Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phóng viên truyền hình tác nghiệp mùa lũ: Đằng sau những hình ảnh chân thực là mồ hôi và nước mắt (13/11/2020-11:12)
    Phóng viên của các đài truyền hình trung ương và địa phương luôn theo sát diễn biến các đợt mưa bão, tuyên truyền kịp thời cho người dân biết để phóng tránh. Vượt qua những khó khăn, họ chỉ mong muốn đóng góp phần nào để kịp hỗ trợ những mất mát của người dân trong bão lũ...
 Nhà báo Đỗ Vinh và ê-kíp tác nghiệp trong đợt xảy ra cơn bão số 9 vừa qua.
Chạy đua với thời gian, cập nhật tin tức từng giờ
Nhà báo Đỗ Vinh (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng) được biết đến là phóng viên thời sự. Trong đợt mưa bão vừa qua, nhà báo Đỗ Vinh luôn theo sát tình hình diễn biến của các đợt mưa bão, tuyên truyền kịp thời cho người dân những diễn biến xấu, dự đoán những nguy cơ thiên tai có thể xảy ra. Sau các trận bão là những đợt mưa, kéo theo nhiều vụ sạt lở ở miền núi.
Điển hình như vụ sạt lở núi kinh hoàng, ở xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) ngày 29/10 vừa qua. Nhận được thông tin anh đã nhanh chóng xin cơ quan lên đường, tuy nhiên, khó khăn đầu tiên phát sinh là nhiều đoạn đường giao thông đều bị chia cắt, để tới được thôn xã miền núi này, phải đi qua rất nhiều điểm sạt lở và phần lớn quãng đường phải đi bộ.
Vì nguy cơ sạt lở vẫn rất cao, ở bất kỳ đâu nên trong quá trình di chuyển vào Trà Leng anh luôn tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Bám theo lực lượng cứu hộ khi họ đang tìm đường tiếp cận nhanh nhất đến hiện trường, sớm giải cứu những người còn sống sót.
Khi tới được thôn 1 xã Trà Lengnhà báo Đỗ Vinh kể: “Tôi đã nhiều năm đi làm ở miền núi, gắn với dải đất miền Trung, nhưng chưa bao giờ tôi trải qua một cảm giác kinh hoàng, đau đớn và tang thương như vậy, nhiều gia đình mất nhà, mất hầu hết người thân và nhiều gia đình vẫn chưa thể tìm thấy được thi thể”.
Luôn chia sẻ và đồng cảm với những mất mát của người dân, anh Đỗ Vinh mong muốn thông tin kịp thời tình hình diễn biến công tác tìm kiếm, để tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng. Vì là đài truyền hình quốc gia, mỗi giờ sẽ có một bản tin thời sự nên bằng mọi cách phóng viên phải truyền tin về, đặc biệt là những thông tin quan trọng như sạt lở.
Nhà báo Đỗ Vinh tác nghiệp tại điển sạt lở núi kinh hoàng, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nhà báo Đỗ Vinh tác nghiệp tại điển sạt lở núi kinh hoàng, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Anh Đỗ Vinh cho biết: “Sau khi ghi nhận thực tế tình hình, chúng tôi phải hoàn thiện nội dung hình ảnh để truyền về cơ quan sớm nhất, một là truyền qua hệ thống nội bộ của Đài THVN. Nhưng khó khăn là việc truyền dẫn này cần sóng 3G mà nhiều nơi không có sóng 3G. Cách duy nhất của chúng tôi là gọi điện, trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại, làm sao tất cả thông tin đều đầy đủ và mang tính thời sự gửi đến khán giả”.
Phải chạy đua với thời gian, cập nhật tin tức, anh đã viết ngay nội dung lời thoại trên điện thoại, thậm chí là dựng ngay hình ảnh trên xe khi di chuyển đến nơi có sóng, tất cả khó khăn đều được khắc phục. Theo anh Vinh: “Truyền hình có những ưu thế hơn các báo về hình ảnh sống động, nhưng nếu như có được thông tin hình ảnh đó không phát sóng sớm, kịp thời thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra”.
Trong các phóng sự được phát sóng trong lần này anh đều dẫn trực tiếp từ hiện trường, phỏng vấn những nhân vật bị chịu ảnh hưởng. Tất cả họ nói cảm xúc từ nội tâm của mình về những gì đã diễn ra, điều này đã đem lại nhiều cảm xúc đến người xem truyền hình.
Trong quá trình tác nghiệp anh luôn động viên, hỗ trợ kịp thời cho bà con vượt qua đau thương mất mát.
Trong quá trình tác nghiệp anh luôn động viên, hỗ trợ kịp thời cho bà con vượt qua đau thương mất mát.
Hình ảnh những phóng viên mắt đỏ hoe dẫn các bản tin thời sự thi thoảng xuất hiện trên các bản tin trực tiếp. Và điều này cũng dễ hiểu khi tác nghiệp trong không gian tang thương như vậy, bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng đều có thể mủi lòng. Theo anh Vinh: “Khi phỏng vấn tôi cũng phải kìm nén cảm xúc của mình, không để cảm xúc chi phối mà ảnh hưởng tới những câu hỏi phỏng vấn. Vào trong khung cảnh đó, những người phóng viên dù có kỳ cựu cũng vẫn đau lòng vì cả ngôi làng vốn bình yên giờ phủ màu tang tóc”.
Chung tay, sẻ chia với người dân vùng lũ
Giống với nhà báo Đỗ Vinh, nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam trong đợt mưa lũ này anh cũng tích cực bám sát cập nhật tình hình thiên tai. Ngày này sang ngày khác, anh di chuyển đến những khu vực bị sạt lở gây ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của nhân dân. Tất cả để truyền tải thông tin, hình ảnh kịp thời tới khán giả.
Trong mưa lũ, quá trình di chuyển đi lại đều gặp rất nhiều khó khăn, từ trung tâm huyện Nam Trà My đến tới các thôn nhiều đoạn đường bị chia cắt, nguy cơ sạt lở tái diễn bất cứ khi nào. Trong quá trình đó, anh đi cùng đồng nghiệp, kịp thời hỗ trợ nhau, tránh những bất trắc có thể xảy ra.
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ tác nghiệp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ tác nghiệp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ cho biết: “Tin tức thời sự cần nhanh chóng, nhưng chúng tôi vẫn luôn đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình di chuyển tác nghiệp. Quần áo ướt, đồ ăn thiếu có thể khắc phục được, nhưng khó khăn nhất là việc truyền dữ liệu hình ảnh về cho cơ quan, vì ở thôn và xã không có điện, thiếu 3G nên chúng tôi buộc phải di chuyển về trung tâm huyện để dựng hình và truyền về cơ quan. Từ huyện xuống thôn 40km và từ thôn trở lại huyện 40km, nhiều ngày chúng tôi di chuyển 80km, trong đó nhiều đoạn đi xe máy và phần lớn phải đi bộ”.
Luôn gắn bó với đồng bào dân tộc, những lúc bình an và cả những khi nguy cấp, trong những ngày này, nhiều nhà báo phóng viên truyền hình vẫn thường xuyên cập nhật tin tức, ghi nhận thêm hình ảnh về cuộc tìm kiếm những người còn mất tích, phản ánh kịp thời cuộc sống của đồng bào sau lũ ở Nam Trà My. Kêu gọi và tuyên truyền những nghĩa cử cao đẹp, lòng tương thân tương ái trong cộng đồng.

Sau nhiều ngày xảy ra vụ sạt lở, một số thôn bản vẫn bị cô lập, một số trường học còn thiếu trang thiết bị, đồ dùng học tập, các anh đã và đang vận động mọi người cùng chung tay góp sức. Tất cả để bà con sớm quay lại cuộc sống bình thường, để những đứa trẻ được cắp sách tới trường, bình yên trở lại... 
 
Theo Lê Hiếu/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” (13/11/2020-11:06)
  • Những nụ cười ... sau bão (11/11/2020-12:02)
  • Phát động giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam" (10/11/2020-14:35)
  • Giải báo chí “Vì an ninh Tổ quốc - bình yên cuộc sống": Các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh đậm nét truyền thống cao quý của lực lượng Công an nhân dân (10/11/2020-16:30)
  • Báo chí Bình Phước: Hành trình vươn tới! (30/10/2020-9:29)
  • Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Giữ ngòi bút ngay thẳng, có dũng khí và thấm đẫm nhân văn (29/10/2020-16:10)
  • Những người làm báo thầm lặng, cống hiến và sẻ chia cùng đồng bào vùng bão lũ (29/10/2020-15:41)
  • Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về cảnh báo diễn biến mưa bão (29/10/2020-8:57)
  • Thanh Hóa: Công tác báo chí đồng hành cùng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (28/10/2020-7:35)
  • Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại: " Đã là tờ báo thì không thể hạn chế tiếp cận thông tin một cách máy móc, cơ học" (24/10/2020-8:45)