Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Gương sáng người Dao làng Tân Thành (13/12/2016-15:50)
    (NLBTH) Là người am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, trực tiếp truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con dân làng, bằng uy tín của mình, trong những năm qua, ông Bàn Văn Quý, người dân tộc Dao ở làng Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng thực hiện tốt phong trào xây dựng làng văn hóa, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chúng tôi gặp ông Quý khi vừa chung vui ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trở về nhà. Trong ngôi nhà gỗ mái ngói, ông kể chuyện: Trước đây, tập quán của người dân tộc Dao là du canh du cư, nay đây mai đó trên các triền núi cao. Sản xuất tự cấp, tự túc lại phụ thuộc chủ yếu vào việc săn bắn thú rừng nên cuộc sống đói nghèo triền miên. Đến năm 1979, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, người Dao từ đỉnh Nương Ngô về định cư, dựng nhà ổn định đời sống  tại xã Thạch Lập, đặt tên làng là Tân Thành. Ngày mới lập làng, người dân vẫn giữ thói quen săn bắn, chưa biết canh tác lúa nước. Được cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn cách gieo trồng cây lúa nước, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây gây rừng... ông đã chuyên tâm học hỏi với suy nghĩ: Nếu có gạo, dân làng sẽ yên tâm định cư. Từ suy nghĩ ấy, ông đã vận động dân làng khai hoang đất làm ruộng để gieo trồng lúa nước. Sau những ngày lao động miệt mài, hình hài những thửa ruộng được làm xong, cũng là lúc vào vụ gieo trồng mới. Nhưng có một vấn đề, mà dân làng chưa tính hết, là trồng lúa phải có nước, mà ở làng lại không có sông, có suối. Để giải bài toán này, ông đã cùng với người dân trong làng tiến hành khơi dòng từ khe nước giữa làng, be bờ đắp đập làm hồ chứa. Sau gần 1 tháng đào, đắp, làm mương, những giọt nước đầu tiên chảy về tưới mát cho đồng ruộng trong niềm hân hoan của dân làng.

Có nước, có ruộng ông đã cùng với dân làng tiến hành gieo cấy lúa đúng theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Đất không phụ người, ngay từ vụ đầu, năng suất lúa của làng đã đạt 80 kg/sào. Đến nay, trong làng đã có gần 20 ha  lúa trồng 2 vụ. Khi bồ lúa của dân làng đã đầy, ông Quý lại suy nghĩ: đất rừng mình rộng, nhà mình đông người, lúa trồng có một vụ thì cũng chỉ đủ cho cái miệng nó ăn, chứ không thoát được cái nghèo, nên cần phải chăn nuôi và trồng rừng. Vì thế, năm 1996, thực hiện Dự án 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc, ông đã vận động vợ con khai hoang trồng rừng. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 1 ha rừng chủ yếu là cây xoan; cây lát.

Khi đã đủ cái ăn, no cái bụng nhưng đói cái chữ thì làm việc gì cũng khó, cuộc sống cũng chỉ quanh quẩn ở ngàn sơn. Muốn đổi mới phải có kiến thức, phải đầu tư cho việc học. Từ suy nghĩ ấy ông đã căn dặn con cái trong gia đình phải cố gắng học tập. Nghe lời ông 4 người con đã cố gắng thi đậu vào các trường đại học, trung cấp; ra trường tự tìm việc làm. Thấy tấm gương của các con ông Quý, dân làng Tân Thành đã  ý thức được việc thiếu cái chữ, thiếu kiến thức là một trong những nguyên nhân làm cho bản làng kém phát triển, không thoát được đói nghèo, vì vậy, những năm gần đây các hộ gia đình đã chú trọng đầu tư cho việc học tập của con em mình.  Hiện nay ở Tân Thành, phong trào khuyến học khuyến tài không chỉ được phát động tới các hộ dân, khu dân cư mà còn được các dòng họ tích cực tham gia hưởng ứng. Các dòng họ đều lập ra quỹ khuyến học, số tiền các gia đình đóng góp sẽ dành thưởng cho các em học sinh của làng thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng. Hiện nay, làng  Dao Tân Thành có gần 20 sinh viên đang theo học ở các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Trong đó có những học sinh thi đậu vào các trường đại học tốp đầu của cả nước như:  Học viện Quân sự; Học viện An ninh nhân dân hay Đại học Y...

Những năm gần đây, tuy đời sống người dân được nâng lên, nhưng đồng bào dân tộc Dao vẫn còn duy trì một số tập quán gây tốn kém tiền của cho nhiều gia đình, mà tiêu biểu là tục làm chay cấp sắc. Trước đây, khi làm lễ nhiều gia đình phải giết bò, giết lợn, giết gà... mời cả làng đến ăn trong ba ngày, ba đêm. Để hoàn thành được lễ cấp sắc cho một thành viên trong nhà, nhiều gia đình phải vay, mượn tiền, bạc trong gia đình, bạn bè, anh em mà  không biết đến lúc nào mới trả hết. Trước thực trạng trên, để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, ông Quý đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng bỏ bớt những thủ tục không cần thiết và rút ngắn thời gian xuống còn 1 ngày, giảm  chi phí khi làm lễ. 

Hiện nay, sau hơn 30 năm định cư tại xã Thạch Lập, đời sống người Dao ở làng Tân Thành có nhiều khởi sắc, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định, trong làng không có người nghiện ma túy,  tình làng, nghĩa xóm luôn bền chặt, mọi người cùng đoàn kết, gắn bó phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Nhân dân đã biết áp dụng khoa học vào sản xuất đưa các giống ngô, lúa có năng suất cao vào sản xuất, trong phong trào xây dựng nông nông mới, người dân đã tích cực đóng góp làm đường bê tông, giữ gìn vệ sinh môi trường.  

Có được những đổi thay đáng mừng như ngày hôm nay, người Dao Tân Thành luôn nhắc đến ông Bàn Văn Quý bằng cả niềm  kính trọng. Bằng  kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông Quý luôn là cầu nối chuyển tải những tâm tư nguyện vọng của bà con trong thôn lên các cấp chính quyền, đồng thời, tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Với những đóng góp của mình, năm 2010 ông Quý vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 2016, ông cùng với 37 đại biểu ưu tú là người có uy tín của tỉnh Thanh Hóa được tham dự tại lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ.

Minh Hiếu

 

Các tin khác:
  • Người đưa nghề, mở hướng làm giàu về quê (13/12/2016-15:49)
  • Người phụ nữ gương mẫu (13/12/2016-15:47)
  • Gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi (23/11/2016-7:18)
  • Người cựu chiến binh gương mẫu (18/11/2016-10:49)
  • Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến học và làm theo lời Bác (18/11/2016-10:44)
  • Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế (18/11/2016-10:42)
  • Gần dân để bảo vệ rừng (18/11/2016-9:42)
  • Phát động Cuộc thi viết “Công dân gương mẫu - tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” (23/06/2016-14:37)
  • Thể lệ Cuộc thi viêt “Công dân gương mẫu - tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” (23/06/2016-8:16)