Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)
    Học và làm theo Bác, ngư dân tỉnh Thanh từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn hùng binh vươn khơi bám biển, vừa mưu sinh vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương…

Biển là nhà

Đã hơn hai mươi năm gắn bó với công việc đánh bắt cá trên biển với biết bao nhiêu gian khổ, sóng gió lênh đênh, nhưng ông Nguyễn Mười (xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia) chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề để làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. “Công việc này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui, sự gắn bó với anh em, bạn bè nghề biển. Vươn khơi bám biển còn là niềm tự hào khi được sống trên vùng biển quê hương”, lão ngư Nguyễn Mười bộc bạch.

Còn với lão ngư Phạm Gia Thanh (phường Quảng Tiến, T.X Sầm Sơn), với bề dày hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, ông đã vinh dự được Bộ TN&MT vinh danh và trao tặng giải thưởng “Vì biển xanh quê hương”. Là ngư dân duy nhất của tỉnh Thanh Hóa được nhận giải thưởng này, nhưng khi nói về thành tích của mình, lão ngư khiêm tốn cho biết: “Với tôi biển là nhà. Cuộc sống của gia đình tôi gắn liền với biển, nên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ “nhà” của mình”.

Với những trăn trở làm giàu và vươn ra biển lớn, ông đã không chịu dừng bước trước những khó khăn. Là thành viên của mô hình khai thác kinh tế biển của HTX Thành Lập (phường Quảng Tiến), đến năm 1992 HTX giải tán, ông đã mạnh dạn đầu tư tàu với công suất 33CV và trong những năm tiếp theo ông đã liên tiếp đóng mới những con tàu có công suất lớn để có thể vươn ra các ngư trường tiềm năng.

Ông cho biết vào thời điểm năm 1993 đến năm 1997 trong khi các ngư dân chỉ có những con tàu công suất nhỏ, thì ông đã đầu tư và có 3 con tàu với tổng công suất lên tới 132CV. Nhiều người nghĩ là ông sẽ dừng lại phát triển kinh tế với 3 con tàu của mình, nhưng đến năm 1999 ông đã thanh lý 3 con tàu này và đầu tư đóng mới một tàu vây với số vốn 700 triệu đồng; năm 2002 ông đóng tiếp một con tàu trị giá 1 tỷ đồng.

Những năm sau đó do ông biết vận dụng những phương pháp đánh bắt hiệu quả, nên năng suất và sản lượng thủy sản không ngừng nâng cao. Đặc biệt hơn, năm 2012 bằng ý chí và lòng yêu nghề của một ngư dân lâu năm bám biển, ông đã đầu tư đóng 2 con tàu với công suất 1.000CV/ 1 tàu và trong năm 2013 ông đã tiếp tục đóng thêm 2 chiếc tàu vây với tổng công suất 900CV.

Không chỉ đơn thuần là những con tàu khai thác, năm 2010 đôi tàu khai thác của ông đã được BCH Quân sự tỉnh Thanh Hóa đăng ký tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Ngoài việc khai thác trên các ngư trường, các phương tiện của ông còn làm nhiệm vụ thông tin cho các đài duyên hải, Bộ đội Biên phòng tỉnh về tình hình an ninh trên biển.

“Cột mốc sống” của Tổ quốc

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy khi khai thác trên các vùng biển nhưng ngư dân tỉnh Thanh vẫn quyết một lòng bám biển quê hương, theo lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề biển, trên phương tiện của lão ngư Hoàng Văn Cường (xã Quảng Nham, Quảng Xương) chưa từng thiếu đi hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng. Ông chia sẻ: “Trước mỗi chuyến ra khơi bên cạnh chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, tôi luôn kiểm tra lại lá cờ Tổ quốc được treo ở nóc thuyền, thấy cờ tung bay là phương tiện chúng tôi yên tâm xuất phát cho một cuộc hành trình bám biển”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau mỗi chuyến ra khơi thắng lợi, các ông chủ phương tiện sẽ mua một lá cờ Tổ quốc mới và được treo ở vị trí cao nhất trên tàu để thể hiện sự biết ơn đối với Tổ quốc đã giúp phương tiện có được “lộc biển” lớn và lá cờ sẽ được ngư dân kéo cao trước mỗi chuyến ra khơi. Điều đấy đã trở thành một nét đẹp truyền thống của ngư dân vùng biển và được các thế hệ ngư dân tiếp nối thực hiện.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đồng bằng là nhà mà biển là cửa…”, các ngư dân chân chất, mộc mạc mà dũng cảm, ngày ngày noi theo tấm gương của Bác, học và làm theo Bác trong từng hành động nhỏ, tạo nên phong trào thi đua trong sản xuất và một lòng quyết tâm bám biển như là “cột mốc sống” chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Báo VHĐS

 

 

Các tin khác: