Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Liệu trình phục hồi nào cho nền kinh tế sau đại dịch? (19/12/2021-8:35)
    Năm 2021 với nhiều biến động, ảnh hưởng mọi mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội trước sự bùng phát trở lại và kéo dài, với biến chủng mới nâng cấp nguy hại của đại dịch COVID-19.

Trước những khó khăn đối mặt với nhiều thách thức mới chưa từng có, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ được phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nhiều chuyên gia đều lạc quan vào chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, vì dịch bệnh dù chưa có tiền lệ, nhưng các gói kích thích kinh tế trước đó thì đã có. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài.

Những điểm sáng

Năm 2021, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng thực tế cho thấy thách thức vẫn còn rất nhiều; sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Trong 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức kinh tế khác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, tạo nên bức tranh kinh tế với những gam màu sáng.

Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Trong 11 tháng, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp.

Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý 3/2021, nền kinh tế “chao đảo” vì đại dịch nhưng trong 11 tháng năm 2021 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, phí vận chuyển và logistic tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt tới 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Với những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng năm 2021, phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Dự báo kinh tế quý 4/2021 tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm tăng từ 1,6-2,1%. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, một trong những chương trình trọng tâm của Quốc hội và Chính phủ là bàn thảo để xây dựng và chuẩn bị thông qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn 2022 – 2023.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện nay, một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ và Quốc hội là đưa ra các giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế tái phục hồi, giúp cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trở lại và tạo đà cho sự tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Do thách thức của dịch bệnh COVID-19 đã làm cho tốc độ suy giảm kinh tế trở nên rất rõ, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lỡ nhịp so với nền kinh tế thế giới, chính vì vậy, nhiều giải pháp đã được thảo luận và đưa ra. Nhìn chung, chương trình hỗ trợ phục hồi này tương đối toàn diện, có những chính sách liên quan đến y tế, để có thể giúp cải thiện mạnh mẽ hệ thống y tế hiện nay, giúp Việt Nam chủ động đối phó với đại dịch.

Bên cạnh đó, những chương trình về tài khóa, tiền tệ để kích thích nền kinh tế, trong đó, những nhóm giải pháp tài khóa được chú trọng như: tiếp tục chương trình miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong thời gian tới; chương trình giảm phí; hay liên quan đến tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất qua các ngân hàng thương mại; rồi chương trình hỗ trợ ngành như đổi mới sáng tạo và đặc biệt là chương trình đầu tư về hạ tầng dự kiến có nguồn lực đầu tư tương đối lớn. Một chương trình quan trọng nữa đó là về an sinh xã hội, để bảo đảm cho người lao động, người nghèo như cho vay thông qua các ngân hàng chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội cho công nhân,...

“Chương trình hỗ trợ phục hồi tương đối đầy đủ và toàn diện, còn quy mô như thế nào thì trong tờ trình của Chính phủ đã có phương án và tại Diễn đàn kinh tế mà Quốc hội thảo luận cũng đã có nhiều chuyên gia đưa ra các đề xuất tương đối mạnh mẽ.

Tôi rất lạc quan về việc thông qua gói hỗ trợ lần này. Quốc hội dự kiến cuối tháng 12 tới đây sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt, là phiên họp bất thường thứ ba trong năm để thảo luận 5 nội dung, trong đó có nội dung về chương trình chính sách tiền tệ, tài khoá, nằm trong hỗ trợ phục hồi của Chính phủ trình lên, cùng các chương trình khác quan trọng như sửa 8 luật, tháo gỡ vướng mắc khó khăn hiện nay, giúp đẩy nhanh hơn việc giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và những cản trở mà thực tế đang gặp phải. Đây cũng là một nhiệm kỳ rất đặc biệt sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ cho năm 2022-2023 và thời kỳ tới”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Gói hỗ trợ mạnh nhất là cải cách thể chế

Nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội mới phục hồi trong năm 2022.

Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa COVID-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

lieu trinh phuc hoi nao cho nen kinh te sau dai dich hinh 2

Nhìn chung, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Nguồn lực ngân sách trực tiếp dành cho các gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể không nhiều như kỳ vọng, doanh nghiệp đang trông vào các giải pháp hỗ trợ phi tiền tệ, các giải pháp gỡ cơ chế.

Trong báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất được đặt lên hàng ưu tiên vẫn là “sự hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục”, kể cả trong các trường hợp có F1, F0. Nhưng để làm được điều này, Trưởng ban IV Trương Gia Bình vẫn tiếp tục đề nghị ban hành các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và chính quyền thực hiện thống nhất.

Theo ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQH Đồng Tâm Group, chính trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ chuyển đổi số, để giảm số lao động sử dụng, thay đổi cách thức vận hành sản xuất, sản lượng tăng 30-50%. Chi phí chuyển đổi số khá lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực, nhưng đang phải làm vì khả năng thiếu hụt lao động lớn.

Ông cũng đang phối hợp với một số đối tác xây dựng phương án giảm chi phí logistics. Doanh nghiệp cần hỗ trợ tiền, nhưng cần hơn hết là hỗ trợ bằng chính sách. Quan điểm này dù được nhắc lại nhiều lần, nhưng ông Võ Quốc Thắng vẫn muốn nhấn mạnh khi chia sẻ quan điểm về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Chính phủ, Quốc hội đang bàn thảo.

“Chính sách chỉ cần chậm một bước là doanh nghiệp có thể bị thiệt hại rất lớn, chưa kể chính sách chồng chéo, thay đổi không lường hết được. Bản thân tôi nhiều khi cũng nản khi nhiều văn bản gửi đi hỏi, thì văn bản trả lời chung chung. Lúc này, ngân sách đang khó khăn, nên có thể không hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp được nhiều, nhưng doanh nghiệp thực sự cần tháo ách tắc, giảm chi phí cho doanh nghiệp", ông Thắng đề xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ quan điểm này khi nói về nội dung đang thảo luận của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Cũng cần phải nói rõ, cải cách thể chế là một trong 5 nhóm giải pháp của Chương trình này.

“Quan điểm của tôi là gói hỗ trợ mạnh nhất chính là cải cách thể chế. Lý do là, với cách tiếp cận thận trọng, dựa trên nguồn lực của ngân sách, khả năng hấp thụ của nền kinh tế và áp lực lạm phát, nợ công, thì quy mô của gói hỗ trợ có thể không quá lớn để đảm bảo ưu tiên cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Lộc chia sẻ.

Cụ thể hơn, ông Lộc đã đưa ra phương án Quốc hội ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, trao quyền giao Chính phủ triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ, có thể đụng chạm đến quy định của pháp luật để cắt giảm quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư của khu vực tư nhân; cắt giảm điều kiện kinh doanh...

Với đề xuất trên, thị trường bất động sản có thể sẽ trở lại bình thường, khi nguồn cung được bổ sung sau khi các vướng mắc về thủ tục được thông suốt. Tương tự, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở các công trình giao thông có ý nghĩa kết nối cũng được thúc đẩy... Khi đó, dòng lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ sẽ được kích hoạt dần trở lại.

Nhưng đề làm được việc này, các bộ, ngành và địa phương phải cùng làm việc với doanh nghiệp để thực sự tháo đúng chỗ mắc.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lo ngại, việc ứng phó với dịch bệnh có thể làm chậm các kế hoạch cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục.

Nhưng dù dịch bệnh thì thế giới đang phục hồi rõ nét, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các xu hướng đầu tư vào chuyển đổi số, đầu tư xanh, kinh tế tuần hoàn... không chậm lại.

“Doanh nghiệp đã rất chủ động, đã thay đổi tư duy để tìm cách đi mới. Đây chính là tiếng nói mạnh nhất, đòi hỏi quan trọng nhất với Chính phủ trong thực hiện cam kết, định hướng cải cách thể chế đã được nhắc đến rất nhiều”, ông Dương thẳng thắn.

Theo Khánh An/Báo NB&CL

https://congluan.vn/lieu-trinh-phuc-hoi-nao-cho-nen-kinh-te-sau-dai-dich-post172475.html

 

 

Các tin khác:
  • Linh hoạt đánh giá, kiểm tra cuối kỳ (17/12/2021-15:15)
  • Bản sắc và tầm cao mới của ngoại giao Việt Nam (16/12/2021-14:40)
  • Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc (10/12/2021-8:54)
  • Không thể lỡ nhịp! (02/12/2021-18:08)
  • Mệnh lệnh vaccine 'made in Vietnam' (30/11/2021-12:29)
  • Cảnh giác cao độ với biến thể mới (27/11/2021-18:14)
  • Văn hóa với nhiệm vụ “soi đường” (24/11/2021-17:27)
  • Kỳ vọng những thông điệp quan trọng và bứt phá về văn hóa (23/11/2021-14:03)
  • “Dọn rác” livestream bẩn để bảo vệ vùng xanh trên không gian mạng (19/11/2021-16:58)
  • Giữ vững thành quả chống dịch (12/11/2021-8:44)