Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Người gieo chữ trên thượng nguồn sông Âm (04/01/2017-13:11)
    Buổi sáng trên non cao, mây núi quấn quýt che khuất tầm nhìn. Bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) như còn ngủ trong lớp sương mù, chỉ có con người đã thức dậy từ sớm để lên nương, xuống chợ, còn trẻ nhỏ thì í ới gọi nhau cùng đến trường.

Như thường lệ, đón lũ trẻ là cô giáo của chúng. Chỉ khác là, thay vì đón ở lớp học, chị Lò Thị Tuyền lại đón từ bờ này sông Âm đưa sang bờ bên, rồi cô trò cùng vào lớp. Đó là công việc, hằng ngày của người giáo viên cắm bản này. Đã gần 15 năm, bất kể ngày nắng, ngày mưa, mùa đông hay mùa hè, việc đón đưa học sinh qua sông đã là việc bắt đầu và kết thúc một ngày lên lớp của chị. Chúng tôi may mắn gặp chị đúng vào thời điểm chị đang chờ lũ trẻ trước giờ vào học. Chỉ cho chúng tôi đoạn sông chị và lũ trẻ sẽ phải lội qua, chị kể: “Cũng may đây là đoạn nước nông, nên từ trước đến nay chưa có học sinh  bị đuối nước hay bị nước cuốn trôi. Thế nhưng, khi mưa lớn, lụt lội, nước dâng cao thì nguy hiểm lắm”. Nhắc đến nước sông mùa lũ, chị Tuyền kể lại một lần vượt sông khiến tính mạng hai mẹ con như “chuông treo sợi chỉ”.

Cách đây chừng chục năm, lúc ấy chị mới sinh con. Vì nhà trường có việc gấp, buộc phải có mặt nên chị bế theo cả con nhỏ đến trường. Vì nước lớn, lại chảy xiết nên chồng chị phải nhờ bà con dân bản lấy luồng làm thành bè tạm và giúp vợ chồng qua sông. “Tay ôm con nhỏ, lại không có chỗ bấu víu nên chị run lắm. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy sợ và không biết khi ấy mình lấy đâu ra can đảm để vượt sông nữa”. Thấy tôi băn khoăn “tại sao không có cầu?”, chị cho hay: Thương bọn trẻ đến trường vất vả, trước đây bà con cũng từng dựng cầu bằng cách đan rọ tre bỏ đá vào làm trụ và lấy gỗ ghép lại làm mặt cầu. Dẫu vậy, sức của cầu tạm không đủ chống chọi với con nước, nên cứ đêm mưa to là sáng hôm sau đã không thấy cầu đâu nữa.

Mãi nói chuyện, tiếng trẻ con líu ríu phía sau đã “gọi” cô giáo của chúng trở về công việc hàng ngày. Vậy là chị Tuyền lại tay bồng, tay bế đứa nhỏ và dẫn theo chừng dăm bảy đứa lớn hơn, lội qua đoạn nước nông để sang bờ kia sông Âm. Cảnh tượng cô trò bồng bế, dắt díu nhau vượt qua dòng nước, khiến người nhìn không khỏi xót xa. Nghĩ dại, nhỡ không may có điều bất trắc ập tới, liệu mình chị Tuyền có kịp xoay xở? Những đứa trẻ chừng 3 - 7 tuổi, còn ngây ngô non nớt, vẫn cười đùa vui vẻ như không hay biết dưới chân chúng là con nước đục ngầu và con đường đến trường của chúng lẽ ra phải bằng phẳng hơn chứ không đầy bất trắc như vậy. Thương lũ trẻ, càng khâm phục tình thương và nghị lực của cô giáo cắm bản Lò Thị Tuyền.

Câu chuyện cuộc đời, như chị tâm sự cũng chỉ gói gọn qua đôi ba dòng ngắn ngủi: Chị ra trường và nhận công tác tại điểm trường này từ năm 2002, đến nay đã ngót 15 năm. Suốt quãng thời gian ấy, ít nhất ngày hai lần chị qua lại khúc sông này để sang trường và trở về nhà. Bản Vịn nằm trên thượng nguồn sông Âm, nhưng thay vì chỉ chảy qua, dòng nước lại “chen” vào giữa và chia cắt bản Vịn thành 2 khu: Khu trên với 71 hộ dân sinh sống và khu dưới là 34 hộ còn lại của bản. Do vậy, việc qua lại giữa hai khu vô cùng khó khăn, bất tiện. Học sinh tiểu học phải lội sông sang lớp, còn trẻ mầm non được bố, mẹ hoặc cô giáo cõng qua. Thế nên, con đường tìm đến cái chữ của lũ trẻ nơi đây quả lắm gian nan! Điểm lẻ bản Vịn (thuộc Trường Tiểu học Yên Thắng I), nơi chị Tuyền công tác nằm ngay sát triền sông, cách trung tâm xã Yên Thắng gần chục km đường rừng. Điểm trường được bố trí cả hai cấp mầm non và tiểu học. Bậc mầm non có 21 cháu, còn bậc tiểu học có 48 học sinh, chị Tuyền được giao phụ trách lớp mầm non. Những năm 2000, trường chỉ là dãy nhà nứa lá, vài năm sau mới được xây kiên cố, với 4 phòng học, nhưng cơ sở vật chất còn hết sức thiếu thốn. Để có nơi vui chơi cho bọn trẻ, chị Tuyền phải đến từng nhà vận động bà con dân bản đóng góp vật liệu, công sức làm bập bênh, cầu trượt, thang leo, đu quay. Nhìn những vật dụng được làm bằng luồng và bọn trẻ vẫn thích thú chơi đùa, chị Tuyền cho biết: “Cuộc sống người dân còn vất vả lắm, nên cũng không khác được em ạ. Nhưng bọn trẻ vẫn chăm chỉ lên lớp và ngoan ngoãn là chị mừng rồi” – chị Tuyền tâm sự. Ước mơ của cô giáo cắm bản ấy là được Nhà nước xây cho cây cầu chắc chắn để học sinh đi học đỡ khổ và điểm trường cũng được đầu tư thêm cơ sở vật chất để giúp việc dạy và học của cô trò được tốt hơn.

Dẫu không phải bông hoa rừng rực rỡ, nhưng chị Tuyền luôn là bông hoa ngát hương thơm. Bởi, hành trình gieo chữ trên thượng nguồn sông Âm của chị luôn khởi đầu bằng tình yêu thương: tình thương dành cho con trẻ và tình yêu với nghề trồng người!

Hoàng Xuân


 

Các tin khác:
  • Gieo mầm mơ ước (27/12/2016-13:54)
  • Gương sáng người Dao làng Tân Thành (13/12/2016-15:50)
  • Người đưa nghề, mở hướng làm giàu về quê (13/12/2016-15:49)
  • Người phụ nữ gương mẫu (13/12/2016-15:47)
  • Gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi (23/11/2016-7:18)
  • Người cựu chiến binh gương mẫu (18/11/2016-10:49)
  • Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến học và làm theo lời Bác (18/11/2016-10:44)
  • Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế (18/11/2016-10:42)
  • Gần dân để bảo vệ rừng (18/11/2016-9:42)
  • Phát động Cuộc thi viết “Công dân gương mẫu - tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” (23/06/2016-14:37)