Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Diễn đàn “Đạo đức Người làm báo Việt Nam”:
Sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm (23/09/2016-14:20)
    Nhà báo luôn phải đặt câu hỏi rằng: Làm thế thì có ảnh hưởng gì đến đạo đức báo chí? Nhà báo luôn phải nghĩ đến sự tốt đẹp, hướng thiện của cuộc sống.
Khi cầm bút nhà báo luôn phải nghĩ đến sự tốt đẹp, hướng thiện của cuộc sống
(ảnh chỉ có tính minh họa)
 

Báo chí có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Quan trọng ở chỗ tác phẩm báo chí tạo dư luận xã hội một cách sâu rộng mà ít nghề khác có được. Báo chí còn giữ vai trò phản biện sự kiện, vấn đề, gợi mở sự nhìn nhận của công chúng theo một chiều hướng nhất định. Hoạt động của báo chí chịu sự chi phối của Luật Báo chí và những điều luật khác liên quan đến báo chí. Nhưng quan  trọng  hơn cả là việc những người làm báo cần tuân thủ sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm. Điều này không có trong các điều luật, chính là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hay còn gọi là đạo đức báo chí.

Chính là bởi nghề báo là nghề đưa thông tin đến cho công chúng và hướng dẫn họ nhận thức về bản chất sự việc. Mấu chốt là ở chỗ này - ở vế thứ hai của cụm từ này. Bình thường, công bằng và đúng với đòi hỏi của nghề nghiệp, nhà báo đưa tin một cách khách quan, trung thực, đủ liều lượng của sự kiện là đủ. Song vì những động cơ khác nhau đã dẫn dắt ngòi bút vượt ra khỏi phạm vi cần thiết đưa tin để thêm vào đó những chính kiến, những định hướng dư luận bằng suy nghĩ chủ quan của tác giả. Những bình luận và định hướng đó tuy chưa đến mức sai phạm nhưng thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người viết cũng như sự chủ quan  của người viết…. có nghĩa là: Luật pháp là những chuẩn mực xã hội được ghi thành văn bản, buộc mọi công dân phải thực hiện một cách cưỡng chế. Còn đạo đức nói chung và đạo đức báo chí nói riêng được con người tuân thủ và thực hiện do sự thôi thúc của lương tâm, trách nhiệm và sự phán xét của dư luận xã hội. Nói cách khác, nhà báo có đạo đức là người tự nguyện thực hiện tùy theo lương tâm và trách nhiệm của mình.

Đạo đức trong báo chí giữa các quốc gia, các dân tộc có những nét riêng. Bởi lẽ mỗi dân tộc có một nền văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán riêng. Những giá trị tinh thần mỗi người có được nguồn gốc từ cội nguồn, gốc gác hun đúc tình yêu, nhân cách, lẽ sống… Đạo đức báo chí cũng đi ra từ thực tiễn sinh động đó… Chế độ chính trị tạo ra nền tảng cuộc sống xã hội, cũng góp phần vào việc chuẩn mực hóa những giá trị đạo đức, do vậy đạo đức báo chí cũng có những nét đặc thù, chi phối bởi chế độ chính trị. Kết hợp nền tảng đạo đức của đời sống và thể chế chính trị sẽ tạo nên sự hoàn thiện về đạo đức, trong đó có đạo đức báo chí. Một khi đạo đức gắn trong hoạt động báo chí thì nó trở nên vô cùng quan  trọng vì thông tin báo chí là không biên giới.

Tính chất đặc biệt của nghề nghiệp đã tạo nên những đặc điểm riêng trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Nhà báo tiếp cận thông tin, xử lý độc lập và tự quyết định cách thức thông tin. Thông điệp mà nhà báo gửi tới bạn đọc, bạn nghe và xem mang đậm lăng kính của người thực hiện. Chính vì vậy, một dòng tin có thể ngăn chặn, giải tỏa một hành động và cũng có thể gây hậu quả từ oan sai, hiểu lầm, làm ô danh của nhân vật. Chính vì thế, lương tâm và trách nhiệm sống; Thái độ của người viết hết sức quan trọng. Đạo đức ở đây gắn với cách nhìn và đánh giá sự việc của tác giả… Ở một yêu cầu khác, lại thấy vai trò đạo đức của nhà báo thật sinh động. Nhà báo hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán sẽ tránh được những sai lầm trong hành xử. Nói hay đừng là quyết định của người viết nên khi chạm đến những vấn đề thiêng liêng phải được nhà báo tính toán kỹ lưỡng. Ngoài những điều đã có trong các bộ luật, nhà báo còn bị ràng buộc bởi ý chí nghề nghiệp, thái độ cảm thông chia sẻ và tinh thần yêu nước thương nòi.

Gần đây, với sự phát triển của thông tin đại chúng và mạng xã hội; với sức ép của sự minh bạch và kịp thời trong thông tin, cùng với những đóng góp to lớn của báo chí cho sự nghiệp cũng bộc lộ không ít yếu kém và xử lý thông tin thiếu đạo đức. Đơn cử như việc nhà báo cần phải chứng minh có thật một hiện tượng tiêu cực nên đã nhanh chóng dùng những biện pháp nghề nghiệp bất chính như dàn dựng lại một hành động. Ngoài tội lừa dối công chúng báo chí, vô hình trung gán cho những người vô tội tội lỗi do việc nhờ đóng thế. Hay do tác nghiệp thiếu kỹ năng đã đẩy đối tượng và việc xử lý mang tính côn đồ và vì nhà báo mà chịu tù tội…

Cho nên, nhà báo luôn phải đặt câu hỏi rằng: Làm thế thì có ảnh hưởng gì đến đạo đức báo chí? Nhà báo luôn phải nghĩ đến sự tốt đẹp, hướng thiện của cuộc sống. Chúng ta cũng hiểu rằng, cho dù có đầy đủ đến đâu thì bộ quy định đạo đức người làm báo Việt Nam tới đây cũng không thể kiềm tỏa hết được hoạt động của con người tham gia làm báo. Duy chỉ việc đánh thức trong mỗi người cầm bút lương tâm và trách nhiệm sẽ cho những kết quả tốt nhất.

Nhà báo Phan Hữu Minh
(Ủy viên BTV, Trưởng ban Kiểm tra  Hội Nhà báo Việt Nam)

 

Các tin khác:
  • Quy định về đạo đức người làm báo phải cụ thể, chi tiết (15/09/2016-19:20)
  • Xây dựng, giữ môi trường báo chí lành mạnh, cung cấp sản phẩm sạch (06/09/2016-11:21)
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:10)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-17:01)
  • Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:13)
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (28/07/2016-7:15)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (22/07/2016-19:59)