Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Đề cao trách nhiệm xã hội khi cầm bút (29/09/2016-11:08)
    Riêng nghề báo, có một thứ tòa án quan trọng không kém tòa án của Nhà nước đó là “Tòa án lương tâm” có ngay trong từng người cầm bút.
​Mỗi tấm gương nhà báo sẽ góp phần vào sự lành mạnh, trong sáng của hoạt
động báo chí. Ảnh minh họa

Mỗi người làm báo chúng ta đã từng chạm đến vấn đề, tình huống phải cân nhắc xung quanh hoạt động báo chí và tác nghiệp của nhà báo. Chúng ta cũng đã từng bàn đến việc làm thế nào để nhận diện hành động phi đạo đức trong báo chí. Chúng ta bàn đến cả vấn đề cụ thể đó, về lý về luật không sai, nhưng về đạo đức thì không nên làm. Chính vì cái ranh giới mong manh ấy, chúng ta cùng khảo sát một vài tình huống trong tác nghiệp mà vai trò của đạo đức nghề nghiệp có thể chi phối hướng thực hiện tác phẩm.

Câu chuyện lý, tình

Ở đây không đặt vấn đề nặng nhẹ trong cân nhắc, xử lý của nhà báo mà đưa vào lãnh địa của luật và địa hạt của đạo đức. Nói Lý - Tình là một cách nói cho dễ hiểu, thực ra chuyện luật và đạo đức không hoàn toàn như thế.

Nói đạo đức báo chí là nói đến sự thấu hiểu, tôn trọng tập quán, truyền thống của các cộng đồng để không đưa những thông tin thoái mạ, bôi xấu, xúc phạm hoặc can thiệp vào tập quán cũng như truyền thống. Chẳng hạn khi đưa tin về cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, bị truy tố về tham nhũng hay vi phạm nguyên tắc, chúng ta không sa đà vào việc kể lể quá trình hoạt động cách mạng, tuổi Đảng hay cương vị đã qua.

Thực ra, khi vi phạm pháp luật thì cái chính yếu là hành động phi pháp đó là đủ. Câu chuyện lý ở đây là đúng sai xét về bình diện pháp luật còn đạo đức ở đây là điểm dừng của phản ánh. Gần đây có chuyện lãnh đạo làm thất thoát tiền của, thua lỗ lớn, trong đó có sự hoang phí, xa xỉ trong chi tiêu của cá nhân đó và tập thể dưới quyền ông lãnh đạo đó xu nịnh. Lên án là đúng, là việc nên làm của nhà báo. Song, những người thân của kẻ tham nhũng mà bị liên lụy, phơi bày lên mặt báo thì cũng nên lấy đạo đức nghề nghiệp để xem xét.

Các cơ quan báo chí thường hay nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại. Qua báo chí, nhân dân tiếp tục tụ tập đông người đấu tranh đòi công bằng. Một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong từng vụ việc cụ thể có sai sót, thậm chí sai phạm, có những cán bộ có thể vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đó chỉ là những người thoái hóa biến chất. Nếu có báo dẫn tít kêu gọi “làm trong sạch đội ngũ...”, vô hình trung phủ nhận những nỗ lực và đóng góp cơ bản của ngành đó. Góc độ đạo đức ở đây là chỉ rõ người vi phạm và yêu cầu nghiêm trị trước pháp luật là đủ.

Trong tuyên truyền đối ngoại, nhà báo cũng phải đặc biệt lưu ý lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia. Đấu tranh vì hòa bình cho các dân tộc, sinh mạng con người, chống khủng bố, kỳ thị dân tộc, tôn giáo... là mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ. Tuy vậy, nhà báo Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ những hệ lụy, tránh những gì có thể gây hận thù, thiệt thòi cho đồng bào ta.

Gần đây, có báo đưa về “mật ong giả” ở Cà Mau. Việc đưa vội vàng, thiếu kiểm chứng và kết luận khoa học đã làm khổ cho bao người đời này qua đời khác sống nhờ vào lũ ong trong rừng U Minh. Dẫu có đính chính thì sự đã rồi, thiệt hại cho người dân là không thể đong đếm.

Trong hôn nhân cũng vậy, có những vấn đề được luật pháp quy định như: Tự do hôn nhân; hôn nhân một vợ một chồng; tuổi kết hôn của nam và nữ; quyền và trách nhiệm của chồng và vợ... Tuy nhiên, cũng có không ít những vấn đề, mối quan hệ hôn nhân mà pháp luật không điều chỉnh như: cơ sở của hôn nhân, quan hệ tình dục trước hôn nhân... việc thông tin ở đây không khéo sẽ gây những hệ quả, những phản ứng phức tạp, vô tình hại người.

Hành lang giữa được phép và vi phạm

Đã sinh ra luật là để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của báo chí. Đã có hành lang thì đương nhiên phân biệt vi phạm, chưa vi phạm.

Những gì luật không cho phép đương nhiên là bị cấm và bị xử lý khi sai phạm. Có điều, không thể có loại luật nào có thể chi phối hết được mọi hoạt động. Riêng nghề báo, có một thứ tòa án quan trọng không kém tòa án của Nhà nước đó là “Tòa án lương tâm” có ngay trong từng người cầm bút. Xử lý đúng, sai, nên hay không nên của tòa án lương tâm này chỉ có ở chính nhà báo và đồng nghiệp của họ.

Có thể đưa ra một thí dụ: Nhóm phóng viên truyền hình đi ghi hình làm tin về một vụ bắt gái mại dâm, khi sóng được phát lên các cô gái vì xấu hổ hay cảm thấy nhục nhã mà tự tước bỏ quyền sống. Chính vì thế, tác giả phải cân nhắc khoảng cách giữa sai đúng và gián tiếp giết người rất gần nhau. Trong khi bản tin không nhất thiết phải chỉ mặt, người xem cũng hiểu nội dung muốn nói gì. Đạo đức của nhà báo ở đây là vì con người, vì cuộc sống của họ.

Việc Luật Báo chí 2016 đưa đạo đức người làm báo vào luật cũng chính là để có thể xử lý khi vi phạm. Cụ thể: người bị thu hồi thẻ nhà báo bao gồm vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Và có thể khẳng định hành vi vi phạm đạo đức, chúng ta đã và đang tổ chức lấy ý kiến để xây dựng bộ quy định sẽ đồng thời thực hiện cùng Luật Báo chí 2016 từ 1/1/2017.

Chúng ta sẽ góp phần vào sự lành mạnh trong sáng của hoạt động báo chí bằng chính việc thực hiện Luật Báo chí và Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.

Theo Hữu Minh/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm (23/09/2016-14:20)
  • Quy định về đạo đức người làm báo phải cụ thể, chi tiết (15/09/2016-19:20)
  • Xây dựng, giữ môi trường báo chí lành mạnh, cung cấp sản phẩm sạch (06/09/2016-11:21)
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:10)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-17:01)
  • Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:13)
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (28/07/2016-7:15)