Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Sức mạnh kinh tế, nhìn từ biển (22/09/2016-11:12)
    (NLBTH) - Thanh Hóa nằm trong số 28 tỉnh ven biển của cả nước. Những năm gần đây với chủ trương phát triển kinh tế biển, vùng biển Thanh Hóa đã và đang tạo ra bước tiến mới.
Niềm vui của ngư dân với sản phẩm khai thác được từ biển.

Nỗ lực trong điều kiện khó

Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 5 năm gần đây với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân, cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, đã giúp cho quá trình phát triển kinh tế vùng biển Thanh Hóa có những bước phát triển cơ bản và khá toàn diện.

Sự ra đời của Khu kinh tế Nghi Sơn đã tạo được bước ngoặt lớn về phát triển kinh tế biển của tỉnh và có những chuyển biến mạnh, từ việc kinh tế biển chỉ gắn với du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản sang bước đầu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực kinh tế gắn với biển bao gồm các ngành công nghiệp ven biển, cảng biển, du lịch, nuôi trồng, khai thác và một số dịch vụ liên quan đến kinh tế biển. Từ đó tạo cho vùng biển xứ Thanh đi trước nhiều nơi trong khu vực các tỉnh ven biển cả nước và đang dần trở thành 3 trung tâm kinh tế ven biển và kinh tế biển trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Mặc dù tình hình khai thác thủy sản trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những chính sách đầu tư, khuyến khích ngư dân khai thác, năng lực đánh bắt được nâng lên, ngư dân tích cực đầu tư trang bị máy móc, thiết bị và đóng mới tàu thuyền vươn khơi để khai thác xa bờ. Hiện nay tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh là 7.055 chiếc, tổng công suất đạt 442.874 CV, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên là 1.531 chiếc Sản lượng khai thác thuỷ sản có bước phát triển khá, tăng từ 73.900 tấn năm  2010 lên hơn 90.000 tấn năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đạt 74.300 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm trên 18.000 ha, sản lượng tăng từ 29.500 tấn năm 2010 lên 50.000 tấn năm 2015. Cơ cấu nuôi trồng thủy sản có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng các đối tượng nuôi có giá trị cao.
 
Ngày càng có nhiều phương tiện đóng mới và cải hoán giúp ngư dân Thanh Hóa vươn khơi.

Đáng chú ý, trong thời gian qua là việc hình thành và phát triển 5 cụm kinh tế tổng hợp ven biển là các trung tâm giao lưu kinh tế biển kết hợp bến cảng bốc dỡ, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, công nghiệp dịch vụ tại các cửa Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng, tạo đà cho giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân vùng biển. Một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng như cảng biển, đường nối khu kinh tế, khu du lịch với đường Hồ Chí Minh, QL1A được xây dựng, đã có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biển. Qua đó, công tác an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng được nâng lên một bước, một số chỉ tiêu về phát triển con người đạt cao hơn so với mức chung của tỉnh, bình quân mỗi năm giảm được 4,3% số hộ nghèo.

Bước tiến bền vững

Dự báo trong 10 đến 20 năm tới quá trình phát triển của khu vực ven biển Bắc Trung Bộ và của dải ven biển Miền Trung cả nước còn tiếp tục có nhiều thay đổi, bứt phá do tác động của việc xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vùng biển. Với định hướng cụ thể, trong giai đoạn (2015 - 2020) Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam. Trong đó, xác định nhiệm vụ chủ yếu là tập trung nguồn lực, khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, phấn đấu kinh tế vùng biển chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đến năm 2020, từ đó phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó Thanh Hóa cũng đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững với những chính sách đầu tư hiệu quả cho ngư dân như việc hỗ trợ ngư dân trang thiết bị máy móc, đóng mới tàu thuyền từ 90CV - 500CV vươn ra khai thác xa bờ, vùng đánh bắt chung. Đặc biệt, trong những năm gần đây với Nghị định 67/2014/NĐ -CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngư dân trong tỉnh cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 chủ tàu (T.X Sầm Sơn 10 tàu, Tĩnh Gia 3 tàu, Hậu Lộc 11 tàu, Hoằng Hóa 4 tàu) ký hợp đồng tín dụng với số tiền đã giải ngân đạt 84 tỷ đồng. Đã có 7 tàu hạ thủy (6 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép) và đang tiếp tục lắp đặt các trang thiết bị để ra khơi khai thác hải sản.

Song song là việc đẩy mạnh hình thành tổ đội đoàn kết trên biển nhằm tăng hiệu quả đánh bắt và tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh trên biển. Tập trung đẩy nhanh hệ thống giao thông khu vực ven biển theo hướng đồng bộ và hiện đại, nâng cấp hệ thống các tuyến đường trục giao thông Đông - Tây liên kết đường Hồ Chí Minh, QL1A với QL10 và tuyến đường ven biển kết nối các vùng nội địa của tỉnh thông ra khu vực các cảng biển, hình thành tuyến đường quốc phòng ven biển từ huyện Nga Sơn đến Tĩnh Gia, trên cơ sở kết nối và nâng cấp nhiều hạng mục giao thông quan trọng.

Với những chiến lược phát triển kinh tế biển cụ thể và đồng bộ trên các lĩnh vực, thì mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế vùng biển Thanh Hóa trở thành địa bàn giàu mạnh từ kinh tế biển, trở thành một trong ba trung tâm kinh tế công nghiệp, hàng hải, du lịch và dịch vụ lớn nhất ở khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ sẽ sớm được thực hiện, góp phần thúc đẩy GDP bình quân đầu người cao gấp 1,8 đến 2 lần mức bình quân chung của cả nước vào năm 2020. Từ đó tạo đột phá thúc đẩy phát triển nhanh, vững chắc kinh tế - xã hội vùng biển, góp phần đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hoàng Lan

 

Các tin khác:
  • Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)