Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Để đô thị thực sự có “chiều sâu” (03/03/2017-10:47)
    Đô thị hóa là xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc phát triển đô thị phải được tính toán kỹ lưỡng, đồng bộ nhiều giải pháp.
Phát triển đô thị không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà phải nâng cao
chất lượng vùng đất, con người đô thị (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)

Đề án xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hoá theo hướng có “chiều sâu” đang đặt ra mục tiêu sẽ đạt mức đô thị hoá 35%, dân số đô thị đạt gần 1.272.000 người vào năm 2020, tăng 519.600 người so với hiện tại trong thời gian 3 năm.

 Có thể nói, vấn đề dân số đô thị hiện là thách thức không nhỏ, bởi người dân đô thị ở nhiều nơi, nhất là ở những xã mới được nâng cấp lên đô thị chưa thể ngay một lúc cởi bỏ được “tấm áo” nông dân để trở thành thị dân. Đi kèm đó, lối sống, phương thức sản xuất cũ đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự vận hành của chính quyền đô thị, nhất là trong quản lý cảnh quan, môi trường, trật tự đô thị.

Để đạt mục tiêu trên, Đề án xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đưa ra giải pháp là: Thành lập phường tại các thành phố, thị xã; nâng loại các đô thị; mở rộng địa giới hành chính các đô thị hiện có; thành lập các đô thị mới. Điều đó đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều hơn câu chuyện “làng ta lên phố, xã ta thành phường” sau một đêm ngủ dậy, khi mà người dân chưa được chuẩn bị tâm lý tốt nhất, điều kiện phù hợp.

Yêu cầu đặt ra cho một đô thị “có chiều sâu” rõ ràng là không chỉ thay đổi về mặt địa giới hành chính, về tên gọi, mà vấn đề quan trọng có tính cốt lõi, đó là xây dựng được những cư dân đô thị đúng nghĩa, một hạ tầng đô thị đảm bảo.

Từ yêu cầu đó, đòi hỏi trách nhiệm rất cao từ chính quyền các địa phương có đô thị hóa, của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng.

Theo đó, việc quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ từ đầu, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân cư. Năng lực, trách nhiệm quản lý, vận hành đô thị cũng cần được nâng tầm. Bên cạnh đó, đòi hỏi chính quyền các cấp và cơ quan chức năng tăng cường đào tạo nghề phù hợp, hỗ trợ việc tạo lập sinh kế lâu dài cho những hộ nông dân trong vùng đô thị hóa để họ sớm thích ứng với cuộc sống mới. Hơn thế phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sớm thay đổi tư duy, nhận thức, lối sống, phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với cuộc sống đô thị.

Phải xác định, phát triển đô thị không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà hơn thế, là nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả kinh tế - xã hội cho vùng đất và con người ở những địa phương đô thị hóa.

Anh Vũ


 

Các tin khác: