Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Ngòi bút của tôi phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc, của đất nước (05/01/2017-6:36)
    Nhắc đến nhà báo Hồng Chuyên (tên thật là Nguyễn Văn Cường, phóng viên báo điện tử Infonet), số đông bạn đọc, đặc biệt là đồng nghiệp dễ dàng nhận ra anh gắn với những bài viết về biển đảo.

Nhà báo Hồng Chuyên trên đường trở về đất liền, sau 8 ngày không ăn được một hạt cơm

Tác phẩm của anh đã góp phần đưa thông tin về pháp lý chủ quyền của Việt Nam đến với nhiều người. Bên cạnh đó, anh còn là người sáng lập nhóm “Hậu phương người lính biển” với những hoạt động thiết thực, hỗ trợ, động viên người lính biển.

+ Báo chí có nhiều mảng đề tài để viết, để tiếp cận. Vậy, điều gì khiến anh lựa chọn cho mình mảng chuyên trách là Biển đảo để viết?

– Phải nói rằng đây là một cơ duyên… Năm 2011, cả nước sục sôi về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Tôi thấy mình cần tìm hiểu về biển đảo của nước mình. Năm 2012, tôi bước chân vào làm ở Báo điện tử Infonet. Lúc đầu, tôi cũng thử sức ở nhiều mảng đề tài như pháp luật, xã hội… song, những trăn trở tìm hiểu về biển đảo vẫn lật đi, lật lại chưa dứt. Ðến một ngày, lãnh đạo Tòa soạn có giao cho tôi thực hiện đề tài “Truyền thông biển đảo như thế nào cho đúng?”. Như thể bắt được “sóng”, niềm trăn trở, nung nấu trong đầu tôi như được bật ra, tôi đã đi gặp các chuyên gia. Người đầu tiên tôi gặp là TS. Trần Công Trục- nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và rất nhiều chuyên gia biển đảo khác.

Từ đó, tôi ngộ ra rất nhiều các vấn đề về biển đảo mà bấy lâu mình vẫn còn thiếu hụt. Tôi đã hiểu được lịch sử, nguồn gốc của từng hòn đảo, hiểu được việc cha ông ta đã gìn giữ những hòn đảo ở Hoàng Sa, và Trường Sa như thế nào và từ khi nào?…

+ Chừng ấy năm tác nghiệp gắn với “Biển đảo, quê hương”, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

– Năm 2013, lần đầu tiên tôi may mắn được theo đoàn thân nhân các chiến sĩ ra quần đảo Trường Sa. Ðược trực tiếp chứng kiến những hình ảnh gặp gỡ của cặp vợ chồng trẻ giữa mênh mông sóng nước, được nhìn thấy giọt nước mắt đoàn viên, nụ cười gặp gỡ của những ông bố, bà mẹ gặp con, sự gắn bó của tôi với biển đảo càng thêm khăng khít. Tôi không thể quên được ánh mắt của người vợ kể về đứa trẻ 3 tuổi, sau ngày tiễn ba ra Trường Sa, nhiều ngày sau đó, nó vẫn khóc đòi mẹ bế ra bến cảng để ngóng ba về. Lần thứ 2, cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2014, tôi cùng một số nhà báo và anh em cảnh sát biển ra làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong vụ giàn khoan 981. Ðây là kỷ niệm về biển đảo không bao giờ quên trong tâm thức của tôi. Hôm đó, 01/6/2014, buổi sáng, tàu Trung Quốc nhiều lần cản phá tàu Việt Nam, khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Nhưng buổi chiều, mật độ và cường độ cản phá của tàu Trung Quốc càng ngày càng mạnh. Tàu Trung Quốc nhiều lần tiến sát tàu Việt Nam, uy hiếp, gọi loa, tháo bạt pháo, chĩa vòi rồng lên tàu chúng tôi.

Tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng, uy hiếp tàu Việt Nam.
Tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng, uy hiếp tàu Việt Nam- ảnh P.V.

Trong lúc đó, Chính trị viên tàu 2016 Nguyễn Quốc Huy (quê Quảng Bình) đã bình tĩnh, gan dạ, kiên cường một mình đối mặt với vòi rồng của Trung Quốc và ôm máy quay đứng ở trên boong tàu để quay lại những thước phim lịch sử, trong khi anh em chúng tôi đứng ở cửa cabin để ghi hình. Vòi rồng của Trung Quốc đã nhiều lần tấn công nhưng anh Huy đã không nao núng, mưu trí tránh được những vệt nước có sức mạnh ghê gớm của tàu Trung Quốc, bảo vệ được những đoạn phim quý giá. Về sau này, chúng tôi mới biết được anh Huy có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ anh bị bệnh ung thư giai đoạn 2, con còn rất nhỏ, bố mẹ đã già, chưa có nhà riêng, vẫn phải ở chung với gia đình em trai… Câu chuyện đó cũng khiến tôi day dứt.

+ Biển đảo là mảng đề tài được cho là khó bởi bản thân nó đòi hỏi người cầm bút phải có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, an ninh quốc phòng, pháp luật,… Anh đã làm gì để giảm ít nhất những sai sót mà vẫn chuyển tải đến bạn đọc cả nước và thế giới hơi thở của Biển đảo quê hương qua những thăng trầm lịch sử, biến cố cũng như những mảnh đời, nhân vật gắn với Biển đảo?

– Tôi luôn luôn tâm niệm một điều rằng: Ðầu tiên, ngòi bút của tôi phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc tôi, của đất nước tôi, trong đó có một phần của chính bản thân tôi. Ðể làm được điều đó, trước tiên, tôi phải chuẩn bị tốt cho mình một “phông kiến thức” về biển đảo. Ðó là những kiến thức nền, những quy định pháp luật về biển đảo, Công ước Luật biển 1982, Luật Biển Việt Nam, những quan điểm, lập trường của Ðảng và Nhà nước ta về biển đảo, về lịch sử xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua từng thời kỳ,…

Cùng với đó, tôi không tự mình mạo hiểm đưa những thông tin chưa có tính thuyết phục. Tôi luôn trao đổi thông tin qua lại với những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn như TS. Trần Công Trục là một trong những người đã tham gia đàm phán ký Hiệp định biên giới trên bộ với Trung Quốc; PSG, TS. Nguyễn Chu Hồi – một trong những chuyên gia đầu ngành về kinh tế biển và Khoa học tự nhiên biển và nhiều chuyên gia khác.

Ðó là những yếu tố quan trọng khiến tôi cầm chắc cây bút khi viết về biển đảo.

+ Ðọc một số tác phẩm của anh dễ dàng nhận thấy nỗi trăn trở, day dứt của anh về người lính biển và hậu phương của họ. Anh có gửi gắm gì đến hậu phương của nhân vật trong các tác phẩm của mình cũng như độc giả cả nước?

– Không những trăn trở, day dứt mà chúng tôi đã hành động. Hình ảnh của Chính trị viên Huy trên tàu 2016 giữa biển gần Quần đảo Hoàng Sa cùng với những câu chuyện hậu phương của người lính biển khiến chúng tôi phải hành động, để góp phần động viên các anh.

Sau chuyến công tác trở về, chúng tôi đã thành lập nhóm “Hậu phương người lính biển”. Hạt nhân của nhóm này là những nhà báo, phóng viên gồm tôi, chị Thanh Hằng (Công an nhân dân), Cẩm Lai và Phạm Nhung (VTC), Thái Hà (Tiền Phong). Ðặc biệt là chị Phạm Thị Mùi (nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông) với vai trò là chị cả của nhóm. Ngoài ra, có nhiều người đóng góp rất thầm lặng.

Ngay từ khi mới nhen nhóm thành lập, nhóm đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng của nhiều cá nhân, tổ chức trong nước. Việc đầu tiên, chúng tôi đã giúp đỡ vợ đồng chí Huy. Trái ngược với hình ảnh rắn giỏi của đồng chí Huy trước sự hung dữ của kẻ thù là hình ảnh yếu ớt của vợ anh. Tóc của chị đã rụng hết do xạ trị bằng hóa chất, người của chị gầy gò chỉ còn da bọc xương. Nhưng cả 2 đều rất kiên cường và không muốn làm phiền cộng đồng.

Chúng tôi đã hỗ trợ liên lạc với Giám đốc bệnh viện K và được y bác sĩ của Bệnh viện chăm sóc tận tình, điều trị miễn phí.

Cho đến nay, chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều trường hợp vợ con của người lính biển. Có trường hợp bị bệnh tim, có trường hợp cả hai con đều bị bệnh tim; có đứa trẻ không có hậu môn, bệnh ban đỏ,… Ngoài ra, nhóm còn có hoạt động giao lưu lính biển xem họ tập luyện vất vả như thế nào; tổ chức những chuyến hành trình về nguồn, đến với những người mẹ liệt sĩ trong trận Gạc Ma năm 1988… Hiện tại, nhóm vẫn hoạt động nhưng theo hướng tự phát, tự tâm những người tham gia và đang tìm cách mở rộng, nâng tầm hoạt động.

Với chúng tôi, chăm sóc, chia sẻ, động viên những người lính biển (lính đảo, cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư…) và hậu phương của họ không phải là chuyện thời sự, chốc lát mà là chuyện thường ngày, liên tục.

Tôi tâm niệm rằng, nếu có hậu phương vững chắc thì người lính biển sẽ yên tâm giữ biển. Ðể các anh chỉ còn đối mặt với sóng gió biển trời, với kẻ thù chứ không phải đối mặt với những khó khăn nơi hậu phương.

+ Cảm ơn anh!

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Kỷ niệm với Trường Sa (26/10/2016-21:19)
  • Thiêng liêng lá cờ chủ quyền (23/09/2016-15:59)
  • Sức mạnh kinh tế, nhìn từ biển (22/09/2016-11:12)
  • Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)