Thứ ba, ngày 30/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Truyền thông và lá phiếu (08/06/2017-19:16)
    Sự lên ngôi của truyền thông xã hội và báo chí đa phương tiện đã khiến các cuộc bầu cử trên khắp thế giới trở nên gay cấn hơn.
Truyền thông là một trong những “vũ khí” đắc lực giúp ông Macron giành chiến thắng
trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ảnh: TL

Kết quả cuộc bầu cử tại Pháp và Hàn Quốc vừa qua một lần nữa chứng minh chiến thắng thuộc về ứng viên biết sử dụng truyền thông như “vũ khí” tranh cử.

Sức mạnh của truyền thông

Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012 là một ví dụ điển hình cho cuộc chiến truyền thông giữa hai ứng viên mạnh nhất bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande. Vài tuần cuối trước bầu cử, khoảng cách giữa hai ứng viên này được thu hẹp đáng kể và rất khó đoán định ai sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Kết quả bầu cử cho thấy, ứng viên nào mạnh tay đầu tư cho báo chí truyền thông hơn sẽ giành chiến thắng.

Theo thống kê, ông Hollande đã chi tới 2,5 triệu USD (khoảng 10% ngân sách vận động tranh cử) cho đội ngũ truyền thông gồm hơn 50 người được ví là những “con ong chăm chỉ” chuyên “định hướng dư luận”. Thậm chí, ông Hollande đã tìm đến Blue State Digital - Công ty đã tư vấn truyền thông cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama năm 2008 và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff năm 2010.

Trong khi đó, ông Sarkozy cũng có trong tay hơn 200 người thực hiện chiến dịch chống lại ông Hollande thông qua các bài viết trên tài khoản Facebook và Twitter. Việc ông Hollande trở thành Tổng thống thứ 24 của Pháp với 51,7% số phiếu bầu cho thấy, chiến dịch truyền thông của ông Hollande trải dài trên nhiều mặt trận: báo in, phát thanh và truyền hình truyền thống đã thắng thế chiến lược sử dụng truyền thông mạng xã hội của ứng viên Sarkozy.

Nhắc lại câu chuyện cách đây 5 năm để thấy, những diễn biến tại chính trường Pháp hồi đầu tháng 5/2017 vừa qua, chính là chiến thắng lặp lại của một ứng viên biết tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí truyền thông. Xuất hiện ban đầu như một kẻ đứng bên lề cuộc chơi, ông Macron đã ngoạn mục có mặt trong top 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Tất nhiên, trên con đường đến với Điện Élysée, ông Macron phải cảm ơn báo chí vì đã khui ra vụ cựu Thủ tướng Francois Fillon tạo việc làm khống cho vợ. Chính ông Fillon cũng thừa nhận đây chính là một âm mưu “ám sát chính trị” khi từ chỗ là ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng thống, ông Fillon bị cử tri quay lưng, đồng minh bỏ rơi và phải đối mặt với quyết định khởi tố của Tòa án. Được báo chí ví von là “Obama của nước Pháp”, ông Macron đã đường hoàng ghi dấu ấn trong lòng cử tri về sự gần gũi, cởi mở và tràn đầy năng lượng.

Tại nhiều quốc gia, trước trong và sau mùa bầu cử là thời điểm các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, phát thanh hoạt động hết công suất với các chiến dịch cạnh tranh khốc liệt để lôi kéo cử tri và người xem. Sự ủng hộ dù ngấm ngầm hay công khai của các cơ quan truyền thông luôn được các ứng viên tận dụng triệt để để quảng bá hình ảnh, cương lĩnh tranh cử và hút cử tri. Nhiều ứng viên không tiếc tiền để xây dựng một đội ngũ cố vấn và chuyên gia chuyên nghiệp để tận dụng truyền thông định hướng dư luận theo hướng tôn bản thân và dìm đối thủ.

“Lá bùa hộ mệnh”

Giống như vụ rò rỉ email trong chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, ông Macron cũng vướng phải rắc rối tương tự. Trong thời gian “yên lặng” 48 giờ trước khi bỏ phiếu, vụ rò rỉ email của ông Macron giống như một quả bom phát nổ và đe dọa phá hủy tham vọng trở thành Tổng thống Pháp trẻ nhất từ thời Napoleon.

Thật ra, trước khi bước vào giai đoạn chạy nước rút, hồi tháng 2/2017, Ủy ban bầu cử Quốc gia Pháp đã tiến hành một chiến dịch nhằm triệt tiêu tin giả với sự tham gia của 37 cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Thế nhưng, nỗ lực của Ủy ban dường như là chưa đủ sau vụ việc của ông Macron, chỉ có điều chuyện tình ly kỳ cùng giáo viên hơn mình tới 24 tuổi đã trở thành “lá bùa hộ mệnh” giúp ứng viên này ngoạn mục thoát “cửa tử”.

Câu chuyện tình trắc trở, nhưng ngọt ngào cho thấy sự chân thành và quyết tâm đeo đuổi hạnh phúc của ông Macron ngập trên mặt báo hay các bài viết phân tích ngôn ngữ cơ thể của ông Macron với vợ cho thấy ưu điểm của của người đàn ông này rất phù hợp với những phẩm chất cần có của một Tổng thống, theo tiêu chí của người Pháp. Thế nên, không ngạc nhiên khi tại quốc gia được mệnh danh là đất nước của tình yêu, nơi sự lãng mạn chi phối tất cả, giới tinh hoa chính trị Pháp với sự thống trị của các chính đảng lớn suốt hàng thế kỷ qua đã bị đánh bật bởi hình ảnh đầy lãng mạn của ông Macron và vợ.

Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc vận động bầu cử
tại Seoul, ngày 8/5/2017. Ảnh: AP

Cái bắt tay của truyền thông và Kpop

Tại Hàn Quốc, tác động của báo chí và truyền thông tới lá phiếu của cử tri cũng được thể hiện vô cùng rõ nét. Các buổi tranh luận trên truyền hình với sự có mặt của các ứng cử viên đại diện năm chính đảng lớn Hàn Quốc cũng có tỷ lệ người xem cao.

Thời kỳ đầu, ứng cử viên Đảng vì Nhân dân Ahn Cheol-soo đã có một màn rượt đuổi khá gay cấn với ông Moon Jae-in. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với ông Ahn liên tục tăng kể từ khi ông này được bầu làm ứng cử viên chính thức của Đảng vì Nhân dân, và có lúc còn nằm trong phạm vi sai số với ông Moon. Nhiều cử tri có khuynh hướng bảo thủ không mấy thiện cảm với ông Moon Jae-in đã quay sang ủng hộ cho ông Ahn Cheol-soo.

Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời mưu sinh đầy vất vả và hành trình trưởng thành của một người con trong gia đình tị nạn từ CHDCND Triều Tiên được truyền thông khai thác và thu hút được sự đồng cảm của một lượng lớn cử tri. Đặc biệt, trong lúc người dân Hàn Quốc đang cảm thấy mệt mỏi vì những căng thẳng trong quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên, ông Moon Jae-in trở thành “lá bài” được cử tri đặt cược để tạo ra luồng gió mới cho mối quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng.

Ông Moon Jae-in đã chuẩn bị đến tận 12 ca khúc cổ động. Những ca khúc này được chia thành ba giai đoạn Trung Đại - Cận Đại - Hiện Đại, nhằm thu hút người ủng hộ ở mọi độ tuổi. Hàng loạt các tên tuổi như nam ca sĩ Moon Sung-jae với bài “Chim mòng biển Busan” nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người dân ở các tỉnh Gyeongsang, nữ ca sĩ Kim Soo-hee với bài “Chuyến tàu phía Nam” để thu hút sự ủng hộ của người dân ở các tỉnh Jeolla, nhóm Koyote, DJ DOC, Infinite và Twice đã thành công trong việc giúp ông Moon thu hút cử tri. Việc đưa các tin tức liên quan đến thần tượng Kpop làm đại sứ tranh cử, hay phát các ca khúc tranh cử của ứng viên, truyền thông Hàn Quốc cho thấy sự ưu ái đặc biệt với ứng viên Moon Jae-in.

Nhờ biết tận dụng sức mạnh của truyền thông để thắng cử, nhưng con đường chính trị của tân Tổng thống Pháp và Hàn Quốc sẽ còn nhiều gian nan với vô số những bài toán nan giải. Dù ông Moon đã đắc cử với số phiếu lớn, những người phản đối ông vẫn chiếm tới gần 60%, nên cam kết sẽ trở thành một Tổng thống có thể đoàn kết toàn dân của ông Moon rất khó để thực hiện. Trong khi ông Macron với kinh nghiệm chính trị còn khá mỏng liệu có chèo lái được nước Pháp vượt qua được giai đoạn khó khăn về kinh tế và những thách thức về vai trò của Paris trong Liên minh châu Âu còn là dấu hỏi lớn phía trước./.

Theo Vũ Hà Giang/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Báo chí góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh (08/06/2017-8:03)
  • Chung tay hướng về biển, đảo Việt Nam (05/06/2017-19:59)
  • Đài PTTH Thanh Hóa phát sóng 25 tập ký sự Biển đảo quê Thanh (05/06/2017-14:06)
  • 95 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI (04/06/2017-15:15)
  • Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiện tượng “cả họ làm quan” (02/06/2017-15:15)
  • Hơn 500.000 người trả tiền để xem sách, tin tức trên Scribd (29/05/2017-15:58)
  • Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để kiểm soát quyền lực (29/05/2017-15:56)
  • Đã xác định được người phụ nữ giả danh nhà báo, lăng mạ CSGT (29/05/2017-12:02)
  • Siết quản lý tài sản công, hết thời bảo tàng bán bia (26/05/2017-13:06)
  • “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV và HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021” chính thức ra mắt (24/05/2017-9:35)