Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Kỷ niệm với Trường Sa (26/10/2016-21:19)
    Với 2 năm tuổi nghề, hai lần tác nghiệp ở Trường Sa không chỉ giúp tôi có những bức hình, bài viết về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc...
Thăm đảo Núi Le A (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: baophuyen.com.vn

Nơi đó còn đem tới cảm xúc rưng rưng của một người con đất Việt khi cùng thấu hiểu, chia sẻ những câu chuyện cùng những con người đang ngày đêm canh giữ biên cương giữa ngàn trùng sóng gió.

Tác nghiệp khi say sóng

Đi Trường Sa mùa biển động, với cánh nhà báo, phóng viên, đối mặt với những cơn say sóng “đặc sản” của biển đã khó khăn, để có thể tác nghiệp, lấy đủ tư liệu, hình ảnh cho bài viết của mình càng thêm phần gian nan. Cảm giác say sóng mệt hơn nhiều lần so với say tàu, xe, làm bạn cảm thấy không còn chút sức lực nào để làm việc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả chất lượng công việc. Cả đoàn công tác có hơn 20 phóng viên, hành lý mang theo của mỗi người không chỉ là máy ảnh, máy quay phim, dụng cụ tác nghiệp, mà còn là những miếng dán, thuốc chống say, hoa quả để được lâu ngày như xoài xanh, bưởi, củ đậu...

Quan trọng nhất là phải “giữ mình” trong những ngày đầu ở trên tàu, hạn chế đi lại, nằm nhiều hơn ngồi, tránh say sóng, sinh hoạt có giờ giấc để bảo đảm sức khỏe tốt nhất. Hơn ai hết, phóng viên chúng tôi hiểu rằng nếu không đủ sức khỏe, say sóng và nằm một chỗ thì cả chuyến tác nghiệp quý báu sẽ thành công cốc.

Có những ngày biển động mạnh, sóng lên đến cấp 7, cấp 8, may mắn thay, suốt những chuyến hải trình, dù có một vài người say, nhưng vẫn đủ sức để “chiến đấu”. Có người đùa rằng, chắc do lửa với nghề quá lớn nên đã át hết cơn say rồi.

Đi biển, giữa mênh mang sóng nước nên việc giữ đồ nghề tác nghiệp là bài học phải nằm lòng. Không phải đảo nào cũng có cầu tàu để cập vào như đảo Trường Sa, nên chúng tôi phải di chuyển bằng xuồng chuyển tải. Mỗi lần như vậy, anh em phóng viên lại gói hết máy ảnh, camera, sổ sách, máy ghi âm... vào túi nilon chuyên dụng được cấp, cột chặt lại, có người cẩn thận bọc 2 lớp túi với tôn chỉ “Thà người ướt chứ máy không được dính một giọt nước biển”.

Ấy thế nhưng vẫn có tai nạn nghề nghiệp xảy ra, nhà báo Hứa Mạnh Thái - Báo Tuyên Quang cũng vì muốn có những bức ảnh tư liệu lúc lên xuống xuồng ở đảo An Bang mà “hy sinh” mất chiếc điện thoại của mình dưới tay con sóng lớn chồm lên mạn xuồng.

Chỉ một sơ suất, việc hư hỏng máy móc là điều khó tránh khỏi khi tác nghiệp ở Trường Sa, ở đất liền còn có thiết bị chữa cháy, chứ ra đảo thì có núi tiền cũng chịu. Những lúc vậy, anh em phóng viên lại san sẻ lại cho người đồng nghiệp thiếu may mắn những tấm hình, thước phim do mình chụp, quay được. Nhờ vậy, sau mỗi chuyến đi, tình cảm anh em phóng viên với nhau càng khăng khít.

Không phải đảo nào chúng tôi cũng được ở lại qua đêm, với những đảo chìm, thời gian ở trên đảo chỉ khoảng 4, 5 tiếng đến nửa ngày, nên việc tác nghiệp phải rất khẩn trương. Đang tác nghiệp nhưng nghe loa thông báo tất cả tập trung rời đảo là ai nấy phải nhanh tay thu dọn đồ nghề của mình, bởi, mọi kế hoạch di chuyển của đoàn đều được lên lịch kỹ lưỡng từ trước, chỉ một người chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công việc chung.

Viết được bài rồi, việc gửi về cơ quan để kịp ra báo còn khiến anh em phóng viên nhiều phen dở khóc, dở cười. Đi Trường Sa, chỉ mỗi nhà mạng Viettel phủ sóng được cho các đảo, nhưng cũng chỉ dùng Internet được ở tốc độ 2G. Gửi một tấm hình nặng 1MB qua mail ở đất liền chỉ mất chưa tới 5 giây, cũng tấm hình ấy, ở đảo có khi mất gần 1 giờ đồng hồ, nên anh em thường nén hình lại với kích cỡ nhẹ nhất để gửi về.

Nửa đêm, lên boong tàu nhìn thử, thấy anh chị nào còn miệt mài ôm laptop, nhìn chằm chằm vào màn hình, mặc gió thổi phần phật bên tai, đích thị người đó đang cố gửi bài viết về đơn vị. Thỉnh thoảng, trong góc nào đó lại có người reo lên “gửi được rồi”, góc khác lại có người thở dài, gấp máy tính đi ngủ, hỏi ra mới biết gửi bài gần xong rồi lại rớt mạng, đành hy vọng sáng sớm hôm sau.

​Kỷ niệm khó quên

 

                         

                                   Tác giả chụp ảnh kỷ niệm khi tới tác nghiệp tại Trường Sa

Một chuyến đi Trường Sa, nhanh thì một tuần, lâu có khi mất cả tháng trời. Nhưng dù ngắn hay dài, sau mỗi chuyến đi như vậy, để lại trong tôi những cảm xúc, kỷ niệm rất khó tả. Đó là cảm giác bồi hồi, xao xuyến khi những cán bộ, chiến sĩ, người dân ở đảo cùng ra đón đoàn công tác, những cái ôm thật chặt, những câu hỏi thăm thân tình dù mọi người chưa hề biết nhau. Đó cũng là cảm giác tự hào, vinh dự khi được vác máy ảnh đi khắp đảo, ghi lại những khoảnh khắc sinh hoạt rất đỗi bình dị của người dân, chiến sĩ nơi đây.

Chúng tôi đến từng nhà dân, trò chuyện cùng những ngư phủ tần tảo, kiên cường bám biển; tỉ tê với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đảo, nên các em có một tâm hồn trong veo như màu nước biển ở đây; hay ngồi bên chén trà nóng, cùng tâm sự với những người chiến sĩ có làn da đen sạm vì nắng, vì gió... Trường Sa là vậy, có những chuyện tưởng chừng không bao giờ xảy ra nhưng lại mồn một trước mắt.

Cánh phóng viên chúng tôi cũng không ít kỷ niệm ở Trường Sa. Càng đi, mọi người càng xem nhau như anh chị em trong một nhà, lo cho nhau từng bữa cơm, chén trà. Hễ có người say sóng, bỏ cơm, là lại được cả phòng chăm chút từng tí một cho khỏe hẳn.

Đến giờ, mỗi lần nhắc lại, nhà báo Bạch Thành Phương - Báo điện tử Quốc phòng vẫn cười xòa với tôi: “Nhờ mấy viên kẹo sâm của chú mà anh đỡ được cơn say sóng”. Còn nhà báo Lê Ngọc Hân - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, dù không đi cùng tàu với tôi, mỗi đợt tàu neo gần đảo, có sóng điện thoại lại gọi điện cho tôi để hỏi han tình hình. Hải trình mỗi tàu mỗi khác, lúc chị gọi được cho tôi lại mừng hớn lên: “Chị gọi cho chú cả chục cuộc từ hôm qua tới giờ mới được đấy. Tình hình bên đó sao rồi, tàu chị có mỗi mình chị là nhà báo nữ nên được mọi người ưu ái lắm, có say sóng nhưng mọi người quan tâm nên đỡ phần nào”.

Rồi cứ vậy, hai chị em lại tỉ tê, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt chuyến hải trình dài ngày. Ở đây, con người thật thà, chất phác, thẳng tính như cây bàng vuông vậy. Dù có bão bùng, gió quật, họ vẫn vững chãi hiên ngang trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Kỷ niệm với Trường Sa có lẽ là ký ức khó quên nhất đối với mỗi nhà báo đã từng tác nghiệp ở đây, là điểm tựa cho tôi ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình. Và sau tất cả, Trường Sa đã giúp tôi, cũng như các đồng nghiệp khác thấy trân trọng hơn nghề mà mình đã chọn.

Theo Vĩnh Thành/Người làm báo


 

Các tin khác:
  • Thiêng liêng lá cờ chủ quyền (23/09/2016-15:59)
  • Sức mạnh kinh tế, nhìn từ biển (22/09/2016-11:12)
  • Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)