Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Thu này ở xứ Thanh (31/08/2016-7:40)
    (NLBTH) - Đất nước đã đi qua 71 mùa thu độc lập với những thành quả tuyệt vời, và trong dòng chảy ấy Thanh Hóa đang có những bứt phá mạnh mẽ.

Thanh Hóa đang vươn mình mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 5 chương trình trọng tâm đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình phát triển du lịch; chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Tròn 1 năm kể từ Đại hội đúng mùa thu trước, nhìn lại những việc làm, kết quả qua những con số, mới thấy nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả tỉnh trong quyết tâm sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước.

Ấn tượng con số

Tổng kết kinh tế - xã hội năm 2015 đã có nhiều con số sinh động và ấn tượng được đề cập, đó là Thanh Hóa có năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; cũng là năm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 4 năm gần đây, với 11,8%; thu ngân sách đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2010.

Những con số có vẻ cơ học, nhưng là đáp số, phản ánh trung thực chất lượng lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Những con số mà vài ba năm trước không nhiều người dám nghĩ đến. Cứ đà này, khi Khu kinh tế động lực Nghi Sơn với sự hoàn chỉnh về hạ tầng, các dự án lớn đồng loạt đi vào hoạt động, đặc biệt là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại sau đây 1 năm, nguồn thu của Thanh Hóa còn tăng cao nữa. Lúc đó chúng ta không chỉ chủ động điều tiết được thu - chi từ ngân sách địa phương, mà có thể còn gia nhập tốp "ông lớn" về thu ngân sách của đất nước.

Với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, xứ Thanh đã tạo được sức hấp dẫn thực sự, và đang trở thành vùng "đất hứa" với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do trả lời vì sao năm 2015 huy động vốn cho đầu tư phát triển của tỉnh lại đạt tới con số 112.730 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2014, và còn dự báo tăng cao hơn nữa trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Bức tranh công nghiệp đa sắc

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn - “đầu tầu” công nghiệp của tỉnh một sự chuyển động mạnh mẽ đang hiển hiện. Đến nay đã có tới 135 dự án ở nhiều lĩnh vực đầu tư vào Khu kinh tế động lực này, để Nghi Sơn xứng đáng là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước.



Bức tranh công nghiệp hóa ở xứ Thanh ngày càng đa sắc

Trên con đường 513 "xương sống" của Khu kinh tế, cũng là đường xuống Cảng Nghi Sơn những chuyến xe liên tục qua lại để những công - ten - nơ hàng hóa được vận chuyển từ những nhà máy ở hai bên đường kia được đưa xuống cảng và đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước. Khu kinh tế Nghi Sơn mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng ra toàn huyện Tĩnh Gia và 6 xã của huyện Nông Cống, Như Thanh với tổng diện tích sau điều chỉnh lên tới 106.000 ha. Nghi Sơn - Tĩnh Gia vì thế đang đứng trước cơ hội trở thành đô thị loại 3 ngang bằng với thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn. Một hứa hẹn, cũng là một động lực để phấn đấu, để Thanh Hóa nói chung, Nghi Sơn nói riêng cần linh hoạt, quyết tâm hơn nữa trong cách làm.

Cùng với sức vươn của Nghi Sơn, Thanh Hóa còn có 8 khu công nghiệp khác. Ngoài Lễ Môn, Đình Hương - Tây Bắc Ga ở thành phố Thanh Hóa, Lam Sơn - Sao Vàng ở Thọ Xuân và Bỉm Sơn nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đã cơ bản ổn định, những năm gần đây bức tranh các khu công nghiệp tỉnh lại có thêm những "mảng màu" tươi mới, đó là Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa) đã động thổ; Thạch Quảng (Thạch Thành), Bãi Trành (Như Xuân) và Ngọc Lặc nơi đô thị miền Tây với nhiều dự án lớn đang được triển khai. Đến hết năm 2015 các khu công nghiệp ở Thanh Hóa đã thu hút 208 dự án với vốn đăng ký 13.237 tỷ đồng. Riêng khu công nghiệp Lễ Môn và Đình Hương - Tây Bắc Ga giai đoạn 1 đã lấp đầy 100% đất công nghiệp cho thuê; giai đoạn 2 đã lấp đầy được 50%.

Sức sống mới ở khu vực nông nghiệp - nông thôn

Giờ đây, bên cạnh những mô hình mía đường, cây ăn trái, hoa kết hợp sản xuất phân bón ở các huyện phía Tây, Thanh Hóa đã có thêm dự án bò sữa công nghệ cao với tổng vốn đầu tư ban đầu tới 1.600 tỷ đồng trên diện tích 2.500 ha tại thị trấn Thống Nhất do Tập đoàn Vinamilk làm chủ đầu tư.

Cơ giới hóa nông nghiệp đang được áp dụng ngày một nhiều hơn trên đồng đất xứ Thanh

Đầu năm 2016 Thanh Hóa đã vinh dự có huyện nông thôn mới đầu tiên của cả khu vực Bắc Trung bộ, đó là Yên Định. Tại đây, ngoài những mô hình chăn nuôi, cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, còn có những cánh đồng với mức thu nhập tới 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh cây lúa năng suất cao, Yên Định còn đưa nhiều loại cây có múi, cây thực phẩm, rau an toàn vào canh tác. Nông thôn mới với sự tươi mới không chỉ trong tư duy mà còn ở việc làm, và Yên Định đã đi đầu trong việc đầu tư cho các xã làm mới bộ mặt nông thôn với con số lên đến cả trăm tỷ đồng bên cạnh sự huy động từ nhân dân. Đó là một sự “xé rào”, bước đột phá tư duy để các huyện trong tỉnh học tập và nối bước.

Bằng sự đầu tư mạnh mẽ, áp dụng nhanh, hiệu quả các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông nghiệp - nông thôn Thanh Hóa đã tạo ra được sự khác biệt, với những khu vực chăn nuôi lớn, tập trung, những cánh đồng chuyên canh hiệu quả. Cây con đặc sản bây giờ không còn là thế mạnh của riêng địa phương nào, mà đã được nhân cấy ra nhiều huyện tạo nguồn thu lớn cho nông dân. Về nông thôn, thậm chí có là những vùng quê khó khăn trước kia đi nữa, chúng ta cũng dễ dàng gặp được những tỷ phú nông dân, những trang trại quy mô, hiện đại,

Với sự nỗ lực của mình, năm 2015 Thanh Hóa đạt 1,73 triệu tấn lương thực, vượt 25% so với kế hoạch. Bức tranh nông thôn mới với những cách làm mới đang lan tỏa ở những làng quê, để từ đó tạo ra những diện mạo mới hơn tô điểm thêm cho bức tranh đồng đất, làng quê giầu cảm xúc của xứ Thanh.

Và gà "đẻ trứng vàng"


Du lịch Thanh Hóa đang vào thời kỳ “gà đẻ trứng vàng”

Thanh Hóa đã đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015 tạo ra “cú hích” để thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh phát triển. Năm 2015 Thanh Hóa đã ước đón tới 5,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 5.000 tỷ đồng; các chỉ tiêu kinh doanh du lịch của Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,2%/năm, vượt 8,9% so với mục tiêu đề ra, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước 4,6% về chỉ tiêu lượt khách và 6,2% về chỉ tiêu tổng thu từ du lịch. Khu du lịch biển Sầm Sơn có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng; nhiều dịch vụ mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác tại các khu du lịch biển khác. Mùa du lịch biển năm 2016 các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa lại tiếp tục quá tải dịch vụ, đồng nghĩa nguồn thu từ du lịch về cho ngân sách của tỉnh cũng tăng lên. Du lịch đang dần trở thành gà “đẻ trứng vàng” cho Thanh Hóa để chúng ta sớm hoàn thành mục tiêu về nguồn thu từ du lịch.

Kể từ mùa thu lập nước năm 1945, chúng ta đã đi qua nhiều mùa thu, lớn lên qua những thử thách, trưởng thành từ những việc làm, để bây giờ chúng ta đang sống trong mùa thu đổi mới với những thành quả rực rỡ hơn nhiều.

  Linh Trần

 

Các tin khác: