Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Gieo mầm mơ ước (27/12/2016-13:54)
    (NLBTH) - Men theo con đường ghồ ghề, chúng tôi đến thăm tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Mạnh Cường - Lê Thị Dung ở khu 14, phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn). Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ giản dị mà ấm cúng, nghị lực của chàng trai, nụ cười tươi tắn, yêu đời của cô gái tật nguyền khiến lòng người dường như ấm lại.

Sinh ra trên cuộc đời, ai cũng muốn có một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, chàng trai Nguyễn Mạnh Cường cũng đã từng có điều quý giá ấy. Vậy nhưng, khi bước vào những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời - tuổi 20, sau một tai nạn giao thông đã khiến anh bị liệt đến 2/3 cơ thể. Vậy nhưng, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, khát vọng được tiếp tục sống ý nghĩa trên cuộc đời này đã thôi thúc chàng trai đứng dậy và thay đổi. Anh bắt đầu bằng chuỗi ngày triền miên luyện viết, tập điều khiển hai ngón tay trỏ. Không phụ lòng người, anh đã viết được trở lại, cầm nắm điện thoại và tự lực được một số sinh hoạt hàng ngày. Qua chiếc radio nhỏ và màn hình tivi, anh biết về các cuộc thi “làm giàu trên đất quê mình”, cuộc thi viết kịch bản truyền thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam và mày mò viết bài gửi tham gia. Những sự ghi nhận đầu tiên kèm theo phần thưởng đã dần nhen nhóm niềm vui sống trở lại trong anh. Tích cóp được ít vốn nhỏ nhoi, anh mua một chiếc máy tính và kết nối internet. Từ đây, một chân trời mới như mở ra trước mắt, anh bắt đầu học cách làm giàu từ kho tri thức vô tận trên internet.

Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nhờ thế chấp hai sổ lương hưu của bố mẹ để vay vốn ngân hàng cộng thêm ít tiền vay mượn được từ bạn bè, năm 2009 anh mua 2 đôi nhím, 4 đôi lợn rừng về gây giống. Sau đó, mở rộng thêm các đối tượng con nuôi “đặc sản” từ lợn rừng, sâu rồng, nhím, rùa, chồn nhung đen... và đặt tên cho trang trại là  “Độc Nhất Một”. Anh lập website, hăm hở vào các diễn đàn trực tuyến để chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Chẳng mấy chốc, “Độc Nhất Một” đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người nông dân có nhu cầu nuôi thú hoang đặc sản làm kinh tế vườn. Việc chọn mua con giống, giao dịch buôn bán đều do anh thực hiện qua mạng internet, còn bố mẹ thay anh giám sát trực tiếp công việc chăn nuôi.

Ngoài đầu tư phát triển chăn nuôi, năm 2012, nhận thấy công việc làm tranh đá quý phù hợp với người khuyết tật (NKT). Anh đã bàn hướng phát triển nghề  với Lê Thị Dung - cô bạn quen trên các diễn đàn đang phải ngồi xe lăn vì bại liệt. Đồng cảm với anh Cường, chị Dung đã từ Pleiku (Gia Lai) ra Bỉm Sơn. Từ đây, cuộc đời, ước mơ của đôi bạn trẻ như được thổi thêm luồng sinh khí và bước sang một trang mới. Có Dung, những ý nghĩ của Cường dần trở thành hiện thực. Đôi bạn nương tựa vào nhau, cùng nhau thực hiện những dự định, hoài bão bấy lâu nay còn dang dở. Sẵn có đôi bàn tay tài hoa và nghề thiết kế đồ họa, chị tình nguyện lên tỉnh Yên Bái học cách làm tranh đá quý. Cùng với sự trợ giúp của gia đình và số vốn tích cóp từ bấy lâu nay, 2 bạn trẻ thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tâm Ngọc và tìm cách phát triển nghề tranh đá quý; dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và phụ nữ nghèo. Vào những thời gian cao điểm, công ty tạo việc làm cho 30 lao động. Chị Dung chia sẻ: Mỗi bức tranh làm ra, không chỉ đẹp vì những viên đá lấp lánh, mà còn đẹp vì lòng quyết tâm, ý chí và tâm hồn của những NKT. Nhiều NKT đã tìm được con đường khởi nghiệp từ công việc này.

Không chỉ mang lại thu nhập, công việc làm tranh đá quý còn mang lại niềm vui, là cầu nối giúp NKT tự tin, hòa nhập với cuộc sống. Khi mới thành lập công ty, đôi bạn trẻ gặp rất nhiều khó khăn vì cán bộ, công nhân viên của công ty phần lớn là NKT, hạn chế về tay nghề và giao tiếp. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không dập tắt được quyết tâm của đôi bạn trẻ. Được sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, đến nay, công ty đã mở được 2 lớp nghề tranh đá quý cho 70 học viên là NKT và phụ nữ nghèo và giúp nhiều người khởi nghiệp từ nghề này. Đến nay, Công ty Tâm Ngọc có hai điểm trưng bày sản phẩm tại thị xã Bỉm Sơn, đại lý độc quyền tại TP Thanh Hóa và Tây Nguyên.

Gần 15 năm làm bạn với căn bệnh liệt tủy sống, ít ai tưởng tượng được rằng, chàng trai này có thể làm nên những điều khác người như vậy. Công ty Tâm Ngọc hiện nay đang quản lý  một xưởng làm tranh đá quý, một xưởng làm cám cho chim, cá cảnh, một trang trại chăn nuôi những con đặc sản, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, trong đó có 10 lao động là NKT, thu nhập từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của công ty từ 500 đến 700 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 đến 250 triệu đồng. Hàng năm, công ty cũng dành ra từ 3-10 triệu đồng để thăm hỏi những NKT trên địa bàn. Ước mơ của đôi bạn trẻ trong thời gian gần nhất là xây dựng một xưởng sản xuất và phân phối thức ăn dành cho chim cảnh. Khi đó “Độc Nhất Một” sẽ trở thành ngôi nhà chung, tạo nhiều cơ hội hơn cho những NKT.

Minh Hằng

 

Các tin khác:
  • Gương sáng người Dao làng Tân Thành (13/12/2016-15:50)
  • Người đưa nghề, mở hướng làm giàu về quê (13/12/2016-15:49)
  • Người phụ nữ gương mẫu (13/12/2016-15:47)
  • Gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi (23/11/2016-7:18)
  • Người cựu chiến binh gương mẫu (18/11/2016-10:49)
  • Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến học và làm theo lời Bác (18/11/2016-10:44)
  • Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế (18/11/2016-10:42)
  • Gần dân để bảo vệ rừng (18/11/2016-9:42)
  • Phát động Cuộc thi viết “Công dân gương mẫu - tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” (23/06/2016-14:37)
  • Thể lệ Cuộc thi viêt “Công dân gương mẫu - tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” (23/06/2016-8:16)