Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Nhà báo Thái Bá Dũng: “Tôi vui vì được góp thêm viên đá cho chứng lý Hoàng Sa” (23/06/2021-15:51)
    “Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim” của nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh là loạt bài thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Loạt bài là những câu chuyện, những nhân chứng ở Hoàng Sa, họ đã từng sống và dành cả tuổi thanh xuân cho nơi đây.

 Nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh

Tư liệu sống cho tuyến bài về Hoàng Sa

Loạt bài về Hoàng Sa bắt nguồn từ câu chuyện vận động hiến tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa được Báo Tuổi Trẻ TP.HCM và UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) phát động. Trong quá trình phát động và tiếp nhận, nhà báo Bá Dũng tiếp cận được rất nhiều câu chuyện xúc động từ tấm lòng của người dân cả nước, đặc biệt là giới Kiều bào vốn đang sở hữu nhiều tư liệu từ thời Việt Nam Cộng hòa liên quan đến Hoàng Sa.

Loạt bài “Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim” là những câu chuyện thật, những con người thật được nhà báo Thái Bá Dũng tìm đến tận nơi, khắp mọi vùng miền đất nước. Các nhân vật có thể sinh sống làm việc ở Hoàng Sa và các giai đoạn khác nhau và dù sống ở chế độ nào thì khi nhắc đến Hoàng Sa họ đều có một tình yêu chung đó là hướng về Tổ quốc.

Đọc loạt bài, độc giả không chỉ biết tới những hình ảnh tư liệu, hiện vật quý khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa mà còn được ngược dòng thời gian, biết về những câu chuyện của những người lính ngày đêm canh giữ đảo. Ngoài ra đó còn là những cán bộ khí tượng năm nào cũng đôi ba lần luân phiên thay nhau ra đảo để nắm bắt thông tin thời tiết khí tượng ở Hoàng Sa truyền về đất liền.

 

Bia khẳng định chủ quyền. Ảnh Bá Dũng

Bia khẳng định chủ quyền. Ảnh Bá Dũng

 

Như đã nhiều lần khẳng định trên các phương tiện truyền thông, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong quá trình tìm tư liệu để thực hiện loạt bài về Hoàng Sa, anh Bá Dũng được may mắn đi cùng những cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa, cùng tới thăm các nhân chứng Hoàng Sa. Đây là cơ hội tốt được gặp gỡ người thật việc thật, anh cảm thấy may mắn vì đó là nhân chứng từng sống, họ từng cầm súng trong hải chiến Hoàng Sa tới nay.

Người làm báo nếu viết bài chỉ dựa trên tư liệu tàng thư, giấy bút, hiện vật trưng bày thì sẽ khó viết và người đọc sẽ rất nhàm chán. Việc gặp gỡ các nhân chứng này dù rất khó khi họ sống ở cách xa nhau, vì nhiều lý do mà không thể gặp được, nên chuyến đi lần này đối với nhà báo Thái Bá Dũng thật đặc biệt. Họ là những tư liệu sống.

Sức mạnh về công lý

Mỗi một bài viết trong loạt bài được đăng tải đều nhận được sự hưởng ứng từ độc giả ở mọi miền. Mỗi bài viết, mỗi câu chuyện trong loạt bài như một thước phim đen trắng tua chậm, để bạn đọc có thể theo dõi, nghiền ngẫm. Không chỉ độc giả trong nước mà cả bà con kiều bào ở nước ngoài đều thầm cảm ơn tác giả đã có một loạt bài nói lên chính nỗi niềm của những người con luôn hướng về nơi là một phần máu thịt của đất nước.

 

Một góc trưng bày bằng chứng, tư liệu chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: Bá Dũng.

Một góc trưng bày bằng chứng, tư liệu chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: Bá Dũng.

 

Có rất nhiều nhân vật đặc biệt trong loạt bài, như cựu binh tên là ông Lê Lan, 68 tuổi, người đã trực tiếp cầm súng trên lô cốt ở Hoàng Sa và chứng kiến lính Trung Quốc dùng xuồng nhỏ từ tàu chiến ồ ạt đổ bộ lên chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974.

Khi phỏng vấn, ông Lê Lan luôn mong làm sao nước mình giàu lên, mạnh lên, đầu tư xứng đáng cho quốc phòng để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền. Tôi thấy ông Lê Lan giống như nhiều cựu binh Hoàng Sa đã xúc động tái hiện những gì mình chứng kiến trong từng trang hồi ký, từng mẩu giấy viết tay của mình” - nhà báo Bá Dũng nhớ lại.

 

Không gian Nhà trưng bày Hoàng Sa tại huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Bá Dũng

Không gian Nhà trưng bày Hoàng Sa tại huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Bá Dũng

 

Bằng lòng chân thành, và sức mạnh hướng về công lý, nhà báo Bá Dũng tìm tới các nhân chứng, thăm hỏi họ một cách chân thành, họ như được an ủi. Những điều đó làm nguôi ngoai ký ức, đưa nhiều người từ chỗ tự ti, mặc cảm trở thành những người tích cực giới thiệu, tìm kiếm và đóng góp hiến tặng tư liệu cho Hoàng Sa.

 

Cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa kiểm kê, bảo quản các tư liệu Hoàng Sa. Ảnh: Bá Dũng

Cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa kiểm kê, bảo quản các tư liệu Hoàng Sa. Ảnh: Bá Dũng

 

Trong số nhiều nhân vật anh Bá Dũng phỏng vấn, còn phải kể đến ông Huỳnh Hùng - vốn là Phó Giám đốc nội dung Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Người mà năm 2006, đã thực hiện một bộ phim tài liệu với tên gọi “Nhớ đảo” kể về những người Việt từng sinh sống gắn bó ở Hoàng Sa. Bộ phim được công chiếu trên Đài truyền hình, đã làm thổn thức trái tim hàng triệu dân Việt Nam.

Có thể nói, loạt bài của nhà báo Bá Dũng giống như một hiệu ứng lan truyền trong công chúng, các bài viết được chia sẻ từ người này sang người kia. Nhờ loạt bài, Nhà trưng bày Hoàng Sa rất vui mừng vì đã có rất nhiều tư liệu được gửi đến. Nhưng thành công của loạt bài còn tiến xa hơn, mọi thứ không chỉ là vận động tư liệu cho Hoàng Sa mà quan trọng hơn nó đã truyền tải câu chuyện Hoàng Sa tới đông đảo người Việt hơn, đặc biệt là kiều bào, cộng đồng quốc tế. Loạt bài giúp người Việt đoàn kết hơn, tạo thêm sức mạnh và tin tưởng về công lý lẽ phải, về sự thật, về tấm lòng của người Việt trên toàn cầu.

 

Cựu binh Lê Lan - chứng nhân bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: Bá Dũng

Cựu binh Lê Lan - chứng nhân bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: Bá Dũng

 

Loại bài “Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim” vừa qua được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020 đánh giá cao, không chỉ mang tính thời sự mà còn khơi gợi thêm niềm tự hào của dân tộc. Khẳng định tình yêu nước qua nghìn đời vẫn được hun đúc.

Khi nói về sức lan tỏa của loạt bài, nhà báo Bá Dũng luôn cho rằng: “Với người làm báo, dù một bạn đọc hiểu ra sự thật thôi thì tôi cũng nghĩ rằng đó là sự thành công của mình rồi. Bởi Hoàng Sa nếu luôn trong huyết quản, suy nghĩ mỗi người Việt thì Hoàng Sa sẽ mãi trường tồn. Mỗi bài báo nhắc nhở về Hoàng Sa cũng như một viên gạch, một tư liệu đóng góp thêm cho sự nghiệp đấu tranh đòi lại Hoàng Sa”.

Theo Lê Hiếu/Báo NB&CL

 

Các tin khác:
  • Nhà báo và tình yêu biển đảo (12/06/2021-9:48)
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (12/07/2018-11:21)
  • Chúng tôi đi làm ký sự “Biển, đảo quê Thanh” (01/02/2018-15:21)
  • Những người “trai Sông Mã” bảo vệ biển, đảo Việt Nam (31/01/2018-7:17)
  • Đau đáu Hoàng Sa (20/01/2018-7:40)
  • Trường Sa hôm nay (05/10/2017-23:07)
  • Vĩnh biệt ‘nhà báo của Trường Sa’ Nguyễn Đình Quân (08/09/2017-14:19)
  • Kết hợp quân - dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo (25/08/2017-8:54)
  • Trường Sa - đã gặp, không quên (11/07/2017-8:51)
  • Tác nghiệp nơi đảo xa (11/07/2017-8:43)