Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Lời ru buồn sau dãy Pù Hu (09/10/2016-22:10)
    Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào Mông, huyện Mường Lát đã có nhiều đổi thay. Dẫu vậy, vẫn có những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống người dân, nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang là một vấn đề nhức nhối, để lại bao hệ lụy buồn nơi vùng biên.

Phụ nữ và trẻ em bản Khằm I, xã Trung Lý (Mường Lát).

Những bà mẹ tuổi học trò

Chúng tôi lên Mường Lát -  huyện biên giới miền cực Tây của xứ Thanh trong tiết trời se lạnh của mùa thu. Những bản đồng bào dân tộc Mông nép mình trên lưng chừng dãy núi Pù Hu quanh năm mây phủ. Cuộc sống của người dân nơi đây bao đời vẫn vậy, chân chất, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên... Đi theo Quốc lộ 15C, qua các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn... chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh những bà mẹ trẻ ở tuổi 15, 16 địu con trên lưng, vẫn còn khoác trên mình chiếc áo học sinh. Nhìn khuôn mặt trẻ măng “ăn chưa no, lo chưa tới” đã làm mẹ, mà cảm thấy xót xa cho các em, chỉ vì hủ tục  như “chiếc vòng kim cô” khóa chặt những ước mơ cuộc đời.

Gia đình Giàng A Vảng, 21 tuổi và vợ là Vàng Thị Pia, 20 tuổi, ở bản Khằm I, xã Trung Lý đã có 3 con, đứa lớn nhất 4 tuổi, Pia lại đang mang thai đứa thứ 4 được 6 tháng. Khi chúng tôi hỏi, sao còn trẻ mà đông con thế? Pia hồn nhiên trả lời: 15 tuổi đã bị Vảng bắt về làm vợ,  rồi cứ mỗi năm đẻ cho nó một đứa! Vậy là, đông con thôi!

 - Thế cán bộ có tuyên truyền về dân số và kế hoạch hóa gia đình không?

 - Có chứ, cán bộ dân số và trưởng bản có nói cho rồi, nhưng vẫn cứ đẻ thôi!

Do đẻ nhiều, đẻ dày, kinh tế nhà Pia luôn thiếu trước, hụt sau. Ngày trước, khi mới sinh đứa đầu, vợ chồng Pia còn nuôi được con lợn, con gà, giờ thì đành chịu. Nương rẫy nhà Pia do không được thường xuyên chăm sóc nên cây ngô thì còi cọc, cây lúa thì ít hạt, gia đình thiếu đói,  Nhà nước phải trợ cấp. Con cái thì cơm ăn không được no, áo không đủ mặc, nên nheo nhóc.  

Bí thư chi bộ bản Khằm I Sùng A Pó, cho biết: Do trình độ dân trí  thấp, nên những cặp sinh nhiều như vợ chồng Vảng, Pia ở bản Khằm I không hiếm. Con gái trong bản, 15, 16 tuổi chưa có người để ý là coi như ế. Chúng nó cứ thấy ưng cái bụng là về ở với nhau, rồi sinh con đẻ cái, đứa nọ nối tiếp đứa kia, lít nha, lít nhít... Hai năm trở lại đây, bản Khằm I có tới 5 cặp vợ chồng kết hôn không đúng độ tuổi, 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Không riêng gì bản Khằm I, xã Trung Lý mà ở các bản người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát tình trạng kết hôn sớm, lấy nhau cận huyết thống đã có từ bao đời nay.

Chúng tôi ghé thăm một cặp vợ chồng ở bản Suối Phái, xã Tam Chung, được biết đây là trường hợp anh em khác họ lấy nhau, 2 lần sinh con đều chết yểu. Hỏi nguyên nhân vì sao sinh con hay chết yểu, vợ chồng Giàng A Táo bảo cũng không biết nữa, chỉ thấy đẻ đứa đầu xong được 1 tháng là con chết, đẻ đứa thứ 2 thì dị tật, sống được vài ngày rồi cũng chết... Qua tìm hiểu, được biết: Đồng bào Mông có quan niệm, cứ khác họ là có thể lấy nhau, dẫu đó là con cô, con cậu. Quan hệ anh em càng gần thì con cái khi lấy nhau sẽ càng dễ sai bảo, dễ thông cảm và thương yêu nhau nhiều hơn... Nhà nào không may con cái có biểu hiện như khuyết tật, khả năng nhận thức kém hoặc sinh con ra bị chết, người Mông cho rằng đó là do ma làm, hoặc do trời trừng phạt, chứ không biết rằng đó là hậu quả của hôn nhân cận huyết thống.

Xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Lát, hiện trên địa bàn huyện có  hơn 6.000 cặp gia đình ở độ tuổi từ 15 đến 49, trong đó có gần 200 trường hợp tảo hôn cận huyết tập trung chủ yếu ở các xã: Nhi Sơn, Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý... Tuy nhiên, con số này chỉ là tương đối, vì thực tế số các cặp vợ chồng tảo hôn lớn hơn nhiều.

Tình trạng tảo hôn ở Mường Lát đang là một vấn đề nhức nhối đáng quan ngại. Điều này không những vi phạm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, mà còn để lại những hệ lụy khó lường. Đã có nhiều cuộc hôn nhân do tảo hôn và lấy nhau cận huyết sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, còi cọc, suy dinh dưỡng. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhưng hầu hết, phụ nữ đồng bào người dân tộc Mông đều thiếu hiểu biết pháp luật và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy, việc xóa bỏ hủ tục và thay đổi nhận thức của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn...

Trước tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang ngày càng gia tăng ở miền núi, ngày 25-9-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3715 về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.  Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Văn Tưởng cho biết: Để đề án thực sự có hiệu quả, giúp các địa phương giảm thiểu hủ tục còn tồn tại từ nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng học sinh; xây dựng mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về những tác hại trong việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào người Mông. Huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong hôn nhân và gia đình ở vùng miền núi, phấn đấu đến năm 2020 không còn tảo hôn và cơ bản giảm tối thiểu kết hôn cận huyết thống. 

Mong rằng, từ sự quan tâm, phối hợp của các ngành, đoàn thể, với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, đồng bào sẽ dần bỏ đi nếp nghĩ cổ hủ, lạc hậu trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái và trong việc sinh đẻ. Có như vậy, bản Mông mới mong thoát khỏi cái đói nghèo, lạc hậu. Để rồi, những đứa trẻ ở các bản bên dãy núi Pù Hu được sinh ra khỏe mạnh, lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ. Các em sẽ được đến trường học  cái chữ, đem tri thức về với bản, thắp lên ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Minh Hiếu
(Báo Thanh Hóa)

 

Các tin khác:
  • Thu này ở xứ Thanh (31/08/2016-7:40)