Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng (báo Tiền phong): Mỗi phóng viên là một người lính (13/09/2021-19:52)
    Theo nhà báo Hoàng Mạnh Thắng, nghề phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch giống như người lính ra trận, xác định có thể sẽ bị thương và chấp nhận điều đó. Người lính chưa ra trận đã nghĩ tới mình sợ mệt, đói, … sẽ khó vượt qua những thử thách để hoàn thành được công việc của mình.

 Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng trong lần tác nghiệp thực hiện tác phẩm "Bên trong bệnh viện dã chiến 500 giường chuẩn bị đưa vào hoạt động tại Hà Nội". Ảnh: NVCC

Mỗi lần tác nghiệp là mỗi cung bậc cảm xúc được trải qua

Sau gần hai năm kể từ ngày phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cho đến tình hình dịch phức tạp hiện nay, rất nhiều phóng viên thời sự ở mọi miền đất nước vẫn đang ngày đêm tác nghiệp nơi tâm dịch, đến những điểm nóng của tuyến đầu, hàng ngày hàng giờ cập nhật tin tức nóng hổi và kịp thời đến khán giả.

Để đảm bảo an toàn, nhiều phóng viên nhà báo lựa chọn làm việc online, qua điện thoại, videocall… hạn chế tiếp xúc. Bên cạnh đó, vẫn có đội ngũ làm tin tức thời sự, để có hình ảnh chân thật nhất, họ vẫn âm thầm tìm cách cố gắng khắc phục khó khăn, nguy hiểm trong tác nghiệp để đem tới cho khán giả những thông tin, hình ảnh hữu ích.

Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng - Báo Tiền phong cho biết: Mọi khó khăn trong mùa dịch sẽ được giải quyết khi phóng viên hiểu rõ và tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch. Điều quan trọng nhất phóng viên tham gia tác nghiệp là an toàn, không nên để mình trở thành nguồn lây nhiễm. Việc liên hệ với các đơn vị y tế hay đến khu vực có F0, F1, bản thân người phóng viên phải biết tự trang bị các biện pháp phòng bệnh cho mình, biết rõ nguồn lây, cố gắng tránh các nguy cơ... để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa giảm thiểu rùi ro cho chính mình.

Bắt đầu tháng 2 năm 2020, tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện, thời điểm đó cảm giác trong nhiều người khi ấy chính là sợ hãi. Hàng chục nghìn nhân khẩu của xã Sơn Lôi "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thời điểm mà nhắc đến từ “phong tỏa” ai cũng lo lắng. Nhưng nắm bắt tin tức thời sự cho một sự kiện nhiều người quan tâm là điều quan trọng nhất nên anh Thắng và nhiều đồng nghiệp lại lên đường tìm về xã. Bước vào vùng phong tỏa cách ly y tế tác nghiệp, anh được cán bộ y tế hướng dẫn, hiểu về các bước thực hiện an toàn, biết những nguồn lây nên yên tâm tác nghiệp.

Từ thời điểm đó đến nay, nhiều điểm nóng, nhiều chuyến tác nghiệp, bất kể ngày hay đêm, cứ liên quan đến dịch bệnh anh đều có mặt để ghi hình, truyền tải thông tin chân thực cũng như nhanh nhất đến đọc giả.

Trong thời buổi cạnh tranh thông tin, ngoài vấn đề làm được tin bài nhanh, chính xác thì người phóng viên cũng cần tự đào sâu, tìm tòi khám phá, mở rộng những vấn đề, làm mới lạ hấp dẫn những đề tài cũ.

Tháng 4 năm 2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu nóng lên tại Hà Nội, Hoàng Mạnh Thắng tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Đây là nơi duy nhất ở Hà Nội điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Mặc quần áo bảo hộ từ đầu giờ sáng đến trưa, lần đầu tiên anh biết thế nào là nơi nguy hiểm nhất của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.

Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng chia sẻ: “Thời điểm đó ít bạn đọc biết công việc, những gì bên trong nơi cách ly đặc biệt đó nên tôi mong muốn có tác phẩm nêu lên những vất vả, nguy hiểm của các y bác sỹ nơi tâm dịch, muốn có hình ảnh đẹp thì không thể đứng ngoài để quay chụp được, phải đầu tư thời gian, tìm hiểu vấn đề mới có được những tác phẩm mang bản sắc riêng”.

Theo anh những tác phẩm để gây được xúc động nghĩa là phải dành thời gian cho nó nhiều hơn. Phải gần gũi với mọi thứ, từ bệnh nhân, đến những khó khăn nguy hiểm của các y bác sỹ, có như vậy hình ảnh mới chân thật, nhiều cảm xúc, không cứng nhắc.

 

nha bao hoang manh thang bao tien phong moi phong vien la mot nguoi linh hinh 2

Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng - Báo Tiền Phong mặc kín mít tác nghiệp tại ngõ 68, phố Đội Cấn, khi một đoạn phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội bị phong tỏa vì liên quan 16 ca COVID-19. Ảnh: NVCC

Hành trình tác nghiệp đã hơn 1 năm liên quan đến Covid-19 mà diễn biến dịch vẫn còn phức tạp. Cuối năm 2020, những ngày anh tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương vào đúng dịp tết Nguyên đán. Khi tất cả mọi người tất bật để chuẩn bị cho ngày Tết thì cũng là thời gian anh bắt đầu đi cách ly, không ăn Tết ở nhà. 

Mỗi lần tác nghiệp đối với anh là những kỷ niệm, nhiều cung bậc cảm xúc và thêm yêu công việc của mình hơn. Trong đó, bộ ảnh đầu tiên về việc phong tỏa thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) được nhiều người đón đọc. Nỗ lực được đền đáp là chỉ trong vòng 24h phóng sự ảnh được đăng đã có khoảng 1,5 triệu lượt xem. Và trong suốt hành trình sau này, mỗi một tin bài được bạn đọc đón đợi, đó là niềm vui là động lực trong suốt hành trình tác nghiệp đầy thử thách của người phóng viên.

Là người lính xác định có thể bị thương khi ra trận

Chủng virus gây bệnh COVID-19 đã biến đổi nhiều lần, lây truyền dễ dàng hơn, gây bệnh nặng hơn, thậm chí nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Tác nghiệp từ những ca nhiễm đầu tiên đến bây giờ, trong đợt dịch lần này anh có phần cẩn trọng hơn, vì biến chủng virus này nguy hiểm hơn rất nhiều so với đợt đầu tiên. Từ F1 trở thành F0 rất nhanh.

Đã từng tác nghiệp trong bão lũ nhiều ngày, có những ngày đi dưới trời mưa giông tầm tã hay ra đường tác nghiệp trong những ngày nắng cháy da,… nhưng lần tác nghiệp với dịch bệnh có thử thách hoàn toàn khác. Đó là kẻ thù vô hình, một loạt bệnh nhân khi nhiễm không có triệu chứng ban đầu, chỉ đi test mới biết được, đến khi phát bệnh người bị nhiễm đã nặng và khó can thiệp hơn. Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng vẫn thường nói với bạn bè và người thân trên mạng xã hội, rằng không có việc cần thiết thì tốt hơn nhất là nên ở nhà.

Nhưng đối với phóng viên nếu có tâm lý sợ hãi quá, luôn băn khoăn thì không thể lên đường đi tác nghiệp được. Vì vậy anh luôn cố gắng làm sao tuân thủ các biện pháp phòng dịch, để phòng tránh, cảnh giác cao độ nhất có thể.

Những ngày cuối tháng tháng 8 vừa qua, khi biết thông tin 7h tối quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ tổ chức đưa nhiều F1 đi cách ly tập trung, không kịp thời gian dùng bữa tối, anh lập tức chuẩn bị đồ nghề lên đường tác nghiệp.

 

nha bao hoang manh thang bao tien phong moi phong vien la mot nguoi linh hinh 3

Hình ảnh di dời người dân khỏi "ổ dịch" Thanh Xuân Trung sau chỉ đạo của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Phóng sự ảnh và video “Hà Nội đưa hàng chục F1 ở “ổ dịch” Thanh Xuân Trung đi cách ly tập trung ngay trong đêm” được anh sản xuất ngay tối hôm đó. Công việc của anh chỉ kết thúc và bữa tối bắt đầu khi đã hơn 11h đêm.

Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng chia sẻ: "Tác nghiệp mùa dịch, ngoài hình ảnh các y bác sỹ, hình ảnh tôi ấn tượng nhất vẫn là những đứa trẻ được đưa đi cách ly, mặc trên mình đồ bảo hộ của người lớn. Nhìn mặt các bé ngây thơ, chưa cảm nhận được đi cách ly là gì. Chỉ để lộ hai đôi mắt trò xoe, như không biết đang xảy ra chuyện gì. Nhiều bé vẫn còn được bế trên tay mẹ, hay người lớn ẵm lên xe đi vội vã trong đêm".

Tuyên truyền từ những ngày đầu khi xảy ra dịch, anh luôn hiểu rằng ngoài sự nỗ lực ngày đêm của các y bác sỹ vẫn còn nhiều con người, số phận, hoàn cảnh cũng đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho cuộc chiến này để tôn thêm nét đẹp lao động chân thực trong mùa dịch. Như lực lượng ở các chốt phòng dịch ở cửa ngõ thành phố, hay công an phường; tổ tự quản tại các tổ dân phố, hay những về công nhân xung phong vào dọn rác trong các khu cách ly, phong tỏa.

Vừa qua khi biết đến thông tin những công nhân xây dựng bị kẹt lại trong thời gian cách ly xã hội không về được quê. 22 người thợ ở trong 1 căn phòng khoảng 20m2, là đồng bào dân tộc, không nói rõ tiếng Kinh được anh ghi lại trong phóng sự của mình, ngay sau đó cả nhóm được hỗ trợ kịp thời bằng những tấm lòng của nhà hảo tâm.

Dịch bệnh luôn là đề tài được bạn đọc quan tâm, trở thành món ăn tinh thần trong những ngày giãn cách. Khi mà nhiều người phần lớn thời gian ở nhà, thì suốt thời gian qua anh tập trung cho công việc, cho mỗi chùm ảnh, video clip thời sự. Anh may mắn có người vợ và cũng là đồng nghiệp luôn thấu hiểu, quan tâm, kề vai sát cánh lo lắng phía “hậu phương”.

Theo anh Hoàng Mạnh Thắng: Người phóng viên ảnh như người lính chiến, không câu nệ về thời gian, thời tiết hay vấn đề ăn uống, mọi thứ đều được điều chỉnh để phù hợp với công việc thời sự, sẵn sàng có mặt ở bất cứ nơi nào, ở đâu. 

Thực tế đã chứng minh, tin ảnh, video cần nhất là cung cấp cho độc giả khi họ cần, nắng nóng mọi người ở nhà, bật điều hòa thì phóng viên ảnh phải ra đường, gửi thông tin về độc giả mới biết được thực tế những gì bên ngoài kia. Những lúc giao thừa nếu nghỉ thì khó có ai đăng tải, truyền tải được hình ảnh, không khí lúc giao thừa…

“Lúc mình đã say mê thì cảm giác đói mệt sẽ tiêu tan. Phóng viên như người lính, ra trận xác định có thể bị thương. Còn nếu chưa ra trận đã nghĩ tới cơ thể mình sẽ mệt, ốm thì làm sao có thể đi đến kết quả cuối cùng? Tâm lý và thái độ làm việc sẽ chi phối rất nhiều. Đối với các bạn trẻ mới làm báo, các bạn có sức khỏe, thời gian và nhiệt huyết để cố gắng. Hãy tận dụng thời gian này để bản thân không ngừng trưởng thành hơn. Cá nhân tôi luôn luôn cố gắng để mình trở thành một người “thợ” lành nghề”- nhà báo Hoàng Mạnh Thắng tâm sự.

Giống như nhiều đồng nghiệp tác nghiệp trong tâm dịch, nhà báo Hoàng Mạnh Thắng đã có nhiều trải nhiệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình. Cùng với lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, anh đang hòa mình vào mọi góc cạnh của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh.

Bao nhiêu cung bậc cảm xúc mà người phóng viên trải qua cũng là bấy nhiêu câu chuyện mà những người làm báo có thể truyền tải đến độc giả, tiếp thêm niềm tin và nghị lực để cùng bước qua đại dịch.

Theo Nguyên Phong/Báo NB&CL

 

Các tin khác:
  • Hội Nhà báo phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số (10/09/2021-8:13)
  • VTV sở hữu bản quyền truyền thông và là đơn vị phát sóng chính thức VCK FIFA Futsal World Cup (10/09/2021-8:01)
  • Tích cực tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch (07/09/2021-18:28)
  • 'Xong hết mọi việc, trở về nhà một mình mới có cảm giác sợ' (07/09/2021-9:42)
  • Đảo Trường Sa và Sinh Tồn bắt sóng thành công Đài phát sóng Nam Trung Bộ với tần số mới (03/09/2021-8:58)
  • Lợi dụng danh nghĩa nhà báo, 2 bị can bị khởi tố (03/09/2021-8:53)
  • Tính hữu dụng của báo chí dữ liệu và đồ họa trong thời kỳ Covid-19 (03/09/2021-8:49)
  • Chuyện vượt “sóng gió” của phóng viên thường trú ở tâm dịch (03/09/2021-8:44)
  • Cẩm nang điện tử phòng chống dịch Covid-19 - website cung cấp các tài liệu, dữ liệu trực tuyến (01/09/2021-8:03)
  • Hàng chục phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam xung phong lên đường vào tâm dịch phía Nam công tác (01/09/2021-7:59)