Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Diễn đàn “Đạo đức Người làm báo Việt Nam”:
Xây dựng, giữ môi trường báo chí lành mạnh, cung cấp sản phẩm sạch (06/09/2016-11:21)
    Điều 1 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ban hành năm 2005 viết: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; và Điều 2 khá ngắn gọn: Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

 Phóng viên Mạnh Cường (VTV) tác nghiệp tại Hoàng Sa. Ảnh: TL  

Hai điều này vừa khẳng định bản chất, vừa nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Vậy thì nên hiểu khía cạnh đạo đức của hai điều quy định này như thế nào? Phải chăng đó là quy định mang tính chính trị của đạo đức, chỉ rõ báo chí cách mạng phục vụ việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, và hết lòng phục vụ nhân dân trong sự nghiệp chung đó.

Trong hơn 90 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng của đất nước, báo chí cách mạng của chúng ta trở thành công cụ sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và qua đó có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng thực sự là diễn đàn của nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của họ, trong đó làm cả nhiệm vụ phản biện xã hội.

Khi xây dựng Quy định mới, để làm rõ hơn khía cạnh đạo đức nghề nghiệp và vẫn giữ được nội hàm của điều 1 và điều 2, theo tôi, có thể gộp hai nội dung vào làm một, thể hiện như sau: Thông tin trung thực, chính xác và khách quan, vì lợi ích của dân tộc, của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.

Trong thời buổi thông tin truyền thông phát triển mạnh mẽ, không bị giới hạn về không gian và thời gian thì báo chí trước hết cần đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng bằng cách thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác và khách quan. Nhưng thông tin đó có phải đạt được mục tiêu tối thượng là phục vụ lợi ích của dân tộc, của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.

Thông tin trung thực, chính xác và khách quan như thế nào để vừa có thể đảm bảo nhiệm vụ chính là thông tin đến công chúng những gì đang diễn ra, vừa bảo đảm lợi ích của dân tộc, Nhà nước và Nhân dân là cả một vấn đề đạo đức của nhà báo khi tác nghiệp. Không thể chỉ vì mục tiêu trung thực, chính xác và khách quan mà bỏ qua lợi ích chung của dân tộc, của Nhà nước và của Nhân dân.

Sinh thời, khi nói về nghề báo, Bác Hồ đã dạy: Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Đây không chỉ đơn thuần là bài học về nghề nghiệp, mà còn là giáo huấn về đạo đức của người làm báo, về ý thức trách nhiệm xã hội của người làm báo. Hiện nay trên báo chí, đặc biệt báo mạng đăng tải những loại tin, bài về “nghi án” sao này sao nọ có bầu, những chuyện tình ái ngoài luồng, các vụ “xì- căng- đan” ăn mặc hở hang, hớ hênh v.v… nếu xét theo ba câu hỏi nêu trên, thì thấy những thứ đó để “mua vui” cũng không đắt. Ở phương Tây những thứ đó thuộc dòng báo lá cải.

Người xưa có câu “Nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư”, và ngày nay câu này cũng có thể áp dụng với nhà báo chúng ta. Có những nhà báo, bài báo, vì cạnh tranh, ganh đua, mà đưa lên báo, lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng. Những thông tin đó tiềm ẩn nguy cơ không chính xác, đôi khi không có thật, có thể gây hại lớn cho xã hội, cá nhân, doanh nghiệp. Thí dụ về loại này cũng không hiếm.

Yêu cầu về đạo đức đối với nhà báo là phải xây dựng và giữ môi trường báo chí trong sạch, cung cấp những sản phẩm báo chí lành mạnh, không bị “ô nhiễm”, là thứ “thực phẩm sạch” cho công chúng. Vì, mục tiêu cao cả của báo chí là thực hiện quyền thông tin và quyền được thông tin của người dân, phục vụ lợi ích của đất nước mình.

Một đề xuất khác trong bộ Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp: Không bưng bít thông tin, bóp méo và xuyên tạc sự thật, diễn đạt và diễn giải sai lệch nội dung thông tin.

Nhà báo có thể có đủ thông tin trong tay, nhưng vì động cơ nào đó mà không viết ra, dùng nó để “mặc cả” với đối tượng phản ánh, hoặc viết ra một cách sai lệch, bóp méo, xuyên tạc sự thật. Đạo đức nghề nghiệp có thể cho phép nhà báo làm điều đó không? Chắn chắn là không. Cùng với quy định về đạo đức đã nói ở phần trên, quy định này có tác dụng giữ cho phóng viên nhà báo trung thực với cuộc sống, trung thực với sự thật khách quan.

Trong thực tế hoạt động báo chí có không ít trường hợp, vì lý do chính trị hay kinh tế, hoặc có thể do vô tình, nhà báo cung cấp lên báo những thông tin sai sự thật, đưa tin một chiều, diễn giải sự việc một cách sai lệch, làm cho độc giả không hiểu rõ bản chất sự việc nên đưa ra những nhận định sai lầm, gây hậu quả tai hại. Cũng có những nhà báo khi viết tin, bài, chỉ chọn và trích dẫn một ý trong câu nói của người được phỏng vấn, hay nói cách khác là cung cấp “một nửa sự thật”. Đây được coi là sự bóp méo và xuyên tạc sự thật có chủ ý. Cách làm này tai hại ở chỗ “không truyền đạt” trung thành ý kiến của người khác. Sự hời hợt dù vô tình hay cố tình này của nhà báo thuộc diện vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Tôi xin nói thêm về một quy định khác trong 8 đề xuất mới: Tôn trọng và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chính sách thông tin của cơ quan báo chí.

Thời gian qua, báo chí đôi lúc bị nhắc nhở về tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào những thông tin giật gân, câu khách. Chuyện này đã được cơ quản chỉ đạo và quản lý báo chí chấn chỉnh. Ngoài ra, trong thời buổi phương tiện thông tin điện tử phát triển, nhà báo tham gia truyền thông trên mạng, lập tài khoản facebook riêng để trao đổi thông tin cá nhân. Tại đó họ viết bất kỳ điều gì, có thể cung cấp những thông tin, quan điểm đôi khi trái ngược với chính sách thông tin của cơ quan báo chí mà họ là thành viên. Liệu có thể chấp nhận được thái độ “hai mặt” đó nhân danh quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận? Đây là vấn đề đạo đức căn bản của người làm báo.

Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của công dân bên cạnh quyền thông tin, quyền được thông tin và quyền được tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, không thể vì những quyền tự do đó mà nhà báo có thể bày tỏ quan điểm trái với quan điểm của cơ quan báo chí mà họ là thành viên được. Về mặt pháp lý thì một khi chấp nhận đứng trong một tổ chức nào đó thì phải tuân thủ nội quy, quan điểm của tổ chức đó.

Những quy định còn lại trong đề xuất của tôi, cũng chỉ mang tính tham khảo, với hy vọng góp tiếng nói vào việc xây dựng những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cho sát với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí năm 2016.

Hà Minh
Nguồn: Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:10)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-17:01)
  • Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:13)
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (28/07/2016-7:15)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (22/07/2016-19:59)
  • Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ trong báo giới (22/07/2016-7:44)
  • Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)