Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
    (NLBTH) -"Bất kỳ một chương trình nào cũng cần sự chung tay của nhiều người, công sức của mỗi người có thể chỉ là một giọt nước trong cái đại dương ấy. Để cái tù và không chỉ một người nặng nhọc phải khiêng mà đã có rất nhiều người... khiêng cùng".

Hình ảnh tại Chương trình “Tôi yêu biển, đảo quê hương”. Ảnh: TL

Đó là chia sẻ của anh Văn Đình Thuận - Chủ nhiệm Diễn đàn yêu thơ xứ Thanh khi nói về Chương trình “Tôi yêu biển, đảo quê hương”

Tự hào khi lá cờ cất lên

Trong chuyến đi lần đầu tiên tới Trường Sa, tôi đã rưng rưng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay lộng gió giữa trời cao, sóng lớn nơi đảo chìm đảo nổi. Cái cảm giác thật tự hào ấy, khiến tôi yêu hơn đất nước mình, khiến tôi hiểu rõ hơn những gian khó của các chiến sỹ đang canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Những tưởng ở cái nơi sóng to gió lớn ấy, tình yêu tổ quốc mới thực sự thấm thía, nhưng nhìn thấy các cụ già tuổi ngoài 80 tuổi ở phố Cốc Hạ 1, phường Đông Hương (thành phố Thanh Hóa) ngoài những bài thể dục thông thường, còn tích cực luyện tập bài đồng diễn flasmod “Khát vọng Biển Đông” để thể hiện tình cảm của mình đối với biển, đảo quê hương, tôi không khỏi lấy làm xúc động.

Trong số những con người đang say mê với điệu nhạc sôi động ca ngợi biển, đảo này, có người sinh ra từ vùng đất biển mặn mòi sóng gió, cũng có người không sinh ra từ biển, nhưng tất cả luôn ý thức được rằng biển, đảo là một phần máu thịt của quê hương. Biển là nguồn sống của con người với chức năng điều hòa môi sinh, cung cấp những sản vật cho đời sống hàng ngày, vì thế bảo vệ  biển, đảo quê hương cũng chính là bảo vệ cuộc sống và tương lai của bản thân, gia đình và con cháu của mình. Và bất ngờ hơn khi nhìn thấy các bà, các mẹ gắn hình trái tim với dòng chữ “Tôi yêu biển, đảo” hai bên má. Ánh mắt hạnh phúc, sự tự hào xen lẫn niềm vui đó chính là động lực tận hưởng cuộc sống của họ. Hay như các bạn trẻ ở tổ chức thiện nguyện T36 Vì Cộng Đồng và Tôi Yêu Thanh Hóa chọn cách thể hiện rất ấn tượng bằng việc tổ chức các sự kiện chào cờ, chụp ảnh với quốc kỳ trước biển vào những dịp kỷ niệm trọng đại như ngày giải phóng Miền Nam 30/4, ngày sinh Bác Hồ 19/5… Màu áo đỏ sao vàng, màu áo xanh tình nguyện và màu áo của người lính biên phòng đan xen với nhau trong những tạo hình đầy ý nghĩa.

Và đặc biệt hơn, hình ảnh lá cờ rợp ngợp trong sắc xanh của biển cả đã khiến Lễ chào cờ trong Chương trình “Tôi yêu biển, đảo” diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/7/2016 tại Sầm Sơn khiến rất nhiều người xúc động. Sau phần chào cờ, tất cả dành một phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Có đi qua tất cả những xúc cảm đó, con người ta mới đủ hiểu rằng, dù đi đâu, làm gì, là ai, thì nơi thẳm sâu nhất của mỗi con người đó là Tổ quốc, là đất Mẹ.


Nhà báo Mai Hương (Đài PT&TH Thanh Hóa) - một trong những người khởi xướng
Chương trình với lá cờ Tổ quốc tung bay trên biển Sầm Sơn. Ảnh: Hữu Ngôn
 

Biển trong tâm thức mỗi người

Cầm trên tay cuốn sách “Tôi yêu biển, đảo” vừa xuất bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn không giấu nổi niềm vui, dù anh là người trực tiếp làm bản thảo, tuyển chọn, sưu tầm, và cả vận động các thành viên trong Diễn đàn Yêu thơ xứ Thanh chung tay. Còn họa sỹ Lê Đình Quỳ bận bịu với những dự án điêu khắc của mình, lần đầu tham gia với các bạn trẻ xứ Thanh, đã cười sảng khoái trong cái nắng cái gió của người con vùng biển. Ông đã trao truyền thêm tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ trong phần giao lưu hội họa và làm giám khảo cho cuộc thi vẽ tranh của các cháu thiếu nhi. Dù cuộc thi chỉ mang tính động viên tinh thần, nhưng các em nhỏ rất hào hứng tham gia, bởi các em không chỉ được thể hiện tình yêu với biển, đảo quê hương, mà còn được nghe những lời căn dặn sâu sắc của các bậc cao niên về nghệ thuật hội họa, về tình yêu quê hương, đất nước. Hay như họa sỹ trẻ Lê Hải Anh - Phó Chủ nhiệm CLB Họa sỹ trẻ Lam Sơn từ trước cả vài tháng đã lên ý tưởng để có 2 trong số 20 bức tranh triển lãm lần này. Gặp Hải Anh trong xưởng vẽ,  anh chia sẻ: “Công việc của tôi lu bù, nhưng khi được mời tham gia, thực sự tôi rất hào hứng. Với một họa sỹ như tôi, dù muốn cống hiến nhiều lắm, nhưng cũng chỉ biết gửi gắm qua những sáng tạo của mình”.

Và càng ngạc nhiên hơn khi chỉ vài người chủ xướng đã đứng lên tập hợp mọi người tổ chức một chương trình hoành tráng: “Tôi yêu biển, đảo quê hương”. Trong tay nào sẵn đồng tiền, nhưng họ hoàn toàn tự tin. Cái lý của những nhà tổ chức đó là: Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền. Huống hồ gì chúng tôi đã quy tụ được sức lực của gần 1.000 người. Mọi hoạt động đều huy động cao nhất sự tự nguyện, tự giác. Việc quy tụ một khối lượng lớn nhân lực, hoạt động hết mình như vậy mà hầu hết là tổ chức xã hội, không có sự ràng buộc trách nhiệm cao bằng các quy chế, quy định như các cơ quan nhà nước, nhưng vẫn liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau rất tốt trong mọi hoạt động chung.

Riêng với tôi, sự tự giác thôi chưa đủ, điểm liên kết mọi người chính là tinh thần “Tôi yêu biển, đảo”. "Đồn là nhà, biển, đảo là quê hương", chẳng ai có thể quên nổi quê hương của mình.

Biển - đảo dữ dội và dịu êm?

Sự thiêng liêng của hai tiếng Tổ quốc “Thơ ơi thơ! Hãy cất cao tiếng hát/ Ca ngợi muôn lần Tổ quốc chúng ta!” (Tố Hữu) đã thôi thúc những nhà thơ xứ Thanh có thể ra mắt được cuốn sách dày 300 trang. Và còn những bản nhạc, tấm ảnh, bức tranh là gương mặt của những trái tim giàu lòng yêu thương, nồng cháy tình yêu Tổ quốc và biển, đảo quê hương, là ý thức, trách nhiệm, kết thành tiếng nói, cất thành tình yêu, ngân lên giai điệu tự hào về Tổ quốc quê hương.

Ngay sau hiệu ứng của Chương trình “Tôi yêu biển, đảo quê hương”, Triển lãm “Chủ quyền biên giới - Biển, đảo Việt Nam” (diễn ra từ 26/7 đến hết ngày 2/8) trưng bày, giới thiệu tới công chúng gần 3.000 tư liệu, hiện vật lịch sử, các ấn phẩm có giá trị, đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chiến lược của biên giới, biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy và phát huy sức mạnh cộng đồng, từ đó đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực sự với những hiện vật ấy, hình ảnh chiếc áo hải quân thật rõ. Những gương mặt người lính thật hiền, thật dịu êm. Như biển vẫn vậy, vẫn nhẹ nhàng vỗ về ôm ấp đất quê hương.

Nhưng biển, đảo cũng rất ồn ào. Tôm cá cũng có lúc giành giật sự sống. Triển lãm được trân trọng ở một ví trí đẹp, có không gian, nhưng lại là một triển lãm tĩnh. Ngoài buổi khai mạc rầm rộ, sau đó dường như tất cả lặng lẽ. Tôi chắc rằng có những tình yêu cần sự lặng lẽ, sự sâu lắng, nhưng tình yêu không nên đơn lẻ và cô độc.  Trong khóe mắt tôi cay nồng những cảm xúc. Tôi ước gì chương trình được kết nối với các trường học, giúp các em học sinh hiểu hơn biển, đảo quê mình không chỉ đẹp với rừng vàng, biển bạc, mà biển, đảo đang đứng trước những mối nguy hại do chính sự vô tình của mỗi người, sự tham lam muốn lấn chiếm của ngoại xâm.

Ồ ạt trong một thời gian ngắn là hàng loạt các sự kiện biển, đảo. Điều âu lo từ một người con của biển như tôi rồi mọi thứ có chìm dần, có bị “trôi” theo con nước? Ai cũng biết, với những hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực, các cấp, ngành chức năng và các tổ chức thiện nguyện xã hội trong tỉnh đang chung tay góp sức làm lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng tình yêu biển, đảo đến cộng đồng; tiếp thêm sức mạnh tinh thần, động viên các cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đang ngày đêm bám biển, làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 

Kiều Huyền

 

Các tin khác:
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)