cũng đồng nghĩa với vi phạm Luật Báo chí và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo nếu việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề này tạo ra sự đồng thuận trong công tác quản lý hội viên và nhà báo. Lâu nay có tình trạng hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vi phạm pháp luật bị thu hồi thẻ hành nghề, nhưng lại không bị kỷ luật về mặt hội viên và ngược lại. Với quy định có tính 2 trong 1 này, nếu nhà báo - hội viên Hội Nhà báo vi phạm, Hội Nhà báo Việt Nam  xử lý thu thẻ hội viên trước, Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo sau.

Bên cạnh việc luật hóa những vấn đề liên quan đến Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí 2016 còn có rất nhiều điểm mới, tập trung vào việc: Quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Đồng nghĩa với việc này, không chỉ nhà báo mới có trách nhiệm sáng tạo tác phẩm báo chí, mà công dân cũng có quyền này bên cạnh việc cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí theo Luật Tiếp cận thông tin; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in.

Luật cũng mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí đến các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Luật cũng quy định rõ về việc mở và hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cơ quan báo chí tại địa phương - một điều khá lúng túng trong thực tế quản lý nhà nước về báo chí mà không ít địa phương đang gặp phải. Theo đó, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí giao, chứ không phải lĩnh vực nào, việc gì cũng có thể tham gia.

Trong liên kết trong hoạt động báo chí, các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật.

Về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí, có những điểm mở hơn Luật hiện hành, khi xác định nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí có thể thành lập các đơn vị trực thuộc để huy động các nguồn thu hợp pháp. Cơ quan báo chí tự chủ tài chính từ nguồn thu của mình. Nhà nước không bao cấp mà chỉ đặt hàng cơ quan báo chí thông qua các đề án, chương trình… Đây là vấn đề rất lợi cho cơ quan báo chí vì sẽ chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn kinh phí cho công việc. Việc này đã rất thành công với Báo Kinh tế đô thị - cơ quan của UBND thành phố Hà Nội.

Về quyền tác nghiệp của báo chí, Luật Báo chí 2016 quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Về thông tin trên báo chí, không được quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; không được thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng... Đây là những điểm hết sức quan trọng, bởi lâu nay một số nhà báo thường tìm đủ cách để gây áp lực nhằm có thông tin, dẫn đến việc bất đồng, thậm chí ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự… Hoặc vì những lý do khác nhau đã cố tình thông tin một cách chủ quan, áp đặt hoặc bịa đặt thông tin khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, gây ra sự hỗn loạn thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong việc bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật Báo chí 2016 quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thay cho nghiêm trọng như trước đây. Việc này từng là điểm yếu của một số cơ quan báo chí, người có trách nhiệm ở cơ quan báo chí. Từng có việc, phần vì nể nang, đôi khi vì sức ép, dẫn đến việc làm lộ danh tính của người cung cấp thông tin, khiến làm giảm sút niềm tin của người cung cấp thông tin, của công chúng báo chí đối với cơ quan báo chí.

Trong việc cải chính và xử lý vi phạm trên báo chí: Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí 2016 đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí. Tiêu đề phải ghi rõ là: “Thông tin cải chính, xin lỗi”. Đây là diều mà các cơ quan báo chí thường mắc phải, khi thông tin thì nổi bật, xin lỗi, cải chính thì cố gắng để càng ít người chú ý càng tốt. Thậm chí còn mập mờ là: “Nói lại cho rõ”…

Một vấn đề không mới ở nhiều tòa soạn lần này cũng được cụ thể hơn vào luật, đó là cơ quan báo chí, tác phẩm báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Bởi những lý do khác nhau, từng có tòa soạn, người có trách nhiệm ở cơ quan báo chí đã “cẩn thận” chuyển tác phẩm cho tổ chức, cá nhân xem, cho ý kiến trước khi in, phát sóng. Theo Luật Báo chí 2016, việc làm này là vi phạm, và vô tình cơ quan báo chí đã tước đoạt đi quyền được bảo hộ theo pháp luật của mình.

Có thể nói, so với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí 2016 không chỉ phù hợp hơn với diễn biến đời sống báo chí trong nước, còn có sự ràng buộc, yêu cầu trách nhiệm cao hơn đối với cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí. Trong những năm qua đã có rất nhiều người làm báo, cơ quan báo chí vi phạm và xử lý bởi những lý do hết sức đơn giản là “không nắm rõ” luật trước khi thực hiện. Vấn đề đặt ra là cơ quan báo chí, người làm báo không được hiểu luật một cách đa nghĩa hoặc suy đoán; nghiêm túc chấp hành, đưa luật vào đời sống ở mỗi cơ quan báo chí, cũng như phạm vi trách nhiệm được phân công của nhà báo.

Cùng với Luật Báo chí 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cũng đang được các cấp hội nhà báo tích cực góp ý sửa đổi để phù hợp với luật pháp hiện hành, dự kiến sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thiện, triển khai thực hiện từ đầu năm 2017.

Vũ Tuấn Anh

 (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa)

 

Các tin khác:
  • Luật Báo chí 2016 (22/07/2016-15:34)
  • Triển khai Luật Báo chí 2016 cho lãnh đạo Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí (22/07/2016-15:30)