Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc (10/12/2021-8:54)
    Trong khi Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ hoặc vận hành công nghệ do nước ngoài chi phối tiềm ẩn nguy cơ mất chủ quyền an ninh thông tin thì việc “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” thực sự là một yêu cầu cấp bách nhưng cũng đầy thách thức.

 Điều này thực sự có ý nghĩa khi những ngày qua, dư luận đang rất “nóng” với câu chuyện “Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube”.

1. Ngay tại phát biểu khai mạc Hội thảo “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” được tổ chức ngày 8/12/2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nêu rõ: Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - “không gian mạng”. Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.

Không gian mạng giờ đây đã trở thành không gian chiến lược mới, vùng lãnh thổ đặc biệt gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc” - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh. 

Góc nhìn này cũng được Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn chia sẻ: Sự phát triển của internet, mạng xã hội là xu thế khách quan, tất yếu, đã, đang đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng tồn tại những mối đe dọa về an ninh mà rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển luôn đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng, những hành vi phá hoại an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi và tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ hai trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố và 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.

2. Hết sức cấp bách, nhưng đúng như lời Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới, chưa kể, còn là lĩnh vực hoàn toàn mới, phức tạp và nhạy cảm. Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam đối mặt với ngày càng nhiều các hành vi tấn công mạng tinh vi, trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ người dùng hoặc vận hành công nghệ cho Việt Nam đều do phía nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối.

 

bao dam chu quyen quoc gia tren khong gian mang chinh la bao ve chu quyen quoc gia  dan toc hinh 2

 

Khó nhưng không gì là không thể. Nhất là khi việc mất chủ quyền trên không gian mạng đang là nguy cơ hiện hữu. Sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Bộ Công an hay một đội ngũ nhân lực chuyên trách, nòng cốt, am hiểu về lĩnh vực này là những việc rất cần “phải được làm ngay”. “Ngoài thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng “Make in Viet Nam”, chúng ta cũng thành lập các cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh thông tin, an ninh không gian mạng quốc gia trực thuộc Bộ Công an; lực lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không gian mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo đảm an toàn thông tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặt khác, Việt Nam đang chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có năng lực xử lý các sự cố; hình thành các chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” - những giải pháp được Đại tướng Tô Lâm nhắc đến hoàn toàn là những sự gợi mở đáng lưu tâm.

3. Trở lại với câu chuyện đang khiến nhiều người Việt rất bức xúc những ngày qua: “Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube” .

Sau sự việc ồn ã này, trao đổi với báo chí, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định sẽ phối hợp với các bên liên quan để xử lý dứt điểm tình trạng khán giả không được nghe “Quốc ca” khi xem các trận đấu của tuyển Việt Nam.

 

bao dam chu quyen quoc gia tren khong gian mang chinh la bao ve chu quyen quoc gia  dan toc hinh 3

 

Tuy nhiên, với nhiều người, đây hoàn toàn có thể xem là câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”, công tác bản quyền đã không hề được quan tâm đúng mức và hoàn toàn có thể sẽ là không quá lời nếu nói rằng nó còn là câu chuyện vô trách nhiệm trước một tác phẩm âm nhạc mang tầm quốc gia như bản “Quốc ca”. Bởi trước đó, không phải VFF không được chứng kiến những sự cố tiền lệ. Đã có ý kiến cho rằng,  nếu VFF cung cấp và yêu cầu BTC phát bản ghi “Quốc ca” mà Việt Nam đang nắm đầy đủ bản quyền thì sự cố đó hoàn toàn có thể đã không xảy ra.

Bộ VH-TT&DL cũng được cho là không thể không có trách nhiệm trong câu chuyện này. Nhiều người đặt câu hỏi: Một khi “Quốc ca” đã thuộc bản quyền Nhà nước, quốc gia thì tại sao, bấy lâu nay, Bộ VH-TT&DL không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của “Quốc ca”, ở đây, cụ thể là việc hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất bản ghi “Quốc ca” chuẩn nhất làm gốc, để phổ biến trong nước và quốc tế, quy định sử dụng bản ghi này trong tất cả các hoạt động lễ lạt, nghi thức trong, ngoài nước.

Rõ ràng, việc sử dụng bản ghi “Quốc ca” nào và sử dụng ra sao là điều  bấy lâu chưa được bất kỳ một đơn vị liên quan nào quan tâm đúng mức.

Câu chuyện “bảo đảm bản quyền quốc gia trên không gian mạng”, tưởng chừng xa xôi, mà hóa ra, thật gần gụi là bởi vậy.

Theo Hồng Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/bao-dam-chu-quyen-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-chinh-la-bao-ve-chu-quyen-quoc-gia--dan-toc-post171185.html

 

Các tin khác:
  • Không thể lỡ nhịp! (02/12/2021-18:08)
  • Mệnh lệnh vaccine 'made in Vietnam' (30/11/2021-12:29)
  • Cảnh giác cao độ với biến thể mới (27/11/2021-18:14)
  • Văn hóa với nhiệm vụ “soi đường” (24/11/2021-17:27)
  • Kỳ vọng những thông điệp quan trọng và bứt phá về văn hóa (23/11/2021-14:03)
  • “Dọn rác” livestream bẩn để bảo vệ vùng xanh trên không gian mạng (19/11/2021-16:58)
  • Giữ vững thành quả chống dịch (12/11/2021-8:44)
  • Để cuộc sống thực sự 'bình thường mới' (09/11/2021-9:00)
  • Kiếm củi ba năm, đừng thiêu một giờ… (05/11/2021-12:21)
  • 'Vùng cấm' đối với đảng viên (03/11/2021-10:31)