Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (22/08/2017-14:55)
    Tác phẩm Đoạt Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

(kỳ 1): Chuyến đi đổi đời

 

Trong những năm qua nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà nhiều gia đình, nhiều vùng quê đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thế nhưng không ít trường hợp lao động xuất khẩu vì lợi ích trước mắt của bản thân, đã làm xấu đi hình ảnh, nét đẹp văn hóa con người Việt Nam ở nước sở tại, ảnh hưởng tới thương hiệu quốc gia.

Việc đưa lao động đi xuất khẩu đang mang lại hiệu quả rất tích cực, người dân không những thoát nghèo mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Quan trọng hơn, nhờ đi XKLĐ mà nhiều người đã được học, được đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp.

Đổi thay nơi vùng quê

Xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương là một trong những xã có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động cao. Tính từ cuối năm 2015 đến nay, toàn xã có 134 người đi xuất khẩu tại các nước. Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ chính sách xã chỉ tay về những ngôi nhà tầng, nhà bằng khang trang san sát nối nhau, hồ hởi cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ thanh niên đi XKLĐ mà nhiều căn nhà tạm bợ trong xã được thay thế bằng nhà bê tông khang trang kiên cố. Nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo nhưng nhờ con cái tu chí làm ăn bên xứ người nên có tiền xây dựng nhà cửa khang trang”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Mai Ngọc Sang ở thôn Chính Đa, ngôi biệt thự nhỏ được gia đình anh xây dựng từ năm 2007 với đầy đủ tiện nghi, vật dụng hiện đại. Anh Sang kể: Trước đây cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà ba miệng ăn chỉ trông vào một sào ruộng, đã có lúc gia đình lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa.

Với mong muốn thoát nghèo, năm 2000 vợ chồng gạt nước mắt, gửi con cho ông bà nội ngoại rồi sang Hàn Quốc lao động. Sau mấy tháng, khi đã quen việc, thu nhập của anh chị đạt 15 - 20 triệu đồng/ tháng/ người. Với bản tính tiết kiệm, chịu khó sau 6 năm trở về anh chị đã có một số vốn lớn với hơn 1 tỷ đồng. Với tiền lao động ở xứ người, anh chị đã tạo vốn sản xuất, kinh doanh.

Giờ đây, cuộc sống vật chất của gia đình anh Sang đã thuộc vào diện “sang” ở trong xã, với ngôi biệt thự nhỏ trên diện tích 1.500m2. Không những thế với nghề cơ khí được học ở bên Hàn, anh đã tự mở xưởng cơ khí tư nhân. Hiện xưởng cơ khí của anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương đạt 9 triệu đồng/ tháng/ người và 6 lao động thời vụ. Còn chị Lan mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Hai vợ chồng đều việc đều tay, thu nhập hàng tháng đạt trên 20 triệu đồng.

 xuong co khi cua anh Sang.JPG
Xưởng cơ khí tư nhân của gia đình anh Mai Ngọc Sang.

Cách gia đình anh Sang không xa là gia đình anh Nguyễn Văn Xoan, được người trong vùng gọi là “Xoan đất”, bởi anh đang sở hữu nhiều lô đất có giá trị cao. Cuộc sống trước đây của anh Xoan rất vất vả, dù xoay đủ mọi nghề nhưng kinh tế vẫn không khá lên được. Sau 5 năm đi XKLĐ ở Hàn Quốc trở về, cuộc sống của vợ chồng anh đã thay đổi hẳn. Với mức lương gần 2.000 USD, trừ chi phí, hàng tháng anh đều gửi về nhà khoảng 1.700 USD. Số tiền tiết kiệm được anh đầu tư vào bất động sản.

Mặc dù, đang được hưởng số lương đáng mơ ước nhưng anh vẫn quyết tâm về nước đúng thời hạn để đầu tư và chăm lo cho con cái học hành. Anh nói: “Năm đó bạn bè ai cũng rủ ở lại nhưng tôi nghĩ dù có nhiều tiền đến đâu mà con cái không được chăm lo, để chúng hư hỏng thì ân hận lắm. Với lại mình là người Việt Nam, tội gì phải đánh mất danh dự, để trốn chui lủi ở xứ người làm gì”. Với suy nghĩ đó, sau khi trở về nước anh đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, hiện nay hai con trai của anh đều là chiến sỹ công an.

Những công dân như vợ chồng anh Sang, anh Xoan… đang góp phần tích cực “thay da đổi thịt” cho vùng quê Quảng Chính, nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt 26,3 triệu đồng/ người/ năm. Ông Hoàng Trọng Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Việc đưa lao động đi xuất khẩu đang mang lại hiệu quả rất tích cực, người dân không những thoát nghèo, đầu tư cho con cái học hành mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Quan trọng hơn, nhờ đi XKLĐ mà nhiều người đã được học, đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp. Sau khi trở về, có vốn, họ tự mở cửa hàng, phát triển nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã. Ngoài ra, người lao động còn được rèn luyện lề lối, tác phong công nghiệp có tác dụng lớn trong công việc của họ sau này”.

Thêm vào đó, đã có nhiều lao động sau khi trở về từ Hàn Quốc có tay nghề tốt đã được các công ty của Hàn Quốc đóng tại Việt Nam đề nghị ký hợp đồng làm việc với mức lương cao.

 IMG_8070.JPG
XKLĐ tạo cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ở một góc độ khác, những người Thanh Hóa đi lao động tại nước ngoài đã góp phần không nhỏ để giới thiệu và quảng bá về nét văn hóa, đức tính con người Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó. Điều này thêm khẳng định chủ trương đúng đắn đưa lao động đi xuất khẩu của Đảng, Nhà nước.

Nối dài những chuyến đi

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH tỉnh, năm 2015 Thanh Hóa đã tuyển chọn đào tạo 17.000 lao động và đã đưa được gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm Thanh Hóa đưa được nhiều người đi XKLĐ đông nhất so với những năm gần đây. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động là Đài Loan, Ảrập-Xêút, Malaysia, Nhật Bản... Trong năm 2016, tỉnh phấn đấu tiếp tục đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 7 huyện nghèo đưa được 2.500 lao động.

Đặc biệt, sau 1 thời gian tạm dừng, Hàn Quốc đã mở cửa trở lại tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2016, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa (thuộc Sở LĐ,TB&XH) bắt đầu mở lại chương trình đào tạo tiếng Hàn dành cho các lao động có nhu cầu đi xuất khẩu. Hiện tại, trung tâm đang tổ chức 5 lớp đào tạo tiếng Hàn với khoảng 200 học viên theo học.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH cho biết: Để đạt mục tiêu trong năm 2016, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã. Tạo điều kiện để người lao động thuộc đối tượng đi XKLĐ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động con em, gia đình có người lao động đã hết thời hạn lao động trở về nước đúng thời hạn nhằm xây dựng, giữ gìn hình ảnh của lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.


 

 

 

(kỳ 2): Đường về trong nước mắt

Sau gần 2 tháng từ Ả Rập Xê Út trở về Việt Nam, những vết thương trên người Thu đã dần mờ đi… Còn với Hào, sau gần 1 năm từ Angola về nước, anh vẫn chưa lấy lại được số tiền hơn 1 tỷ đồng bị lừa trên đất khách… May mắn, cả Thu và Hào đã được trở về quê mẹ, dù sự trở về ấy mang nhiều cay đắng…

Nỗi buồn đất khách

Ngày 5/4/2016, Nguyễn Thị Thu, sinh 1993 ở xã Đông Quang (Đông Sơn) đã có mặt tại Ả rập Xê Út để làm giúp việc gia đình với mức thu nhập tối thiểu hàng tháng là 1.500 SAR (khoảng 8,7 triệu đồng tiền Việt Nam). Em đi theo hợp đồng tuyển dụng của Công ty Xuất khẩu lao động Sadaco. 3 ngày sau khi đến nước người, em đã bị người chủ tên Nashmay Moryzik Shafaka Alshamri ở thủ đô Riyadh, K.S.A đánh vì em không đi cùng gia đình người chủ này ra sa mạc để dự một buổi liên hoan.

Không chỉ dừng ở đây, nửa tháng sau em còn bị chủ tát vào mặt khi sang nhà hàng xóm xin Wifi để liên lạc về với gia đình qua Zalo. Và em còn bị đánh vài lần sau đó khi sử dụng điện thoại.

Và ngày 15/5/2016, may mắn, Thu đã được trở về Việt Nam sau hơn 1 tháng làm giúp việc nơi xứ người. Trở về nước, Thu chỉ được chủ trả cho 500 SAR (gần 3 triệu tiền Việt Nam). Nhưng số tiền này đã bị “chặn” ngay ở Văn phòng đại diện của Công ty Xuất khẩu lao động Sadaco bên Ả Rập Xê Út khi em từ nhà chủ về văn phòng này để đợi bay sang Việt Nam. Chỉ trong 1 ngày chờ đợi, văn phòng đã yêu cầu Thu nộp lại 500 SAR để lo cơm nước.

Như vậy là Thu trở về Việt Nam không có một đồng tiền trong người. Lương 1.500 SR/tháng, em chỉ được 500 SAR/1 tháng 10 ngày, và cuối cùng thì chỉ 1 ngày ăn cơm, em phải trả 500 SAR.

 2.jpeg
Trở về Việt Nam nhưng những vết sẹo do bị đánh đập ở nước ngoài của Thu vẫn chưa mờ.

Còn Nguyễn Văn Hào, sinh 1987 ở xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân) cũng không có tiền khi về quê hương, đau hơn là Hào còn phải lo hơn 1 tỷ đồng thì mới được “chuộc” về Việt Nam. Sau 3 năm làm ăn bên Angola, Hào thành tay trắng.

Năm 2012, Nguyễn Văn Hào đã nộp 130 triệu đồng để sang Angola bằng con đường “chui”. Sang được một thời gian, em đã cùng một người bạn mở một nhà hàng. Cuối năm 2014, được sự giới thiệu của bạn bè, Hào đã làm thêm dịch vụ chuyển tiền cho người Việt đang làm việc ở Angola. Hào đã bị Nguyễn Thị Kim Chi và Hồ Quốc Hùng - người cùng làm chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Ngày về ngập nước mắt

Đau đớn về thể xác, tổn thương về tinh thần, ngày về của Nguyễn Thị Thu ở xã Đông Quang (Đông Sơn) ngập trong nước mắt. Chị mừng vì được trở về, được thoát khỏi sự đánh đập của gia đình ông chủ ở thủ đô Riyadh, KSA. Sau gần 2 tháng trở về nước, những vết thương trên người Thu đã dần mờ đi. Chị đã xin vào làm việc tại một công ty giày da gần nhà dù đồng lương không cao. “Về được gần con là tôi thấy vui rồi. Thôi, cứ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cố gắng là được!” - Thu  nói vậy.

Còn ngày về của Nguyễn Văn Hào buồn hơn. Gần 1 năm về Việt Nam, cuộc sống của gia đình anh dường như hoàn toàn bị đảo lộn. Để chuộc Hào về Việt Nam, gia đình phải cầm cố chiếc xe máy Exiter mà hàng ngày ông Nguyễn Văn Thạch, bố Hào vẫn dùng để chạy xe ôm. Con trai bị lừa với một số tiền lớn, ông Thạch không chịu được cú sốc này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.

Có hôm trời đang rét mướt, ông xuống ngâm mình dưới dòng sông lạnh, may mà có người phát hiện sớm nên đã kịp lôi ông lên bờ. “Hơn 1 năm nay, gia đình cũng khốn khó lắm, may mà thằng Hào đã xin được việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Hơn 1 tỷ đồng bị lừa gia đình cũng chẳng biết kêu ai vì ai cũng bảo khó mà lấy lại được” - bà Liên, mẹ của Hào nói trong nước mắt.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2016, Thanh Hóa đã có 50.330 người đi xuất khẩu lao động, thị trường nhiều nhất là Đài Loan và khu vực Trung Đông. Trong số này, có rất ít trường hợp gặp rủi ro. Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở cũng chỉ mới nhận được vài đơn kiện của người lao động. Còn bao nhiêu lao động về nước trước hạn thì Sở không nắm được vì huyện không báo cáo lên. Riêng đối với lao động đi Angola thì chỉ có doanh nghiệp trúng thầu xây dựng mới được đưa lao động đi, còn hiện tại giữa hai chính phủ Việt Nam và Angola vẫn chưa ký hiệp định hợp tác lao động.

Đi xuất khẩu lao động với những hy vọng đổi thay cuộc sống, nhưng cũng không thể tránh được những sự không may. Sự không may ấy là nước mắt, là nỗi đau thể xác, là sự xúc phạm về nhân phẩm, mất mát về tiền bạc… Thu và Hào là những người nằm trong cái sự không may ấy. Đường về trong nước mắt nhưng vẫn còn rộng thênh thang, vẫn còn biết bao sự lựa chọn với  bao nhiêu hy vọng vì được về nhà...


 

 

(Kỳ cuối): Lao động bất hợp pháp và những hệ lụy

Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa, tính từ năm 2014 đến hết tháng 5/2016, toàn tỉnh có 1.864 lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc phải về nước, tuy nhiên, hiện vẫn còn 758 lao động ở lại. Có nhiều nguyên nhân khiến không ít công nhân, dù đã hết thời hạn hợp đồng lao động vẫn không về nước, trở thành lao động bất hợp pháp ở xứ người.

Tủi khổ xứ người

Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi đã phải mất nhiều công sức để vận động, thuyết phục gia đình bà L.T.T ở thôn Đạo Ninh, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa cho số điện thoại và nói chuyện với anh N.X.T con của bà là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ ngày 10/7/2012. Qua trao đổi điện thoại, anh N.X.T cho biết: Trước mấy tháng khi sắp hết hạn hợp đồng anh nhờ bạn tìm một công việc khác, khi có cơ hội thì “nhảy”. Lao động chui bên này cực lắm. Bình thường không sao, nhưng nếu ốm đau cũng chỉ biết nằm ở nhà anh em tự chữa trị, không dám nghĩ đến việc đi viện. Bởi đến bệnh viện đồng nghĩa với việc sẽ bị bắt quay trở về”.

Tiếp tục câu chuyện, anh N.X.T cho biết thêm: “Không giống như lao động hợp pháp, những người như bọn anh thường xuyên bị chủ nợ lương, thậm chí là không trả, chửi bới. Lao động bất hợp pháp, sống chui lủi nên dù biết chủ sai nhưng bọn anh cũng phải im lặng cho qua. Khi chuyển công ty khác chẳng ai nhận được hết tiền công, vì chủ ít nhất cũng giữ một tháng lương để giữ chân công nhân”.

Anh N.X.T còn giới thiệu cho chúng tôi biết bên này cũng thành lập hội đồng hương Thanh Hóa và rất nhiều trong số họ là lao động bất hợp pháp.

 4.JPG
Gia đình lao động N.X.T (Hoằng Đạo, Hoằng Hóa).

Anh T.V.B ở thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa hết hạn hợp đồng từ ngày 25/4/2012, hiện đang là lao động “chui” nhà máy dệt, tâm sự: “Mới cách đây mấy ngày, cảnh sát Hàn mở đợt truy quét bọn em lại phải chạy trốn. Chạy càng xa càng tốt. Có những đợt truy quét cao điểm bọn em phải trốn lên rừng hàng tuần trời, sống kham khổ, vất vả”.

“Hầu hết những người bị bắt là do chủ hay đồng nghiệp chỉ điểm. Chỉ cần thấy ghét là họ báo, chính vì vậy bọn em phải luôn nhẫn nhịn. Chủ, đồng nghiệp nước ngoài có chửi cũng không dám cãi lại, bị nợ lương cũng không dám đòi” - anh T.V.B cho biết thêm.

Qua trao đổi điện thoại với nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, được biết: Người lao động chui thường được trả lương cao hơn so với lao động hợp pháp bởi chủ không phải đóng các khoản phí dịch vụ, bảo hiểm. Đây là một phần nguyên nhân khiến nhiều lao động trốn trụ ở lại xứ người.

Thế nhưng, đồng nghĩa với lương cao là chủ lao động không có trách nhiệm gì với những đối tượng này. Ngược lại, thời gian và cường độ làm việc lại cao hơn rất nhiều, họ có thể nhận được mức lương từ 50 - 70 triệu đồng/tháng cho những công việc như xây dựng ngoài trời, hàn xì hay cho những ca đêm triền miên. Đây đều là những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại cao. Trong khi mức độ an toàn của lao động chui là rất thấp. Mối nguy hiểm không chỉ từ công việc mà còn đến từ những đợt truy quét của lực lượng chức năng nước sở tại. Đã có lao động bỏ mạng oan hay mang thương tật vĩnh viễn vì những cuộc trốn chạy ở xứ người.

Sống khổ, sống nhục như vậy nhưng khi hỏi những lao động bất hợp pháp “có mong muốn trở về không” thì 100% những người được hỏi trả lời “không” hoặc “không phải bây giờ”. Họ thừa nhận sẽ ở lại đây làm việc đến lúc nào bị buộc phải trở về, còn nếu thuận lợi sẽ ở thêm 5, 7 năm nữa khi tiết kiệm được khoản vốn khá khá.

Không những bản thân người lao động “chui” không muốn trở về mà gia đình họ cũng chưa muốn con em mình trở về. Và lý do chính mà họ đưa ra là không thể tìm được công việc ổn định, mức thu nhập thấp hơn rất nhiều khi đi xuất khẩu.

Và những hệ lụy

Bản ghi nhớ chương trình EPS được ký kết mới đây giữa Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc quy định rõ: Những địa phương (cấp huyện) có tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân là bố mẹ đẻ, hoặc vợ, chồng, anh chị em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì không được tham dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn để làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, người lao động có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính và được tham gia kiểm tra tiếng Hàn để quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc nếu có nguyện vọng.

Không những thế, tình trạng lao động bất hợp pháp còn gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài do không ai quản lý, nhất là khi gặp tai nạn, rủi ro. Hơn nữa, lao động bất hợp pháp đang làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam cần cù, chịu khó ở nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu quốc gia trong các chương trình hợp tác XKLĐ với các nước.

Cánh cửa XKLĐ sang Hàn Quốc lại rộng mở cho những ước mơ, khát vọng đổi đời. Thế nhưng cánh cửa này có thể đóng lại bất kỳ lúc nào nếu những người hết hạn lao động vẫn bất chấp, cố thủ không muốn trở về.

“Những người có khát khao thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng vì lợi ích của bản thân nhiều lao động bất hợp pháp đang làm mất đi cơ hội “đổi đời” của những người khác và làm xấu đi hình ảnh con người và thương hiệu Quốc gia” - Một lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thanh Hóa nói.

Bản ghi nhớ chương trình EPS phần nào đó là một biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lao động bất hợp pháp. Nhưng rõ ràng việc giáo dục, tuyên truyền vận động thực sự đối với những gia đình có con em là lao động bất hợp pháp để họ trở về vẫn đang bị nhiều cấp, ngành xem nhẹ. Thương hiệu Quốc gia, phải được đặt trên lợi ích của mỗi người.

Vân Anh

 

 

Các tin khác:
  • Loạt bài: "Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (22/08/2017-9:03)
  • Loạt bài: Loạn cấp giấy chứng nhận sức khỏe (22/08/2017-8:27)
  • Quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án đô thị du lịch ven biển (19/07/2016-8:24)
  • Phía sau ‘thành tích’ xã đạt chuẩn Nông thôn mới. (19/07/2016-2:57)
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Lam Sơn (19/07/2016-2:48)
  • Ngăn chặn tình trạng buôn bán người và lao động tự do sang Trung Quốc (19/07/2016-2:34)
  • Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (19/07/2016-2:03)
  • Mạo danh T.Ư Hội Nông dân để huy động tiền trái phép (19/07/2016-1:47)
  • Tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”: Nhiều người dân xã Thiệu Long “khóc dở, mếu dở” (18/07/2016-9:22)
  • Lớp học trên đỉnh Sài Khao (18/07/2016-9:19)