Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Làm sạch thị trường chứng khoán Việt: Thuốc đắng có dã được tật? (09/04/2022-7:53)
    Dư luận đang rất “nóng” trước việc liên tiếp nhiều vụ việc vi phạm trên TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra ánh sáng. Với TTCK Việt, để “thuốc đắng” có “dã được tật” hay không thì có lẽ, thuốc phải thực sự… rất đắng.

 Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) thu lợi bất chính; Xử lý nghiêm để TTCK thực sự công khai minh bạch và là kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội... Đó là thông điệp được Bộ Tài chính đưa ra đúng vào những ngày dư luận đang rất “nóng” trước việc liên tiếp nhiều vụ việc vi phạm trên TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra ánh sáng. Nhưng, với TTCK Việt, để “thuốc đắng” có “dã được tật” hay không thì có lẽ, thuốc phải thực sự… rất đắng.

Quá nhiều u nhọt

Sau 22 năm, kể từ ngày 20/7/2000  khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh được chính thức khai trương, đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK ở Việt Nam, TTCK Việt Nam được cho là đã có những bước phát triển vượt bậc, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới, trở thành kênh đầu tư được công chúng đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đồng thời đã là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, TTCK ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống doanh nghiệp và nền kinh tế, đến cuối năm 2021 đã đạt quy mô đạt tương đương trên 120% GDP.

Tuy nhiên, nếu ví TTCK Việt là một cơ thể, thì trên cơ thể đó, những năm qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều những khối u nhọt, đe dọa nghiêm trọng tới sự sinh tồn và phát triển của cơ thể ấy. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng hơn 80 vụ so với năm 2020.

Vụ việc Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam khi thao túng giá cổ phiếu hay việc hủy phát hành 9 lô trái phiếu giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các công ty thành viên là chỉ “phần nổi” mới nhất, được chú ý nhiều nhất trong số những “ung nhọt” ấy mà thôi.

Các vi phạm phổ biến nhất là báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch hay không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Trong đó, vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu được các chuyên gia, cơ quan quản lý định danh là những khối u nhọt nhức nhối nhất, đáng quan ngại nhất.

Các đội, nhóm trên mạng xã hội với hàng chục ngàn thành viên được lập ra để hô hào cổ phiếu cụ thể rồi kêu gọi nhà đầu tư mua bán; hiện tượng “chứng khoán người nhà, sân sau” - những doanh nghiệp nắm công ty chứng khoán (CTCK) để từ đó phục vụ cho mục tiêu của mình, chẳng hạn như “mông má” và tung hứng giá cổ phiếu, phát hành trái phiếu khi chưa được phép, lỗ vẫn vô tư phát hành trái phiếu để vay, vốn tự có ít lại vay nhiều, tư vấn phát hành ẩu... để hưởng lợi; nhiều CTCK được báo trước về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, các hoạt động đầu tư trọng yếu, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty, kế hoạch thoái vốn... rồi sử dụng thông tin này để báo với “khách VIP”… là vài ba trong vô số những “chiêu trò” đã làm rối loạn, vẩn đục TTCK thời gian qua.

Như nhìn nhận của ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, trong những năm gần đây, chuyên làm giá chứng khoán, gian lận báo cáo tài chính rồi trục lợi phát triển nhanh chóng cùng với quy mô của thị trường.

Đã tồn tại tình trạng nhóm thao túng giá mua lại CTCK nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán, tạo doanh thu lợi nhuận, vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thật.

Theo các chuyên gia, ở các nước, những hành vi này bị xem là vi phạm và sẽ bị áp chế tài nghiêm. “Đây là một cách hành xử phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc, cũng đã cấm. Rõ ràng, thị trường Việt Nam đang có nhiều vấn đề trong bất cân xứng thông tin cũng như những lợi thế nhất định cho nhà đầu tư lớn, hoạt động tự doanh của CTCK”, ông Hồ Quốc Tuấn - giảng viên ĐH Bristol, Anh nhận định khi trao đổi cùng Báo Tuổi trẻ.

Điều đáng quan ngại nhất là tất cả những u nhọt ấy không chỉ là biến dạng, vẩn đục, tạo cái nhìn rất tiêu cực về TTCK Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư mà còn gây hại đến nền kinh tế.

Thuốc kê toa còn quá nhẹ

Đáng nói là mức độ, tần số vi phạm luôn theo chiều hướng tăng lên. Lợi nhuận càng cao, các chiêu trò, thủ thuật ngày càng tinh vi, thậm chí táo tợn, kể cả liều lĩnh. Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết dùng CTCK để tung hứng giá cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư sập bẫy chỉ là một ví dụ điển hình trong vô vàn những vụ việc thâu tóm, lũng đoạn TTCK.

Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng một phần nguyên nhân của vấn đề này là khâu thanh tra giám sát của thị trường từ sở giao dịch hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn yếu. “Ví dụ khi bán chui chỉ có xử phạt hành chính rất nhẹ, phần xử phạt có khi chỉ bằng một phần nghìn lợi nhuận làm ra. Điều này khuyến khích nhà đầu tư bán chui. Thực ra luật đã quy định phải tịch thu những khoản lợi nhuận bất chính rồi phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự” - ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Thực tế, những năm qua, mỗi năm có đến vài trăm vụ vi phạm về công bố thông tin, làm giá cổ phiếu nhưng những vụ việc bị điều tra xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn việc phạt tiền vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

 

lam sach thi truong chung khoan viet thuoc dang co da duoc tat hinh 2

 

Báo Thanh Niên, dẫn lời một chuyên gia tài chính cho biết, ở các thị trường khác, hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá CP đều bị xử phạt rất nặng. Ví dụ tại Hồng Kông, các hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán bao gồm: giao dịch nội bộ, gian lận giá, tiết lộ thông tin sai lệch hay gây hiểu lầm sẽ bị phạt 10 triệu đô la Hồng Kông (hơn 1 triệu USD), phạt tù đến 10 năm.

Ở Hàn Quốc, việc bán CP hay thao túng giá trị trường thông qua sử dụng thông tin không được tiết lộ trên thị trường là một vi phạm nghiêm trọng. Cá nhân hay tổ chức vi phạm thu lợi từ hành vi này sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 9 năm hoặc nhiều hơn. Còn theo quy định của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù…

“Công tác hậu kiểm, thanh tra giám sát thị trường vẫn làm chưa thực sự tốt tạo điều kiện cho các vấn đề gian lận tiêu cực xảy ra trong suốt nhiều năm”, Phó Chủ tịch VAFI lý giải thêm về nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam bị lũng đoạn. Theo ông Hải, lâu nay, các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, tham nhũng.

Đây là khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa chủ động đề xuất tiến hành. VAFI cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tập hợp lực lượng tinh nhuệ từ các đơn vị thuộc bộ như Thanh tra tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Pháp chế để tiến hành thanh tra.

Phải phạt thật nghiêm, thuốc đắng mới mong dã tật

Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính. Xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán thực sự công khai minh bạch và là kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội - thông điệp được phát đi từ Bộ Tài chính cũng như vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hay việc hàng loạt quan chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định đến mức “phải xem xét kỷ luật”… đang mang lại rất nhiều tia hy vọng cho sự lành mạnh hóa của TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, từ hy vọng đến thực tế là hành trình không hề ngắn và còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như việc phải phạt thật nghiêm. Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, nhiều nước trên thế giới xử phạt tội thao túng chứng khoán rất mạnh tay. Ngoại trừ việc xử lý hình sự, số tiền phạt vài tỉ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu nếu trót lọt.

“Để tăng tính răn đe, theo tôi, có thể cân nhắc mức xử phạt theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng cổ phiếu”, ông Truyền đề xuất. Còn luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật kiến nghị, trong tương lai hệ thống sẽ không cho phép những người bị hạn chế giao dịch được tự do giao dịch bình thường. Như vậy, những sai phạm bán “chui” cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh.

Phó Chủ tịch VAFI thì đưa ra bốn khuyến nghị nhằm “làm sạch” TTCK Việt Nam. Thứ nhất là luân chuyển cán bộ ở cấp cơ quan quản lý Nhà nước. Thứ hai, bộ máy của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần cải tổ theo hướng thông lệ quốc tế. Mô hình của ủy ban là tạo ra để đảm nhiệm các công việc độc lập không xung đột lợi ích với nhau khi vừa giữ vai trò là cơ quan cấp phép, lại vừa giữ vai trò thanh tra giám sát.

Giải pháp thứ ba là cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán, sau đó niêm yết công khai minh bạch. Như vậy, làm cho Sở giao dịch hoạt động công khai minh bạch, chuyên nghiệp, dễ quản lý hơn. Thứ tư, phải có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, cổ đông kể cả người dân đấu tranh chống các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán.

 

lam sach thi truong chung khoan viet thuoc dang co da duoc tat hinh 3

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN.

 

Còn theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), đẩy mạnh công tác thanh tra giám sát thị trường chứng khoán là công tác trọng tâm của năm 2022. Đây cũng là một trong 4 giải pháp trung và dài hạn mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển công bằng, minh bạch và ổn định.

Cụ thể, đối với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bên cạnh tập trung nhận diện mã giao dịch có yếu tố bất thường để xử lý nghiêm các gian lận như thao túng thị trường, giao dịch nội gián, còn tập trung kiểm tra hoạt động phát hành riêng lẻ trên thị trường trái phiếu và đẩy mạnh thanh tra hoạt động chào bán niêm yết cổ phiếu, hoạt động cung cấp dịch vụ tại công ty chứng khoán để đảm bảo hoạt động diễn ra phù hợp với các quy định pháp luật.

Thuốc đã, đang và sẽ tiếp tục được kê toa. Chưa thể biết các khối u nhọt ấy có thể được dẹp bỏ hay không, nhưng như người xưa đã nói “thuốc đắng mới mong dã tật”, và ít nhất tới thời điểm này, đó đang là những tin thực sự tốt với TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo Nguyễn Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/lam-sach-thi-truong-chung-khoan-viet-thuoc-dang-co-da-duoc-tat-post188967.html

 

Các tin khác:
  • Đến trường, vẫn… vui! (08/04/2022-8:12)
  • Trách nhiệm ứng xử trên mạng xã hội (05/04/2022-13:41)
  • Tăng lương tối thiểu vùng: Điều chỉnh để bảo vệ nhóm lao động yếu thế (04/04/2022-13:05)
  • Tâm lý hậu COVID-19 (25/03/2022-15:12)
  • Mỏng manh như cánh phong linh (21/03/2022-12:16)
  • Kích hoạt thị trường du lịch quốc tế: Việt Nam sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư (18/03/2022-16:24)
  • Câu trả lời rõ ràng cho giá xăng: Không thể lần lữa mãi! (17/03/2022-16:19)
  • Coi COVID-19 là bệnh đặc hữu: Phải chờ thời điểm thích hợp! (11/03/2022-15:07)
  • Gấp rút đưa kiều bào về nước (10/03/2022-14:34)
  • Linh hoạt và không cầu toàn (07/03/2022-9:40)