Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, tăng hơn 199 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2015. Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm là 1.369 tỷ đồng, trong khi đó, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tỉnh được sử dụng là 974 tỷ đồng. Cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng, Thanh Hóa bị âm quỹ 395 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 406 tỷ đồng. Bình quân chi phí cho một lượt điều trị cả nội trú và ngoại trú đều tăng. Theo số liệu của bảo hiểm Việt Nam, tình trạng tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế diễn ra ờ khoảng 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyên nhân khách quan là do tăng giá dịch vụ y tế theo thông tư liên tịch số 37 của Bộ y tế và Bộ Tài chính; do tác động của việc thông tuyến chuyên môn kỹ thuật; tác động của việc thực hiện quyết định số 14 năm 2012 của thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân bảo trợ xã hội, bệnh nhân người dân tộc thiểu số.
Ngoài các nguyên nhân khách quan do tác động của việc thực thi những chính sách mới, tình trạng tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm tại Thanh Hóa có những dấu hiệu bất thường, như: số lượt người khám chữa bệnh tăng đột biến; chi phí khám chữa bệnh tăng cao thuộc tốp đầu trong số các tỉnh có bội chi trên cả nước. Một số nguyên nhân chủ quan được Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ ra là: Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dùng phần lớn thuốc giá cao trong điều trị; nhiều sai sót trong thanh toán thuốc, dịch vụ kỹ thuật không có trong danh mục, hoặc thanh toán thuốc, dịch vụ kỹ thuật đã nằm trong cơ cấu giá khám chữa bệnh; chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết; chia tách dịch vụ kỹ thuật hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật; áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế sai; tình trạng lạm dụng dịch vụ cận lâm sàng diễn ra phổ biến. Phóng viên các cơ quan báo chí đã phát hiện có nhiều chuyến xe thu gom, tập trung đưa đón người có thẻ bảo hiểm y tế (chủ yếu thuộc nhóm đối tượng 100% BHYT chi trả chi phí) với số lượng lớn đến khám chữa bệnh tại một số bệnh viện và phòng khám ngoài công lập. Lợi dụng việc thông tuyến khám chữa bệnh, một số trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh nhiều lần trong 6 tháng, số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, điều trị ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều tăng cả ở ngoại trú, nội trú. Đặc biệt, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập tăng cao bất thường.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền và lãnh đạo các ngành đã phân tích về trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội, của Sở Y tế Thanh Hóa và một số cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời, nêu lên sự cần thiết phải đánh giá kỹ hơn nữa về các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu là nguyên nhân thuộc về năng lực quản lý, giám sát, thì phải nhanh chóng chấn chỉnh, nếu có dấu hiệu thông đồng giữa các bên liên quan để trục lợi bảo hiểm y tế thì phải điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết luận Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định: tình trạng tăng chi phí bảo hiểm y tế có nguyên nhân khách quan do việc thực hiện các quy định mới về khám chữa bệnh và không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, có những dấu hiệu bất thường trong gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mà nguyên nhân thuộc về cả trách nhiệm quản lý, giám sát của Bảo hiểm xã hội và ngành y tế, của chủ thẻ bảo hiểm y tế, cần phải có sự chấn chỉnh một cách quyết liệt, nhanh chóng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho rằng, Bảo hiểm xã hội là đơn vị ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại diện cho người đóng bảo hiểm y tế nên phải là người chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đúng quy định, không thể viện lý do thiếu nhân lực hay công nghệ. Vì vậy Bảo hiểm xã hội phải tăng cường giám sát, quản lý việc khám chữa bệnh BHYT, xem xét trách nhiệm cán bộ giám định bảo hiểm y tế tại những nơi có sai phạm về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phải thông tin kịp thời, thường xuyên các cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT. Có thể xem xét việc dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với những đơn vị vi phạm. Bảo hiểm xã hội cũng phải nhanh chóng hoàn thiện đưa vào vận hành hệ thống quản lý điện tử trên phạm vi toàn tỉnh, để hỗ trợ tốt hơn việc kiểm soát hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu Sở Y tế chấn chỉnh ngay lập tức những biểu hiện buông lỏng quản lý về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh, ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh theo phương châm, không giảm quyền lợi người đóng bảo hiểm, những bệnh nào phải đi với thuốc và dịch vụ kỹ thuật ấy.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các ngành: Công an, bảo hiểm y tế, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, phải tăng cường kiểm tra, điều tra các cơ sở y tế có những biểu hiện vi phạm trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nếu sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo truyenhinhthanhhoa.vn