Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyển đổi số báo chí: Chẳng nên vì khó mà đứng ngoài cuộc! (02/01/2023-8:40)
    Đó dường như là tâm thế của rất nhiều vị “thuyền trưởng” báo chí tại Diễn đàn Tổng Biên tập (TBT) 2022 với chủ đề: Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời? do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức hồi đầu tháng 11/2022.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng chí điều hành Diễn đàn.

Hào hứng, không ngại khó, chẳng sợ rủi ro… báo chí Việt Nam đang có những bước đi khá chủ động, mạnh dạn và đầy quyết tâm vào công cuộc chuyển đổi số. 

1. Ý chí quyết liệt ấy thể hiện ngay từ những phát biểu đầu tiên khai mở Diễn đàn. Ông Phạm Anh Tuấn - vị “thủ lĩnh” hơn 20 năm qua của báo điện tử VietNamNet - nay là Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Thông tin & Truyền thông đã nhấn mạnh “Chuyển đổi số bây giờ bắt buộc phải làm, không làm không được, không làm là chết”. Cùng chung góc nhìn, phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cũng khẳng định: Chúng tôi phải quyết tâm, nếu không sẽ rất khó. Trong câu chuyện chuyển đổi số, điều cần nhất là sự quyết tâm. Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân chốt lại phần phát biểu của mình bằng lời khẳng định chắc nịch: Chuyển đổi số là tất yếu. Nếu không chuyển đổi số, sẽ chết!

Cũng với sự quyết tâm với chuyển đổi số như thế, Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân, từ chính nhu cầu và thực tế của quá trình chuyển đổi số bấy lâu nay của Báo Người Lao động, đã nhắc đi nhắc lại trong phát biểu của mình: Chúng ta phải khẳng định lại rằng, chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu, là vấn đề sống còn trong tương lai. Qua quá trình thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi thấy còn nhiều khó khăn như: chưa có một đơn vị nào đủ tầm, đủ kinh nghiệm để có thể đứng ra tư vấn chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí; nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số và nguồn kinh phí hạn hẹp. Nhưng rõ ràng là, dù cơ quan báo chí nhỏ hay lớn như thế nào thì việc chuyển đổi vẫn phải thực hiện, chỉ là theo những cách phù hợp mà thôi.

Vị “thuyền trưởng” dạn dày kinh nghiệm của Báo Lao động, ông Nguyễn Ngọc Hiển thì cho rằng, giờ không phải nói vấn đề Chuyển đổi số có phải là xu thế tất yếu hay không nữa mà là làm thế nào để Chuyển đổi số nhanh nhất.

Có thể nói, Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 là thêm một dịp để khẳng định lại một thực tế rằng, Chuyển đổi số đã thực sự trở thành ý chí quyết tâm phải làm và làm cho bằng được tại nhiều toà soạn. Chuyển đổi số cũng đang là một trong những lời giải được trông đợi nhất hiện nay để giải bài toán tồn tại của các cơ quan báo chí chứ không hề là một cuộc chơi theo trào lưu, để “làm màu” như nhiều cái nhìn bấy lâu về chuyển đổi số báo chí.

 

chuyen doi so bao chi chang nen vi kho ma dung ngoai cuoc hinh 2

Tổng Biên tập Báo Vietnamnet Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.

 

2. Hăm hở, quyết tâm là thế, nhưng các lãnh đạo cơ quan báo chí, trong các phát biểu, chia sẻ tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 đều không giấu nổi những băn khoăn, trăn trở thậm chí là những nỗi âu lo xung quanh việc chuyển đổi số như thế nào, bằng nguồn lực nào.

“Một đơn vị báo điện tử sẽ chuyển đổi số về cái gì, từ đâu sang đâu, và làm như thế nào khi đang ở trong một môi trường số? Đây là những câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở xuyên suốt quá trình triển khai chuyển đổi số nhiều năm qua. Chuyển đổi số nói một cách chung chung thì rất đơn giản, nhưng đi vào thực tiễn lại là một bài toán hóc búa, nhất là với những tòa soạn báo điện tử có quy mô không lớn và bị hạn chế về nguồn lực” - những cái “vướng”, những lấn cấn của Tổng Biên tập VTC News Ngô Văn Hải có lẽ cũng là nỗi niềm của cả những cơ quan báo chí chủ lực quốc gia như Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội.

“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của toàn xã hội nói chung và báo chí nói riêng. Ở Việt Nam trừ một số cơ quan báo chí lớn, một vài đơn vị báo chí được hình thành trên cơ sở những công ty công nghệ lớn đứng sau, có thể chủ động ở mức độ nào đó xây dựng kế hoạch chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, và tự triển khai thực hiện, còn lại phần lớn là đang đứng trước những khó khăn trong việc xác định hướng đi, cách làm, công nghệ, nguồn lực cho chuyển đổi số”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

 

chuyen doi so bao chi chang nen vi kho ma dung ngoai cuoc hinh 3

Ông Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.

 

Còn ông Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội thì thẳng thắn bày tỏ: “Tại sao chúng ta nói mãi chuyển đổi số nhưng không ai làm? Không phải không ai làm, không biết cách làm mà là lấy tiền đâu để làm? Chuyển đổi số trong bối cảnh các báo đều khó khăn, nuôi đủ quân đã khó rồi”.

Rõ ràng, với các cơ quan báo chí Việt Nam, con đường lớn chuyển đổi số báo chí đã mở nhưng để đi được, đi vững, đi xa hơn trên con đường ấy là muôn trùng cái khó bủa vây: nhân sự, công nghệ, tài chính… mà kinh tế báo chí thì ngày càng gian nan…

3. Nhưng qua hầu hết các chia sẻ tại Diễn đàn, cũng lại thấy rõ một điều thật đáng mừng là cái sự muôn trùng khó ấy đã không cản được tinh thần quyết tâm chuyển đổi số, chuyển đổi số bằng được của nhiều cơ quan báo chí, bởi họ đều hiểu rằng, “đứng yên trong thời buổi công nghệ này là tự hủy hoại mình”, rằng chuyển đổi số là một trong những giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để giúp họ giải bài toán kinh tế báo chí vốn dĩ rất hóc búa.

Đáng quý, đáng trân trọng hơn nữa là tâm thế không ngại khổ, không ngại khó, không ngại rủi ro cũng chẳng đợi có tiền thì mới làm chuyển đổi số, bởi nói như Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân: “Chờ có tiền rồi mới chuyển đổi số thì chẳng bao giờ làm được”.

Trong chia sẻ tại Diễn đàn cũng như trao đổi thêm “hậu Diễn đàn” với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, vị “thuyền trưởng” của Người Lao động chia sẻ: “Đối với Báo Người Lao động, chúng tôi xác định, nếu bây giờ không nhanh chóng chuyển đổi số thì trong tương lai sẽ gặp thách thức rất lớn… Chính từ suy nghĩ đó, Đảng ủy, Ban Biên tập đã bàn và quyết tâm làm, chuyển đổi số theo khả năng mình có thể. Việc gì dễ, ít tốn kém thì ưu tiên làm trước, tận dụng những nền tảng công nghệ, mạng xã hội… để từng bước chuyển đổi số”.

Chuyển đổi số, như Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nói, nó cũng như công cuộc thu phí mà Người Lao động đã tiến hành, rằng: “Với tình hình thực tế hiện nay, việc này không hề dễ dàng. Song, chẳng phải vì khó mà chúng tôi đứng ngoài cuộc; thậm chí ngược lại, Báo Người Lao động muốn tiên phong, đặt nền móng cho dịch vụ này bởi đây là con đường tất yếu ở phía trước cho báo chí Việt Nam, nhất là đối với các cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế tài chính tự thu tự chi, trong đó có Báo Người Lao động. Nếu cứ đắn đo, e ngại, không đặt nền móng ngay từ bây giờ thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ làm được… “có đi thì mới thành đường””.

Khâm phục hơn là bởi thiếu, bởi khó trăm đường nên phần lớn các cơ quan báo chí, chẳng thể “thẳng băng” mà chuyển đổi số. Qua các chia sẻ tại Diễn đàn, thấy rõ phần đa các cơ quan báo chí là “tự dò đường”“liệu cơm gắp mắm”.

Tại ViệtNamNet thời kỳ đầu, như chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn: “Một mặt chúng tôi đầu tư xây dựng các ứng dụng phần mềm công nghệ thông qua chiến lược tuyển dụng thêm bộ phận kỹ thuật viên. Đồng thời, ngay đầu năm 2020, VietNamNet đã ký kết hợp tác với CMC Telecom - một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Đối tác công nghệ phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Báo nhanh, hiệu quả hơn”.

Còn tại VTC News, Tổng Biên tập Ngô Văn Hải chia sẻ: “Việc đầu tiên mà VTC News phải làm khi hạ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số là phải tìm câu trả lời cho 3 vấn đề đã nêu ở trên, đó là xác định xem chuyển đổi số ở mặt nào, hướng đến điều gì và làm như thế nào, thay vì đầu tư dàn trải với sự mơ mộng chuyển đổi số toàn diện. Sau khi xem xét tất cả các ý tưởng cũng như đánh giá điều kiện thực tế của đơn vị, VTC News lựa chọn 2 giải pháp cho 2 vấn đề riêng biệt làm ưu tiên thực hiện trước tiên, đó là chuyển đổi số trong chiến lược nội dung và trong quản trị nội bộ”.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cũng cho biết: Báo Đầu tư chúng tôi tiếp cận theo hướng lựa cơm gắp mắm. Chúng tôi tiếp cận theo cách thức là chúng ta cần làm những gì mà độc giả cần. 

Ở góc độ một cơ quan báo chí địa phương, chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi hình thành 1 bộ phận làm nội dung số trên các nền tảng, nghĩa là liên kết từ truyền hình sang các nền tảng số. Chúng tôi bắt đầu làm từ năm 2015".

 

chuyen doi so bao chi chang nen vi kho ma dung ngoai cuoc hinh 4

Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu tại Diễn đàn.

 

4. Người xưa có câu, đất không phụ công người chăm bón, nhọc nhằn đến đâu rồi cũng sẽ đến ngày gặt hái được quả ngọt. Công cuộc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam, thực sự mới là quá trình đặt nền móng, mới chỉ có một số hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên đó là phần thưởng đáng giá cho những nỗ lực tự thân của các tòa soạn.

Và để có những thành công lớn hơn, bền vững hơn, để các cơ quan báo chí đi xa hơn trên hành trình báo chí, thiết nghĩ, nỗ lực tự thân của các tòa soạn là chủ đạo, là cần thiết hơn cả, nhưng chưa đủ, còn đòi hỏi thêm cả sự đồng hành từ Nhà nước, từ bệ đỡ chính sách. Về lâu dài, các cơ quan báo chí không thể mãi đơn thương độc mã, mạnh ai người ấy làm như thời gian qua.

 

chuyen doi so bao chi chang nen vi kho ma dung ngoai cuoc hinh 5

Toàn cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập "Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?". Ảnh: Sơn Hải

 

“Trên thực tế, theo quan sát của tôi, có một số cơ quan báo chí đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng hiệu quả kinh doanh từ các nền tảng số cũng chưa như kỳ vọng. Ngay cả những cơ quan báo chí chủ lực, có vai trò vị trí hết sức quan trọng, thì cũng cần những hỗ trợ về nguồn lực công nghệ, tài chính, chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, đảm bảo tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Những vấn đề lớn như an toàn an ninh thông tin, bảo vệ bản quyền, chia sẻ các nền tảng kỹ thuật, công nghệ chung trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chính sách quản lý quảng cáo, chính sách khuyến khích về thuế… là những vấn đề mà các cơ quan báo chí không thể tự mình giải quyết được, cần sự đồng hành của thể chế, chính sách.

Tôi nhận thấy trong những năm gần đây Bộ Thông tin & Truyền thông đã thực hiện rất tốt vai trò dẫn dắt định hướng của mình và có nhiều hỗ trợ đối với báo chí. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành khác cũng dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc hỗ trợ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí”, nhìn nhận ấy của nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là khuyến nghị đáng được lưu tâm và hỗ trợ kịp thời.

Báo chí Cách mạng Việt Nam đang chạm mốc hành trình 100 năm. Trăm năm ấy và nhiều trăm năm sau nữa, có lẽ sứ mệnh của Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn sẽ vẹn nguyên như ngày đầu: Một lòng phụng sự độc giả, phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc.

Và để làm được điều đó, báo chí phải đổi mới, sáng tạo và phải sử dụng nền tảng công nghệ mới để chuyển tải được thông tin chính xác, tin cậy và có tính định hướng cao… Hỗ trợ báo chí về công nghệ, về chuyển đổi số, có lẽ cũng là giúp Báo chí Cách mạng Việt Nam làm tròn sứ mệnh lớn lao ấy…

Theo Thư Hà/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-chang-nen-vi-kho-ma-dung-ngoai-cuoc-post229088.html

 

 

Các tin khác:
  • Sứ mệnh cao cả của báo chí còn là nỗ lực hướng đến tính nhân văn (31/12/2022-9:06)
  • Báo chí và công chúng: Niềm tin tạo nên sức mạnh (28/12/2022-15:55)
  • Ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng (28/12/2022-15:50)
  • Người làm báo đồng hành cùng người dân vượt qua thử thách thiên tai năm 2022 (27/12/2022-13:08)
  • Năm 2023, công chức – viên chức được nghỉ lễ, Tết khoảng 19 ngày (27/12/2022-9:42)
  • 110 tác phẩm được xét chọn vào chung khảo Giải Búa liềm vàng lần thứ VII (27/12/2022-9:38)
  • Phát động Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch" (27/12/2022-9:31)
  • Xây dựng môi trường văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp (26/12/2022-9:13)
  • Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông năm 2022 (26/12/2022-9:10)
  • Mạng xã hội Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển, trở thành một hệ sinh thái (23/12/2022-10:30)