Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Làm du lịch ở miền Tây (18/10/2016-10:35)
    (NLBTH) - Có lẽ, với nhiều người, xứ Thanh là thiên đường của du lịch biển, là điểm lựa chọn đầu tiên cho hành trình của mình. Nhưng với tôi, biển chỉ là một phần trong hành trình khám phá xứ Thanh, là một phần trong những trang viết của tôi.
Bản Kho Mường (xã Thành Sơn, Bá Thước) ngày càng khởi sắc

Những ngày đầu bước chân vào tòa soạn Báo Văn hóa và Đời sống, tôi được giao viết bài cho trang Dân tộc - Miền núi. Đi, suy ngẫm, và viết. Qua những đề tài về cuộc sống, về sự cố gắng vươn lên thoát nghèo của cộng đồng dân tộc miền núi phía Tây của tỉnh… đã mang đến cho tôi những góc nhìn, cảm nhận mới về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Và hơn cả là bản chất thật thà, mến khách của đồng bào nơi đây. Có lẽ vì thế, họ đến với hoạt động du lịch như một lẽ tự nhiên. Không cầu kỳ, không chuyên nghiệp, nhưng qua mỗi hành động, lời nói luôn mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, vui vẻ…

Cũng đến gần nửa năm trời tôi chưa trở lại miền Tây, chưa trở lại bản Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) hay Khu Bảo tồn thiên nhiên ( BTTN) Pù Luông…

Cũng lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại những người dân bản Kho Mường, xã Thành Sơn (Bá Thước), gặp lại vị trưởng bản già Hà Đình Nếch. Tôi còn nhớ như in cái ngày mưa gió cùng với một người đồng nghiệp về với Khu BTTN Pù Luông (bản Kho Mường, xã Thành Sơn, Bá Thước). Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thị trấn Cành Nàng lúc 7 giờ sáng. Quãng đường vào tới đây thật không dễ dàng, khó khăn càng nhân lên gấp bội với cánh phóng viên nữ như chúng tôi. Tới gần 11 giờ trưa, chúng tôi mới chinh phục được Kho Mường và có mặt tại ngôi nhà sàn thoáng mát của trưởng bản Hà Đình Nếch. Đây cũng chính là một trong những ngôi nhà phục vụ du khách ăn uống, lưu trú của bản. Bên ấm trà nóng, trưởng bản Nếch chậm rãi giới thiệu khái quát với chúng tôi về Khu BTTN Pù Luông, những kỷ niệm về những ngày đầu làm du lịch và cả những câu chuyện thú vị trong qua trình “tác nghiệp” của bà con trong bản với du khách nước ngoài…

Ông cho biết, gia đình mình thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài, vì thế bên cạnh việc tu sửa, làm mới các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp… bản thân ông và các thành viên trong gia đình còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là tự học thêm nhiều thứ tiếng nước ngoài để thuận tiện trong quá trình giao tiếp, ứng xử… Nhờ hoạt động du lịch mà từ một Kho Mường nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ, giờ đây cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong bản ngày càng ổn định, khấm khá.

Sau 2 ngày tác nghiệp ngắn ngủi tại Kho Mường, chúng tôi trở về với phố thị, mang theo những đặc sản từ núi rừng, cũng như tình cảm nồng ấm của bà con nơi đây, và lòng thầm nghĩ “Kho Mường rồi sẽ đổi mới”.

Thực tế một vài năm trở lại đây cho thấy hoạt động du lịch tại khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa đã và đang thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi còn gặp nhiều khó khăn và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với một số điểm đến du lịch như Khu BTTN Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh)… đã thu hút hàng trăm người dân địa phương trực tiếp và gián tiếp tham gia. Thông qua việc phát triển du lịch mà các sản phẩm, dịch vụ, tiềm năng văn hóa bản địa cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách như: hàng dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm đan lát, rượu cần, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, các loại nhạc cụ truyền thống…

Việc phát triển du lịch cộng đồng đã giúp người dân có nguồn thu nhập khá ổn định, trong khi nguồn vốn “đầu tư” chủ yếu là những thứ sẵn có. Ví dụ như ở Cổ Lũng (Bá Thước) cuộc sống của những gia đình có dịch vụ du lịch ngày càng khá dần lên, bình quân mỗi tháng mỗi hộ có dịch vụ lưu trú đón từ 40 - 50 khách, mỗi khách lưu trú chi phí cho chủ nhà khoảng 50.000 đồng. Ngoài ra, người dân còn có thêm một số nguồn thu khác từ các dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm cho du khách… mang lại nguồn thu khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm/hộ.

Hay như Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đời sống người dân đang ngày một thay đổi rõ nét. Các hoạt động trong làng như nghỉ trọ, vận chuyển, dẫn khách và các hoạt động khác đều có mục đích là phục vụ khách du lịch. Khoản tiền thu được từ du lịch đã phần nào phát triển kinh tế hộ gia đình và bổ sung vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội…

Ngoài đóng góp về thu nhập cho kinh tế địa phương, du lịch đã và mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Đặc biệt, khi hoạt động du lịch được đầu tư và nhân rộng hiệu quả, thì nhu cầu về dịch vụ cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, sự gia tăng về mức sống sẽ góp phần thay đổi về lối sống, nếp nghĩ, phép ứng xử cũng như cách thức làm du lịch trong cộng đồng dân cư.

Từ tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch mà những năm gần đây một số huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa đã thu hút được vốn đầu tư của một số tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Đồng thời ở một mức độ nào đó, được coi là có sự tác động nhân cấp về kinh tế - xã hội làm thay đổi đời sống kinh tế người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi cuộc sống còn nghèo khó.

Có thể nói, du lịch Miền Tây xứ Thanh đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển năng động và hiệu quả hơn nhờ có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ…

Hoài Anh

 

Các tin khác:
  • Tháng mười nồng nàn phố (13/10/2016-17:06)
  • Ngoại ô thương nhớ (05/10/2016-21:53)
  • Mùa khói làng ta… (04/10/2016-21:42)
  • Kết nối Golftour Sầm Sơn và Công bố tour du lịch Thanh Hóa với du khách Hàn Quốc (03/10/2016-7:52)
  • Giữ gìn tiếng Việt từ cái tên gần gũi của mình (29/09/2016-12:19)
  • Lấy nghệ danh tiếng nước ngoài: Nên hay không? (29/09/2016-12:15)
  • Đổi mới chương trình văn nghệ - giải trí theo hướng truyền hình hiện đại (25/09/2016-15:47)
  • Mê đắm thác Đồng Quan (23/09/2016-15:13)
  • Ngồi Gác Trịnh bên dòng Như Ý (23/09/2016-14:24)
  • Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Tiếng nói người trong cuộc (19/09/2016-14:15)