Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Một loạt "bài toán khó" đang đợi tân Bộ trưởng GTVT (27/10/2017-7:50)
    Việc phản đối các dự án BOT, tình trạng hàng không quá tải, dự án giao thông trì trệ do thiếu vốn... là những vấn đề nóng đang chờ đợi tân Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Sỹ Đồng.

BOT vẫn nóng

Các dự án giao thông BOT đang nóng hơn bao giờ hết với sự phản đối liên hoàn của tài xế đi qua các trạm thu phí thời gian qua. Dư luận phản ứng trước việc các trạm thu phí BOT được cho là "đặt nhầm chỗ", nhà đầu tư BOT đa số "tay không bắt giặc", hầu hết dự án thực hiện theo phương án chỉ định thầu... Trong khi đó Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện những chênh lệch "đội" số tiền và năm thu phí lên.

Với những lùm xùm xung quanh việc đầu tư và đặt trạm thu phí thời gian qua, dư luận cho rằng các cơ quan liên quan từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nơi đưa ra chủ trương BOT, Bộ Tài chính - cơ quan thẩm định cơ chế giá phải xem lại các quy định về chủ trương này. Nhưng là Bộ chủ quản, trực tiếp quản lý và thực hiện các dự án giao thông, bài toán khó nhất gỡ rối tình trạng phản đối BOT hiện nay đang chờ tân Bộ trưởng Giao thông vận tải tìm cách giải.

Đường bộ tắc nghẽn, hàng không quá tải

Tắc đường và quá tải hàng không đã trở thành câu chuyện "truyền kỳ" đối với ngành giao thông vận tải.

Tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng tại các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM. Bài toán phát triển hạ tầng giao thông đi cùng với quy hoạch đô thị vẫn đang theo vòng luẩn quẩn thiếu đồng bộ. 

Còn ở lĩnh vực hàng không, tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả mặt đất và bầu trời đều đang quá tải. Sân bay Nội Bài hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng được yêu cầu các chuyến bay. Dân tình ngao ngán trước tình trạng trễ chuyển, "delay" của các hãng hàng không diễn ra liên tục.

Liệu tân Bộ trưởng Giao thông vận tải có giải được bài toán mà các đời Bộ trưởng tiền nhiệm vẫn mãi loay hoay?

Ông Nguyễn Văn Thể vừa được giới thiệu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
(ảnh: baogiaothong)

Tàu điện ngầm, đường sắt trên cao trì trệ

Hai dự án "khủng" được đưa ra với mong muốn giải bài toán tắc nghẽn tại hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM là đường sắt nội đô và tàu điện ngầm metro.

Nhưng đến nay cả hai dự án đều đối mặt với tình trạng chậm tiến độ do đội vốn. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông từ dự toán ban đầu là 553 triệu USD đến nay đã đội vốn lên 868 triệu USD. Kế hoạch chạy thử hiện nay và đưa vào hoạt động năm 2018 phá sản bởi... thiếu vốn. Bộ GTVT mới đây cho biết đầu tàu, máy móc vẫn chưa thể về hết vì không có tiền.

Còn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có nguy cơ ngừng trệ khi chủ đầu tư là TP.HCM chưa tìm ra cách để xoay sở khoản đội vốn 30.000 tỷ đồng. Theo quy định về đầu tư công, hiện tại chưa có cơ chế để giải ngân khoản tiền này. Kế hoạch năm 2020 metro đưa vào hoạt động cũng đứng trước nguy cơ phá sản.

Đại dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành... sẽ tới đâu?

Bộ GTVT vừa gửi tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam tới Quốc hội. Dự án giao thông được kì vọng khi thông suốt sẽ mang lại diện mạo giao thông mới nhưng đến nay câu chuyện huy động vốn để đầu tư vẫn đang khiến Bộ GTVT đau đầu. Chỉ một số đoạn được rót vốn đầu tư công, những đoạn còn lại Bộ sẽ phải huy động vốn qua hình thức BOT. Tới đây, câu chuyện BOT lại một lần nữa được hâm nóng với những lo ngại sẽ gặp sự phản đối từ dư luận từ thực trạng BOT hiện nay.

Tương tự, dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang gặp khó khi vốn cho giải phóng mặt bằng còn chưa giải quyết xong. Đến nay, tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi bị chậm khoảng 8 tháng.

Những viên gạch đầu tiên của các dự án khủng của ngành giao thông đều được đặt vào đúng nhiệm kì của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Dấu hỏi về đầu tư giao thông

Ngoài ra, những dấu hỏi lớn cũng đang được đặt ra đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông vận tải. Mới đây Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải đưa ra câu trả lời về nhận định của chuyên gia giao thông cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng: "Nếu tất cả các dự án sân bay cảng được phê duyệt, Việt Nam sẽ có hệ thống sân bay và cảng nước sâu nhiều nhất thế giới so với quy mô nền kinh tế". Câu chuyện đầu tư giao thông chưa hiệu quả cũng đang chờ tân Bộ trưởng tháo gỡ.

Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư cho ngành đường sắt lạc hậu, giao thông nội thủy được cho là chưa sử dụng hết tiềm năng...

Những vấn đề ngành giao thông đều đang dang dở, được ví như bài toán khó chờ đợi tân Bộ trưởng xắn tay giải quyết. Lời giải như thế nào cho những vấn đề mà ngành giao thông đã loay hoay trong suốt những năm qua?

Theo Nam Anh/ Infornet

 

Các tin khác:
  • Làm theo quy hoạch, nông sản phải “giải cứu”, ai đền bù thiệt hại cho dân? (27/10/2017-7:45)
  • Hộ khẩu sắp hết thời (27/10/2017-7:40)
  • Biên chế hợp lý (25/10/2017-21:05)
  • Chưa thể khẳng định mùa Đông năm nay lạnh nhất trong 100 năm qua (25/10/2017-7:21)
  • Hợp nhất bộ máy và cách chế ngự quyền lực (24/10/2017-10:24)
  • Cử tri lo lắng về thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội (24/10/2017-10:17)
  • Cả BHXH và Y tế đều đang “có vấn đề” và “áp đặt” nhau (22/10/2017-10:25)
  • "Chạy bằng cấp" - không chỉ là suy thoái về đạo đức, lối sống (22/10/2017-10:23)
  • Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về hộ khẩu (19/10/2017-7:50)
  • Thị trường viễn thông: Chạy đua giữ thuê bao (19/10/2017-7:48)