Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-17:01)
    Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí chính là tính trung thực, thông tin chính xác. Ngòi bút và nhà báo dù ở đâu vẫn đều có trách nhiệm cao cả nhất là góp phần phục vụ mưu cầu hạnh phúc chân chính của con người.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trả lời báo chí tại Hội nghị
tổng kết 10 năm Giải Báo chí Quốc gia, ngày 14/7/2016. Ảnh: PV

Nhà báo là một danh xưng rất đáng trân trọng và là sự trao truyền thiêng liêng quý giá. Chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng chính trực, nhân văn, được xây đắp bằng những người làm báo trung thực, đầy trách nhiệm. Một nền báo chí nhân văn tích cực, lành mạnh sẽ có sức mạnh để bảo vệ giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, bảo vệ quyền lợi của đất nước, dân tộc chúng ta, bảo vệ quyền lợi của từng người dân, mà trong đó có quyền cá nhân và đời sống cá nhân được pháp luật bảo hộ.

Sức mạnh chân chính của ngòi bút

Chúng ta biết rằng, luật pháp thì bắt buộc, còn quy định đạo đức nghề nghiệp lại có sự ràng buộc về uy tín, đạo đức và tinh thần. Đạo đức và luật pháp không tách rời nhau, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng chính là góp phần xây dựng đạo đức xã hội. Ngòi bút thiếu đạo đức không thể góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo lại được xã hội quan tâm sâu sắc như hiện nay. Chúng ta không thể chối bỏ một thực tế là trong những năm gần đây, trước những thách thức của thời cuộc, của đời sống xã hội, có một bộ phận những người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực, những đạo đức nghề nghiệp với những biểu hiện ở mức độ khác nhau. Có những hiện tượng hoặc là do vô tình, do non kém năng lực tác nghiệp hoặc là cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây ra những hệ quả đáng tiếc, làm mai một hình ảnh của những người làm báo, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí, vi phạm tính chân thực của báo chí.

Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí chính là tính trung thực, thông tin chính xác. Ngòi bút và nhà báo dù ở đâu vẫn đều có trách nhiệm cao cả nhất là góp phần phục vụ mưu cầu hạnh phúc chân chính của con người. Thông tin sai sự thật dù với mục đích nào, cũng đều không thể biện minh trước lương tri của người cầm bút, niềm tin và cả kỳ vọng của công chúng.

Nhà báo và sự thật là chủ đề không mới, kể từ khi báo chí có mặt trong đời sống xã hội, nhưng đây mãi mãi không phải là vấn đề cũ. Hãy nhìn vào thực trạng báo chí với cuộc sống xã hội ở nhiều nơi trên thế giới có thể dễ dàng thấy được những minh chứng cho điều ấy. Ở nước ta, có không ít hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai bản chất, có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt, vu khống danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tập thể. Những hiện tượng tiêu cực đó trong hoạt động báo chí đang góp phần làm lung lay những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức trong xã hội.

Cần có Quy định đạo đức nghề nghiệp phù hợp

Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hiện hành gồm 9 điều đã được Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam thông qua từ năm 2005. Về cơ bản, những chuẩn mực của đạo đức báo chí vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, sau 11 năm thực hiện, chúng ta thấy tình hình đất nước, xã hội và đời sống báo chí đã có những biến đổi sâu sắc, bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 và những văn bản pháp luật được thông qua gần đây cũng tác động rất mạnh đến sinh hoạt của xã hội và đời sống báo chí. Cùng với đó, trong thời đại thông tin, mạng xã hội lên ngôi cũng tạo cơ hội mới cho báo chí nhưng đồng thời cũng là những thách thức hết sức gay gắt, đáng quan ngại.

Có thể nói, lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) được luật hoá một cách đầy đủ trong Luật Báo chí. Trong 8 nhiệm vụ được quy định cho HNBVN thì có 1 nhiệm vụ rất quan trọng, đó là HNBVN có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Luật Báo chí 2016 còn quy định những nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì bị thu hồi thẻ nhà báo. Như thế là quy định đạo đức nghề nghiệp đã được luật hoá. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung để chúng ta có bộ Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Mỗi hội viên nhà báo đều có trách nhiệm góp ý xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp mới này.

Cho dù dưới định chế của pháp luật hay của quy định đạo đức nghề nghiệp thì báo chí luôn phải hướng đến giá trị nhân văn, vì con người và tôn trọng con người. Tự do báo chí, tự do ngôn luận nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, giám sát xã hội và tăng cường niềm tin vào hệ thống chính trị, góp phần xây dựng hệ giá trị, hướng tới chân, thiện, mỹ.

Báo chí của chúng ta đang đứng trước những thử thách mới rất gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách và người làm báo cần xem như nguyên tắc bắt buộc. Trong “cơn bão” của thời đại số, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng sự năng động, thông thái, trí tuệ. Báo chí chân chính vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn vì độc giả đã quá mệt mỏi với những thông tin hỗn loạn, xô bồ. Những thông tin trí tuệ, thông thái vẫn là nhu cầu cơ bản vượt lên những thông tin giật gân, câu khách. Hiện nay, nhiều nhà báo vẫn kiên định với hướng đi này và tin rằng độc giả sẽ không quay lưng với những cố gắng của chúng ta.

Một nền báo chí chính trực, chiến đấu và nhân văn luôn đứng vững trên nền tảng của pháp luật và đạo đức. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì tính chính trực và nhân văn của báo chí càng cần được đề cao.

Nhà báo Hồ Quang Lợi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:13)
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (28/07/2016-7:15)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (22/07/2016-19:59)
  • Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ trong báo giới (22/07/2016-7:44)
  • Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)
  • Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)