Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022): Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình bạn đặc biệt với các nguyên thủ (19/05/2022-14:29)
    “Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông - Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước (1960).

Đó có lẽ sẽ không là cảm nhận của riêng ngài Jawaharlal Nehru - vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Tình cảm thắm thiết ấy, sự yêu mến và kính trọng ấy đã thắp lửa cho tình bạn đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nguyên thủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hoàng thân Xuphanuvông: Thân thiết như người trong một nhà

Nếu tình hữu nghị Việt - Lào được xem là “tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt có một không hai trên thế giới” thì tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông - hai con người đã dày công vun đắp mối bang giao ấy - cũng đặc biệt hiếm có trong lịch sử chính trường thế giới.

Hai con người vĩ đại cách nhau 19 tuổi đời ấy, có cuộc gặp gỡ đầu tiên mà chính Hoàng thân cho là “thiên mệnh” vào một ngày tháng 9/1945. Đó cũng là thời điểm Cách mạng tháng Tám vừa thành công. Trong bộn bề của một chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho mời và gặp vị Hoàng thân Xuphanuvông của quốc gia Lào để bàn về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của hai nước.

Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ ấy, hai con người vĩ đại nhưng rất mực giản dị, cũng rất yêu “nhân dân gian nan vất vả của mình”, đã nhanh chóng trở nên thân thiết. Theo nhiều tài liệu thì những ngày đó, họ đã “cùng ăn cơm rau muống, muối vừng ngay trong nhà bếp và trải chiếu nằm ngủ bên nhau giữa sàn nhà”. Về sau này, Hoàng thân đã nhìn nhận mà rằng, “chính cuộc gặp gỡ đó, đã biến đổi ông từ một thái tử của Hoàng gia Lào thành người chiến sĩ cách mạng”.

Sự thân thiết ấy càng trở nên gắn bó, ân tình hơn nữa trước việc Hoàng thân đã được những người lính Việt Nam không quản ngại nguy hiểm, hy sinh hộ tống, bảo vệ về đến Lào. Đêm 18/11/1949, lại bảo vệ và hộ tống Hoàng thân an toàn về chiến khu Việt Bắc. Ở chiến khu, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón Hoàng thân như những người thân thiết, cùng ăn cơm, cùng bàn bạc về công cuộc kháng chiến cứu nước của hai đất nước…

Khi từ Việt Bắc trở về Lào, Hoàng thân cùng Đảng Nhân dân cách mạng Lào mở Đại hội thành lập Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam qua giúp Lào cùng đánh giặc… Ngày 24/5/1960, với sự giúp đỡ của một tổ công tác đặc biệt của Việt Nam, Hoàng thân và các đồng chí của mình đã vượt ngục thành công khỏi nhà ngục Phôn Khêng, Hoàng thân cùng nhân dân Lào yêu nước lại có cơ hội tiếp tục cuộc hành trình đấu tranh cách mạng của mình…

Ân tình ấy, Hoàng thân cùng nhân dân Lào ghi nhớ mãi không quên. Với vị Hoàng thân Lào, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam là “Papa Hồ”, thực sự không chỉ là người bạn, người đồng chí thân thiết mà còn là “người cha tinh thần”. Chuyện kể rằng, trong số những tài liệu được chuyển ra ngoài của Hoàng thân, có một… bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hoàng thân vẽ.

Theo thời gian, mối thâm tình ấy chẳng những không phai nhạt mà càng thêm sâu nặng. Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gửi thư từ, điện, bưu thiếp cho nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đặt những cái tên Việt Nam đầy ý nghĩa cho các con của Hoàng thân. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, mỗi năm vào đúng dịp 19/5, Hoàng thân thường xuyên nhắc nhớ: “Hôm nay là ngày 19 tháng 5. Con đi mua hoa tươi, trái cây về để ta thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ”.

Chỉ từ những chi tiết ấy, đủ để thấy, tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hoàng thân Xuphanuvông hiếm có đến nhường nào…

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thủ tướng Jawaharlal Nehru: Mối giao cảm sâu xa

Cố Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học và nhà triết học tài năng. Cùng với Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh. Năm 1947, khi Ấn Độ được trao trả độc lập, Jawaharlal Nehru được Ủy ban toàn Ấn của Đảng Quốc đại cử ra làm Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của nước Ấn Độ mới và đã giữ trọng trách Thủ tướng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1964.

Cả cuộc đời Jawaharlal Nehru, vì thế, có thể nói, dành trọn cho công cuộc giành độc lập, tự do cho Ấn Độ, và 4 chữ “độc lập, tự do” có thể đã là những sợi keo gắn kết Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dù họ chưa có cơ hội gặp mặt.

Năm 1943, khi Hồ Chí Minh bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, còn Jawaharlal Nehru là một tù nhân của chế độ thực dân Anh, Hồ Chí Minh đã gửi những vần thơ đầy cảm xúc đến Jawaharlal Nehru: Lúc tôi phấn đấu, anh hoạt động/Lúc anh vào ngục, tôi ngồi tù/Muôn dặm xa xôi, chưa từng gặp mặt/Những mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời/Cảnh ngộ của chúng ta vốn giống nhau/Nhưng không giống nhau lại cũng là ở cảnh ngộ/Tôi, trong nhà tù của người bè bạn/Còn anh, trong xiềng xích của kẻ thù.

 

chu tich ho chi minh va tinh ban dac biet voi cac nguyen thu hinh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam (17/10/1954). Ảnh: TTXVN

Chưa có cơ hội gặp mặt, nhưng đôi bên vẫn dành cho nhau, cho phong trào cách mạng hai nước, những tình cảm và hành động ủng hộ thiết thực. Năm 1946, được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới Jawaharlal Nehru. Bức điện viết: “Tôi rất sung sướng được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập. Thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi gửi lời mừng và chúc ông những sự tốt lành nhất. Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta”.

Về phần mình, Jawaharlal Nehru cũng luôn luôn theo dõi và dành cho cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam sự ủng hộ nhiệt tình và quý báu. Chính ông đã ra lệnh cấm máy bay quân sự Pháp sử dụng các sân bay Ấn Độ trên đường tới Việt Nam cũng như tham gia tích cực vào cuộc vận động lập lại hòa bình ở Đông Dương. Và điều đặc biệt hơn cả là vào ngày 17/10/1954, nghĩa là chỉ 7 ngày sau khi thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới giải phóng, Jawaharlal Nehru đã là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam.

Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam, năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Một điều rất đặc biệt bất ngờ hiện diện trong chuyến đi là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang từ Việt Nam sang một vòng hoa và một cây đào để đặt và trồng trên mộ của nhà cách mạng Ấn Độ Motilan Neru - người cha quá cố của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Khó có thể diễn tả hết niềm xúc động của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ lúc đó.

“Hồ Chí Minh gặp cha tôi ở thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch” - Thủ tướng Jawaharlal Nehru rưng rưng chia sẻ.

Không biết bởi những hành động tinh tế ấy của Hồ Chủ tịch, hay từ những vần thơ “Gửi Nehru” năm xưa, tình cảm đặc biệt mà vị Thủ tướng Ấn Độ dành cho Việt Nam, cho vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam ngày thêm đong đầy.

“Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái” - lời chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thủ tướng Jawaharlal Nehru.

Trong cảm nhận của Thủ tướng Jawaharlal Nehru: “Ông (Hồ Chủ tịch - PV) không chỉ là một người yêu chuộng hòa bình mà còn là một người có tính cách thân thiện và dễ gần, một người chưa bao giờ từng nghĩ cho bản thân mình, một người giản dị và khiêm nhường. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông không giam mình trong tòa tháp ngà. Ông mang cốt lõi là con người của quần chúng, một nhà lãnh đạo biết dung hòa giữa lòng vị tha hiếm có và quyết tâm sắt đá. Dù cho là chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhân vật kiệt xuất của thời đại chúng ta”.

Theo Hà Anh/Baos NB&CL

https://congluan.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-tinh-ban-dac-biet-voi-cac-nguyen-thu-post195470.html

 

Các tin khác:
  • Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ trong con mắt nhà sử học Anh (18/05/2022-8:01)
  • Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 (18/05/2022-7:57)
  • Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài cuối): Đối diện để hòa nhập nhưng không hòa tan (12/05/2022-16:51)
  • Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài 2): Ranh giới... để không lệch chuẩn (12/05/2022-16:46)
  • Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài 1): “Rác mạng”: Những “biến thể” nguy hại (12/05/2022-16:43)
  • Công bố Chỉ số PAPI 2021: Thanh Hóa đứng thứ 3 cả nước, các chỉ số thành phần tăng mạnh so với năm 2020 (10/05/2022-17:42)
  • Học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, hướng dẫn, quy định, kế hoạch về công tác quy hoạch cán bộ (09/05/2022-9:53)
  • Bộ Chính trị ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ (06/05/2022-8:06)
  • Công bố và trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác cán bộ (06/05/2022-7:46)
  • Báo Đức đánh giá kinh tế Việt Nam khởi sắc sau đại dịch COVID-19 (05/05/2022-15:09)