Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Thiêng liêng lá cờ chủ quyền (23/09/2016-15:59)
    (NLBTH) - Lá cờ Tổ quốc đang hiện thân trên mỗi con tàu, cùng ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ từng tấc đất, tấc nước toàn vẹn lãnh thổ.

 

Lá cờ Tổ quốc - biểu trưng của linh hồn dân tộc, là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam: Màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, quyết chiến và quyết thắng, màu vàng tượng trưng cho linh hồn sáng ngời của dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Lá cờ Tổ quốc thật ý nghĩa biết bao!

Suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, lá cờ Tổ quốc đã chứng kiến biết bao đổi thay vận mệnh của đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh reo vui trong ngày lễ Tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Lá cờ chứng kiến niềm vui vỡ òa của triệu triệu quốc dân đồng bào trong ngày hội thống nhất non sông thu về một dải năm 1975, đã đi vào năm tháng lịch sử không thể nào quên. Bao chiến sĩ xung trận sẵn sàng hy sinh dưới ngọn cờ quyết chiến – quyết thắng. Bao bà mẹ thao thức hằng đêm vá lại lá cờ cho lành lặn để hôm sau có thể kéo cao trên bầu trời Tổ quốc. Bao người con ngã xuống cho cờ đỏ mãi tung bay. Bao công sức máu xương của lớp lớp cha ông đã đổ xuống cho màu cờ thắm tươi, cho sao vàng lấp lánh. Không thể đong đếm hết. Lá cờ Tổ quốc được kéo cao trong vinh quang chiến thắng, chứng kiến bao kỳ tích của thể thao nước nhà, của truyền thống hiếu học với nhiều tấm huy chương... mà màu cờ, sắc áo Việt Nam đã nhiều lần tự hào được tô thắm, xướng tên trên trường quốc tế. Niềm kiêu hãnh, song cũng là khát khao, sức sống trường tồn mãnh liệt của một dân tộc, là non sông gấm vóc, là thành quả của máu và hoa, là kết tinh của mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc để có được trọn vẹn hình hài lá cờ Tổ quốc hôm nay. 

Và, lá cờ Tổ quốc đang hiện thân trên mỗi con tàu, cùng ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ từng tấc đất, tấc nước toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi con tàu ra khơi mang theo hành trang không thể thiếu, đó là lá cờ Tổ quốc. Một cách để phân biệt giữa tàu của nước ta với tàu của các nước; cũng nhờ lá cờ ấy mà giữa các tàu của nước ta nhận diện được nhau và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp rủi ro trên biển. Và, từ sâu thẳm, hình ảnh lá cờ tung bay trên mỗi con tàu cũng chính là linh hồn Tổ quốc, dân tộc đang dõi theo phù trợ cho ngư dân đi biển, là đất liền yêu dấu, nơi ấy có gia đình, có những người thân yêu luôn ngày đêm ngóng trông, hướng cả trái tim yêu về bên họ - ngư dân - những người con của biển. 

Ngư dân Phạm Văn Đông ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, chuẩn bị cho chuyến ra khơi lần nào cũng vậy, ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết, bao giờ cũng có một vài lá cờ Tổ quốc được gấp gói cẩn thận mang theo trong suốt cuộc hành trình. Anh bộc bạch: “Lần nào thay lá cờ mới được kéo lên là chuyến đi hôm đó coi như gặp may mắn, đánh bắt được nhiều tôm cá. Bởi thế, mỗi thuyền viên trên tàu đều coi đó là lá bùa hộ mệnh, là vật thiêng, được đặt ở vị trí trang trọng, nơi cao nhất của con tàu, phù trợ cho tàu mang về những chuyến biển bội thu”. 

Với ngư dân Lê Xuân An, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), lá cờ Tổ quốc lại là điểm tựa tinh thần vững chắc để con tàu của anh vững vàng vượt qua trước muôn vàn sóng gió. “Khai thác ở vùng đánh cá chung có nhiều cái khó khăn phức tạp, ngư trường lớn, tàu mình công suất nhỏ, khó cạnh tranh với tàu của Trung Quốc, dễ xảy ra va chạm, rủi ro cao. Những lúc khó khăn như vậy, anh em trên tàu luôn động viên nhau, mắt ngước nhìn lá cờ Tổ quốc đang phấp phới tung bay mà tâm trí thì nghĩ về đất liền với bao cảm xúc trào dâng, bọn mình lại càng gắng tin, kiên cường, quyết tâm bám biển để giữ vững lãnh hải của Tổ quốc” - Anh An tâm sự. 

Thanh Hóa có đường bờ biển dài 102 km. Biển xứ Thanh không những cho nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có tiềm năng phát triển du lịch mà biển còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh – quốc phòng của tỉnh, của đất nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 tàu cá đang hoạt động trên biển, trong đó có gần 1.600 tàu khai thác xa bờ, chiếm 80% tổng công suất. Với đội ngũ lao động đi biển lên tới hàng chục nghìn người, mỗi năm đánh bắt thu về hàng chục nghìn tấn thủy hải sản các loại, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế chính sách, định hướng chiến lược trong lĩnh vực thủy sản, như: “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hỗ trợ xăng dầu, vay vốn với lãi suất ưu đãi... và hiện nay đang tích cực triển khai thực hiện chương trình đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, đã tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 80 tàu (vỏ gỗ và vỏ sắt) được duyệt đóng mới theo Nghị định 67, trong đó đã có 43 tàu ký được hợp đồng vay vốn ngân hàng (22 tàu đã hạ thủy và 21 tàu đang đóng), số tàu còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo qui định. Phía tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, như: củng cố các tổ đoàn kết trên biển (262 tổ), hỗ trợ thiết bị liên lạc tầm xa (đã trang bị 126 máy/262 tổ), thiết bị định vị vệ tinh, phao cứu sinh... Các chính sách đã phát huy được hiệu quả, từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất để ngư dân ổn định cuộc sống, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển. Cùng với các tàu khai thác, toàn tỉnh đã hình thành đội tàu thu mua và hậu cần dịch vụ nghề cá với hơn 100 tàu, góp phần hỗ trợ điều kiện tốt nhất cho các tàu khai thác đánh bắt hoạt động dài ngày trên biển. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ cho ngư dân, để họ chấp hành tốt các qui định pháp luật, nhất là những kiến thức liên quan đến vấn đề chủ quyền, biển đảo. Cùng với sự quan tâm ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho ngư dân bám biển khai thác thủy sản của Đảng và Nhà nước, ngư dân Thanh Hóa đã chủ động đầu tư vốn nâng cấp công suất tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu mới, ngư trường mới. Hiện nay, ngư trường đánh bắt xa bờ của các tàu cá tỉnh ta đang hoạt động chủ yếu ở vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc và đi sâu vào phía trong vùng biển Đà Nẵng, Quảng Bình. Hàng năm, Thanh Hóa được Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp&PTNT cấp giấy phép đăng ký khai thác vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc cho từ 200 tàu trở lên. Với những tàu tham gia đánh bắt ở vùng đánh cá chung giữa Việt Nam - Trung Quốc, quyền và chủ quyền biển đảo thiêng liêng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. 

Biển đem lại nguồn sống cho ngư dân, song biển cũng thất thường nổi trận phong ba bão táp “nuốt chửng” họ. Ngoài khơi xa, vẫn còn hàng vạn ngư dân đang phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Khi tác động của con người ngày càng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu của trái đất, nguồn lợi thủy sản ngày càng trở nên cạn kiệt, môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm cao; khi phần lớn ngư dân còn thiếu tàu có công suất lớn, hiện đại, chưa đủ năng lực vươn khơi và sức cạnh tranh, ngư trường khai thác ngày càng trở nên phức tạp, nhất là trong vùng biển tranh chấp... thì đó là những khó khăn chồng chất mà ngư dân đang gặp phải. Và, khi tình hình biển Đông đang trở thành tâm điểm, điểm nóng trên bàn nghị sự thế giới, vấn đề tranh chấp biển đảo giữa các nước ngày càng căng thẳng gia tăng những mối lo ngại, thì hơn bao giờ hết, lúc này đây, ngư dân đang cần nhiều chính sách  hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước và các ngành, các cấp để họ có thêm điểm tựa vững chắc, yên tâm vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Ngoài việc đánh bắt thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, mỗi ngư dân còn mang trong mình sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà Tổ quốc đã gửi trao, đó là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Một cách để họ thực thi quyền và chủ quyền của mình, thể hiện lòng yêu nước và sẵn sàng bảo vệ đất nước, trong đó có vùng lãnh hải là một phần của máu thịt Tổ quốc Việt Nam. Họ chính là “cột mốc sống”, là “đường biên giới di động” trên biển, là những “chiến sĩ” ngoan cường giữa mặt trận biển khơi. Trong hành trình thực thi sứ mệnh cao cả ấy có hình ảnh lá cờ Tổ quốc luôn hiện thân trên mỗi con tàu. Dẫu còn muôn vàn gian khó, nhưng niềm tin trong họ luôn bùng cháy mãnh liệt khi hướng về lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đang phấp phới tung bay trong gió, trước mỗi buổi bình minh. Nơi đó có tình yêu quê hương, đất nước, làng xóm, bạn bè, người thân gửi trao, để mỗi ngư dân luôn yên lòng bám biển. Như sâu thẳm lời bài thơ “Có lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông” của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn mãi còn cất lên: 

“...Có lá cờ Tổ quốc ở trong tâm

Máu trộn biển xanh, máu hòa nhịp sống

Đất nước của những người con chiến thắng

Có lá cờ Tổ quốc mãi tung bay”.  

Ngọc Anh


 

 

Các tin khác:
  • Sức mạnh kinh tế, nhìn từ biển (22/09/2016-11:12)
  • Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)